Tạo niềm vui từ lao động
Cô Đinh Loan Vân – Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Nghĩa Thuận tâm sự: Tết của học sinh và thầy cô giáo vùng cao nếu xét về vật chất thì chẳng có gì mấy đâu! Nhưng chắc chắn trường sẽ tổ chức đón Tết thật vui vẻ ấm cúng cho thầy cô và học sinh trước khi về nghỉ.
“Này nhé, lứa lợn được nuôi bằng thức ăn, cơm thừa của HS bán trú vừa kịp lúc thu hoạch. Ba con lợn hơn 70kg/con sẽ được thịt để HS ăn Tết Dương lịch, 4 con còn lại để liên hoan vào Tết Âm lịch cho toàn trường. Thịt lợn sạch do chính GV và HS chăm nuôi. Rau xanh từ mô hình nông trại, học lý thuyết đi đôi với thực hành. Trong vườn có đủ loại từ rau nấu ăn đến rau gia vị... Có thịt có rau là GV và HS cơ bản có Tết. Nhà trường chỉ mua thêm vài yến gạo nếp, đỗ xanh, lá dong… để HS gói, luộc bánh chưng cho đủ vị Tết...” - cô Vân nói.
Tại Trường PTDTBT TH Nghĩa Thuận, nhiều năm nay Ban giám hiệu đều có kế hoạch trong việc duy trì tổ chức đón Tết truyền thống cho HS và GV. Chính vì vậy, từ lúc mua lợn giống về nuôi các thầy cô đã lựa chọn kĩ về giống, trọng lượng… sao cho phù hợp với thời điểm cần thu hoạch.
“Tết của HS vùng cao vui và ý nghĩa lắm. Năm trước, sản lượng lợn tự nuôi vượt định mức nên thực phẩm để liên hoan cho hơn 400 HS và hơn 30 CBGV khá dư thừa, nhiều HS nói rằng “con ngán ăn thịt rồi cô ạ”. Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay sản lượng thịt lợn chắc chắn thu hoạch cũng không ít hơn nên nhà trường sẽ chú trọng đến khâu chế biến. Làm sao để thức ăn phù hợp khẩu vị, thịt lợn ngoài chế biến món truyền thống như gói bánh chưng, gói giò lụa… thì sẽ làm thêm các món khác như giò xào, thịt nướng, nấu đông… Như vậy, khẩu phần ăn của HS sẽ lạ miệng và không bỏ thừa” – cô Vân cho biết.
Với nhiều trường học vùng cao biên giới, Tết cũng là dịp để nhà trường tổ chức trò chơi truyền thống như nhảy sạp, ném còn, đu nêu… cho HS. Nhiều hoạt động giáo dục ngoài trời, giáo dục kĩ năng sống… được lồng ghép vào các hoạt động hội chợ truyền thống, với nhiều sản vật và đồ thủ công làng nghề dân tộc được trưng bày. Không khí chuẩn bị đón Tết trong các trường học vùng cao biên giới rộn ràng, nhiều hoạt động thiết thực giúp HS không căng thẳng học tập; mặt khác kéo HS tới lớp, tránh tình trạng bỏ, trốn học trước Tết thường hay xảy ra trước đây.
Cũng thuộc trường vùng cao biên giới, Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu, Mường Khương (Lào Cai) cũng có nhiều hoạt động lo Tết cho GV và HS tương tự như các địa phương khác. Trường cũng tổ chức nuôi lợn, gà, ngan, trồng rau xanh… để tăng cường bữa ăn cho HS bán trú, đồng thời đảm bảo thực phẩm cơ bản để tổ chức ăn Tết cho HS và GV toàn trường trước khi về nghỉ.
Thầy Phùng Thế Tùng – Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: Tổ chức liên hoan trước Tết cho GV và HS đã trở thành truyền thống của trường. Hoạt động gói bánh chưng ngày Tết cũng được các thầy cô quan tâm chú trọng bởi nó không đơn giản là giáo dục HS cách làm bánh chưng Tết thông qua rửa lá dong, đãi đỗ, vo gạo, nấu bánh… khi các em trở về gia đình mà hơn thế nữa sẽ hướng HS tới những giá trị truyền thống dân tộc.
Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu có 100% là HS người dân tộc (trong đó HS dân tộc Mông chiếm 98%). Tuy phong tục tập quán, bản sắc văn hóa có khác song nhà trường tổ chức các hoạt động đón Tết theo hướng cổ truyền, các em đều hào hứng tham gia. Thậm chí nhiều HS đã học được gói bánh chưng, làm một số món ăn ngày Tết do thầy cô hướng dẫn, sau đó mang về gia đình áp dụng, dạy lại cho anh chị em, cha mẹ.
Không lơ là ổn định trường lớp
Thầy Hoàng Minh Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Móng Cái – Quảng Ninh) cho biết: Trước đây có tình trạng HS hoàn cảnh khó khăn bỏ học để tham gia lao động thời vụ kiếm sống cùng gia đình trong những dịp sát và sau Tết. Bản thân bố mẹ các em cũng ủng hộ và thiếu kết hợp với nhà trường trong việc huy động HS đến trường đầy đủ. Tuy nhiên, đến nay ý thức học tập của HS vùng biên giới Móng Cái – Quảng Ninh đã tiến bộ rõ rệt, phụ huynh HS quan tâm hơn đến việc học tập của con em. Bên cạnh đó, nhà trường cũng siết chặt kỉ luật trường lớp để duy trì ổn định sĩ số. Vì vậy, tình trạng trốn bỏ học để tham gia lao động thời vụ; học sinh đốt pháo, vi phạm trật tự xã hội… cơ bản được loại bỏ.
Tuy nhiên, thầy Hoàng Minh Thanh cũng cho rằng, tâm lý uể oải học tập ngày sát, sau Tết của HS là khó tránh khỏi. Để ổn định sĩ số HS trên lớp, Trường THPT Trần Phú đồng loạt đẩy mạnh nhiều giải pháp từ kỷ luật trật tự đến tổ chức các hình thức học tập nhẹ nhàng phù hợp để khuyến khích HS quan tâm, tập trung vào học tập.
Năm 2019, Trường THPT Trần Phú - Móng Cái (Quảng Ninh) sẽ có 420 HS tham gia vào Kỳ thi THPT quốc gia. Vì vậy, ở khối lớp này hoạt động giảng dạy và học tập vẫn diễn ra nghiêm túc để đảm bảo chương trình cũng như ôn tập kĩ lưỡng cho HS.
Thầy Phạm Xuân Thảo - Hiệu trưởng trường THPT A Túc – Hướng Hóa (Quảng Trị), khẳng định: “Ổn định trường lớp trước Tết luôn được các nhà trường, thầy cô giáo xác định không dễ dàng bởi đây là thời điểm tâm lý học tập của học sinh đều rơi vào chểnh mảng. Chính vì vậy đòi hỏi những nỗ lực, đổi mới trong giám sát nề nếp học tập của HS; cách thức giảng dạy của GV… Một trong nhiều giải pháp mà nhà trường triển khai những năm qua để ổn định trật tự kỷ luật trường lớp và sĩ số dịp sát và sau Tết là nhắc nhở học sinh giữ gìn sức khoẻ, vui chơi lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội. Thậm chí yêu cầu PHHS cam kết với nhà trường không để học sinh vi phạm kỷ luật trước và sau Tết”.