Trong bối cảnh nguồn thu bị giảm, các chủ trường, nhóm lớp mầm non độc lập, tư thục vẫn nỗ lực xoay xở nhằm nâng cao chất lượng dạy học đồng thời “giữ chân” giáo viên.
Chấp nhận giảm sĩ số lớp học
Theo cô Nguyễn Thị Cẩm Đan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tây Thạnh 2 (quận Bình Tân), năm học trước, cơ sở tuyển sinh được 350 trẻ nhưng năm nay mới tuyển được 280 em. Nếu duy trì sĩ số các lớp như trước đây, năm học này, nhà trường dư ra 6 giáo viên.
Dù vậy, cơ sở vẫn duy trì đội ngũ bằng cách tăng số lượng giáo viên cho các lớp. Chẳng hạn, năm học trước, lớp nhà trẻ có 2 giáo viên phụ trách, hiện nay tăng lên 3 người. Bên cạnh đó, trước đây, nếu có giáo viên nghỉ thai sản, nhà trường sẽ tuyển bổ sung nhưng năm học này đã có giáo viên tại trường phụ trách.
“Với trường mầm non tư thục, số lượng giáo viên không ổn định. Năm nào cũng có giáo viên nghỉ hay xin vào nên việc dư giáo viên nhà trường luôn chủ động cân đối. Tuy nhiên năm nay, công tác tuyển sinh rất khó khăn, ngoài lớp Lá, trẻ ở các độ tuổi còn lại trường tuyển quanh năm.
Nếu các năm trước, trường tuyển tới tháng 11 hay tháng 12 sẽ đủ số lượng, nhưng tình hình như năm nay không mấy khả quan. Nhà trường xác định sẽ gồng gánh đến hết năm 2024. Mong rằng đợt tuyển sinh sau Tết Nguyên đán sẽ khởi sắc”, cô Đan cho hay.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng Quỳnh - chủ 4 cơ sở mầm non tại TP Thủ Đức và Quận 12 cho biết, năm học 2024 - 2025, các cơ sở chỉ tuyển được khoảng hơn 70% so với năm học trước. Số lượng trẻ giảm, nhiều trường chấp nhận giảm sĩ số mỗi lớp để phù hợp với đội ngũ giáo viên trong trường.
Nói về nguyên nhân, bà Quỳnh cho biết, từ khi hết dịch Covid-19, người lao động ở TPHCM về quê nhiều hơn, trẻ cũng theo cha mẹ về, tỷ lệ sinh đẻ thấp đi, trẻ xin học vào các cơ sở mầm non công lập nhiều, nên số trẻ đến các trường lớp mầm non tư thục không còn như trước. Cũng vì tuyển sinh khó khăn, chi phí thuê mặt bằng mỗi năm lại tăng nên đầu năm học này, bà Quỳnh buộc phải chuyển nhượng một cơ sở tại địa bàn TP Thủ Đức.
“Khó khăn nhất vẫn là dịp hè 2024, trẻ lớp Lá ra trường, trong khi các cơ sở không tuyển được thêm nên dư nhiều giáo viên. Để cân đối quỹ lương, nhà trường giải quyết cho các cô nghỉ luân phiên 1 - 2 tuần không lương.
Còn bước vào năm học, do tuyển sinh không đủ nên giải pháp trước mắt là giữ nguyên số lớp như năm học trước và chấp nhận giảm sĩ số trẻ/lớp. Chẳng hạn trước đây, sĩ số mỗi lớp là 25 trẻ, năm học này giảm xuống còn 15 trẻ thậm chí có lớp 10 trẻ để đảm bảo giáo viên đều đứng lớp”, bà Quỳnh chia sẻ.
Bà Lương Thị Hồng Điệp - Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, theo báo cáo từ các phòng GD&ĐT quận, huyện và TP Thủ Đức, năm nay số trẻ em ở các cơ sở giáo dục mầm non thấp hơn một số năm học trước, nhiều trường công lập cũng ít trẻ, có thể do ảnh hưởng dịch Covid-19 từ các năm 2020 - 2021, số lượng trẻ được sinh ra trong các năm này ít hơn.
Mong chờ chính sách ưu đãi
Tuyển sinh không đủ, nguồn thu giảm, do đó chế độ đãi ngộ đối với giáo viên cũng được các cơ sở mầm non tư thục cân đối lại. Chia sẻ vấn đề này, cô Nguyễn Thị Cẩm Đan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tây Thạnh 2 (quận Bình Tân) bày tỏ: “Kinh phí hạn chế, buộc các chế độ, chính sách, cũng như hoạt động vào ngày lễ của trường đối với giáo viên “gói ghém” hơn.
Chẳng hạn, những năm trước, ngày 20/10, trường tổ chức nhiều hoạt động và tiệc liên hoan rộn ràng. Năm nay, trường chỉ tổ chức bữa ăn trưa “sang” hơn ngày thường. Điều đáng mừng, các cô hiểu được thực tế nên cũng thông cảm cho nhà trường. Đến Tết Nguyên đán, nhà trường vẫn đảm bảo thưởng 1 tháng lương cho giáo viên”, cô Đan cho hay.
Nữ hiệu trưởng cũng chia sẻ thêm, thời gian qua, nhiều chủ trường, lớp mầm non “hụt hơi” không chỉ vì cạn vốn mà còn chất lượng nhân sự mầm non trồi sụt. Nhân sự “nhảy việc”, nghỉ việc nhiều do những áp lực, căng thẳng trong công việc. Do đó, các trường mong muốn có chính sách hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho giáo viên mầm non ngoài công lập.
“Hằng năm, không chỉ trường tôi mà nhiều cơ sở mầm non tư thục khác phải bỏ ra chi phí lớn để vận hành trường, lớp. Do đó chúng tôi mong có chính sách hỗ trợ, giảm tiền thuê đất, san sẻ khó khăn lúc này”, cô Đan bày tỏ.
Cùng quan điểm, bà Hồ Thị Thương - chủ Trường Mầm non Kim Đồng (quận Bình Thạnh) mong được hỗ trợ, giảm tiền thuê mặt bằng trong bối cảnh khó khăn nói chung, để các chủ lớp, trường có động lực tiếp tục gắn bó với mầm non tư thục.
Theo bà Thương, khi giáo dục mầm non phát triển đa dạng ở cả khối công lập, ngoài công lập, phụ huynh, người học có thêm nhiều sự lựa chọn. Mỗi loại hình giáo dục có những ưu điểm riêng. Như các nhóm mầm non độc lập, tư thục có thể giữ trẻ trễ hơn trong ngày, trông trẻ ngày thứ Bảy, ngày lễ…
Bà Lương Thị Hồng Điệp nhấn mạnh, đầu tư lĩnh vực giáo dục mầm non rất khó. Các nhà đầu tư không nên đầu tư dàn trải, không phải thấy chỗ nào có mặt bằng rẻ rồi thuê mở trường, nhóm lớp được, mà phải khảo sát mật độ dân cư, tỷ lệ trẻ em đến lớp, các trường lớp đã có ở lân cận…
“Phòng Giáo dục mầm non tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đơn vị để đề xuất các sở, ban, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn để có thêm nhiều đơn vị, giáo viên, trẻ em được thụ hưởng từ Nghị quyết 27/2021/NQ-HĐND của HĐND thành phố về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp tại TPHCM”, bà Điệp cho hay.
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, bà Nguyễn Thị Hồng Quỳnh nhấn mạnh: “Dù nguồn thu giảm, tuy nhiên không phải vì thế mà giảm bớt đầu tư cho các cơ sở. Chúng tôi xác định phải “tự cứu mình” bằng cách nâng cao chất lượng chăm sóc và dạy dỗ. Cụ thể, trường tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, xây dựng chương trình học hấp dẫn hơn, tăng chất lượng làm quen tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, giữ sĩ số lớp vừa phải... để cạnh tranh hiệu quả với các trường khác”.