Trường học vùng cao chật vật vì thiếu nước

GD&TĐ - Vào mùa khô khi các khe suối, mó nước cạn dần là lúc thầy cô và học trò ở vùng cao của xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) lại lo ngay ngáy.

Các thầy cô phải tự làm đường ống dẫn nước về để sinh hoạt.
Các thầy cô phải tự làm đường ống dẫn nước về để sinh hoạt.

Chia ca... đón nước

Cuối tháng 5, chúng tôi đến Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở (PTDTBT THCS) Ta Ma, xã Ta Ma giữa thời tiết nắng nóng, oi bức. Những bồn hoa, cây cảnh héo rũ trước cái nắng gay gắt giữa mùa Hè.

Năm học 2022 - 2023, trường có 379 học sinh, trong đó 210 học sinh bán trú. Từ khoảng thời gian sau Tết thầy và trò nhà trường luôn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của học sinh cũng như công tác dạy và học của nhà trường.

Thầy Phan Văn Đạt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Với số lượng học sinh đông nên nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày là rất lớn. Hiện thầy cô và học sinh trên địa bàn đang rất vất vả vì thiếu nước.

Học sinh đi tắm nhờ.

Học sinh đi tắm nhờ.

Để ổn định đời sống sinh hoạt cho học sinh, thầy cô giáo phải đi lấy nước từ khe suối về, việc tắm giặt thì nhờ nhà dân. Khó khăn nhất là các em học sinh bán trú. Cứ sau giờ tan học lại phải đi tắm, giặt quần áo nhờ đường nước của người dân (đường dẫn do dân tự kéo về từ những nơi rất xa để sử dụng riêng). Đến chỗ có nước rồi các em lại đứng chờ nhau, mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, học tập.

“Nhà trường đã khoan tìm dò nguồn nước 2 lần nhưng đều không có nước. Trước khi đặt mũi khoan ai cũng hy vọng. Sau 3 ngày với 3 mũi khoan sâu tới hơn 50m mà vẫn chưa tìm được nguồn nước mới, ai cũng buồn”, thầy Đạt kể.

Tại đây có 3 trường (Mầm non, Tiểu học và THCS) ở gần nhau nên cả ba đã chung nhau làm hệ thống ống dẫn nước từ mó cách đây 5km về để sử dụng. Hàng ngày 3 trường phải phân giờ để xả nước vào bể chứa.

Do số lượng học sinh bán trú đông, nhu cầu sử dụng nước lớn hơn nên trường THCS được chia ca, trực đón nước từ 19 giờ đến 6 giờ sáng. Nhiều khi, gia súc của người dân qua lại, dẫm đạp khiến đường ống xê dịch, cần người canh gác để sửa ống. Những tháng mùa khô, khi nước trên nguồn về ít, một đêm cũng chỉ hứng được tầm 5m3 nước để dùng cho cả ngày hôm sau.

Giáo viên Trường PTDTBT THCS Ta Ma chở nước sau giờ dạy.

Giáo viên Trường PTDTBT THCS Ta Ma chở nước sau giờ dạy.

Cô nhường nước cho trò

Ngay gần đó, Trường Mầm non Ta Ma cũng chung tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Hệ thống cây xanh, cây hoa trang trí nhà trường cứ trồng được thời gian là lại chết khô do không có nước để tưới cho cây thường xuyên.

Cô Hà Thị Mến, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Ta Ma chia sẻ: Hiện trường có 462 học sinh, 100% trẻ đều học bán trú, nhu cầu dùng nước rất lớn. Để phục vụ bán trú cho trẻ, cô giáo cùng nhân viên cấp dưỡng phải đi xin nhà dân rồi xách từng xô nước về dùng. Trước tình trạng thiếu nước, nhà trường phải vận động giáo viên nhường nước sinh hoạt cho trẻ. Về phía các cô, mỗi người sẽ cố gắng tự khắc phục bằng cách đi xin nước hoặc tự xách nước ở khe suối để dùng.

“Giờ mở van xả nước cho 3 trường là từ 6 giờ - 10 giờ mỗi ngày tại điểm trường trung tâm. Lượng nước hứng được cũng phải chắt chiu lắm mới đủ để nấu ăn và vệ sinh cho các con. Còn ở các điểm bản, nhiều khi thiếu quá cũng phải chấp nhận mua 1 xe nước 5m3 với giá 300 nghìn đồng để dùng”, cô Mến chia sẻ thêm.

Theo chỉ đạo của Ban giám hiệu 3 trường ở xã Ta Ma, giáo viên sẽ phải thường xuyên thay phiên nhau để lên đầu mó nước canh gác. Người trong ca trực sẽ vớt những lá cây khô, nạo vét bùn đất để nước chảy về được mạnh hơn.

Khó khăn là vậy, nên các thầy cô ở đây tận dụng mọi cách có thể. Nước mưa cũng được coi là một trong số những nguồn quý báu để sử dụng. Hằng ngày các cô đều xem thông tin dự báo thời tiết như một phần công việc của mình. Chỉ cần đài dự báo có mưa là ai vào việc nấy. Người phụ trách vệ sinh thùng, bể chứa, người dọn máng, đường ống dẫn nước chờ đón những cơn mưa để có nước dùng qua ngày.

Hơn 3 năm gắn bó với Trường Mầm non Ta Ma, cô giáo Tòng Thị Loan thấu hiểu được nỗi vất vả, nhọc nhằn vì thiếu nước nơi đây. Cô Loan cho biết: “Vào mùa khô, các cô phải tranh thủ nghỉ trưa hoặc tan giờ thay nhau dùng can đi lấy nước. Muốn lấy nhiều cũng khó vì phụ nữ chân yếu tay mềm, mà đường đi đâu phải dễ dàng. Nước lấy về cũng chẳng đủ để tắm giặt, nấu cơm, mọi thứ sinh hoạt mà thiếu nước cực kỳ vất vả”.

Hạng Thị Khua, học sinh lớp 7A3, Trường PTDTBT THCS Ta Ma cho biết, cuối buổi chiều hàng ngày, em cùng các bạn đi hứng đầy một can nhựa 5 lít dùng tiết kiệm cho những sinh hoạt tối thiểu như đánh răng, rửa mặt, nước uống… trong một ngày. Còn tắm, giặt quần áo thì phải dồn 2, 3 ngày và đều phải đến nhờ nhà người thân ở các bản lân cận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.