Điều này đã tác động rất lớn đến nhu cầu học tập của trẻ mầm non trên địa bàn.
Nhiều trường thiếu giáo viên
Ngày 13/4, khoảng 550.000 trẻ mầm non ở Hà Nội đã trở lại trường. Nhiều cơ sở mầm non ở Hà Nội đã tận dụng cả ngày nghỉ lễ trong dịp Giỗ Tổ để chuẩn bị cho sự trở lại của trẻ. Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động trong bối cảnh thiếu giáo viên đang là nỗi lo của nhiều trường.
Vui mừng khi được mở trường học trở lại sau hơn 1 năm đóng cửa, bà Nguyễn Hồng Hạnh, chủ cơ sở giáo dục mầm non tại quận Hoàng Mai, ngậm ngùi: Gần như hệ trường tư đều đứng trước nguy cơ thua lỗ. Tổn thất tài chính theo từng quy mô nhưng phổ biến là quy mô trường học với 50 nhân sự trên một điểm trường, ước tính tổn thất hơn 10 tỷ đồng/năm/1 địa điểm trong suốt thời gian qua.
“Ngoài những tổn thất về tài chính dễ nhìn thấy, chúng tôi còn những mất mát trầm trọng về vấn đề giáo viên và nhân sự. Các giáo viên phải tìm kiếm công việc khác để mưu sinh. Sinh viên không còn thiết tha với ngành Giáo dục mầm non do công việc vất vả, áp lực cao giờ đây còn kèm theo những bấp bênh không ổn định. Đây là những đứt gãy với những hệ lụy lâu dài có thể nhìn thấy được”, bà Nguyễn Hồng Hạnh giãi bày.
Còn bà Nguyễn Thị Thái, chủ một cơ sở mầm non tại quận Hà Đông, bày tỏ: Trước dịch, nhà trường có 3 cơ sở. Trong 2 năm gần đây, do thời gian nghỉ phòng dịch quá dài, nhà trường không đủ tiền trả lương nên nhiều giáo viên bỏ nghề, 2 cơ sở đã phải giải thể. Sau gần 2 năm đối đầu với khó khăn do dịch, giờ tiếp tục đối đầu với khó khăn “thiếu giáo viên” khi mở cửa trở lại.
Do đó, trong suốt ba ngày nghỉ lễ, nhà trường lo sơn lại toàn bộ nội thất bốn tầng nhà, lau dọn sàn nhà, phun khử khuẩn. Đồ dùng dạy học, đồ chơi, vật dụng ăn bán trú của trẻ bị hỏng và bị mất mát nhiều sau một năm liên tục phải đóng cửa, giờ phải đầu tư mua mới. Trước mắt, nhà trường kêu gọi phụ huynh đóng góp đồ chơi và giáo viên tự làm thêm đồ dùng dạy học. Nhà trường sẽ có kế hoạch để kéo các cô giáo tâm huyết trở về giảng dạy.
Với đặc thù bậc học mầm non, việc khử khuẩn, vệ sinh trường lớp, vật dụng, chuẩn bị các yếu tố để vận hành lại phải rất tỉ mỉ, cẩn trọng, bà Trần Ngọc Linh, chủ cơ sở giáo dục tại quận Long Biên, chia sẻ đồng thời nhấn mạnh: Đảm bảo an toàn cho trẻ ở mức cao nhất cũng là cách làm yên lòng phụ huynh trong thời điểm này.
Cũng theo bà Trần Ngọc Linh, khó khăn lớn nhất của các trường mầm non tư thục là việc đứt gãy của đội ngũ nhân sự. Điều này không chỉ xảy ra với một vài cơ sở, mà hầu hết trong hệ thống mầm non của những địa phương phải đóng cửa trường lâu như Hà Nội. Nhà trường may mắn vẫn đủ giáo viên để duy trì hoạt động và sẽ có chiến lược để bổ sung nhân lực, nhất là nhân lực ở vị trí chủ chốt, giáo viên được đào tạo.
Hỗ trợ hoạt động trở lại sớm nhất
Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông - cho biết: Quận vẫn còn gần 30 cơ sở mầm non tư thục chưa thể hoạt động được vì các điều kiện cơ sơ vật chất chưa đảm bảo và thiếu giáo viên. UBND quận và ngành Giáo dục Hà Đông đang nỗ lực để hỗ trợ các trường về cải tạo cơ sở vật chất, ký hợp đồng giáo viên, giúp các cơ sở mầm non quay trở lại hoạt động sớm nhất.
Tương tự, quận Nam Từ Liêm có 50 trường mầm non và 218 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, số lượng trẻ học tại các trường tư thục và nhóm trẻ nhiều hơn so với các trường công. Do vậy, đối với 10 nhóm lớp tư thục đã giải thể, quận đã chỉ đạo các trường mầm non công lập đón nhận các cháu thuộc nhóm lớp này.
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, bà Nguyễn Thị Hương - Trưởng phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm - cho biết đã phối hợp với một số đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức phiên giao dịch việc làm dành riêng cho giáo viên mầm non nhằm bổ sung nhân lực cho ngành học này.
Bà Phạm Đàm Thục Hạnh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai - cho rằng, dịch bệnh đã được kiểm soát, học sinh được đi học trở lại, nhu cầu gửi con của phụ huynh tại các trường tư thục rất lớn. Do vậy trong thời gian tới sẽ có nhiều trường mở cửa trở lại hoặc thành lập mới, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh.