Trường học trên bản Mông nỗ lực truyền tải nội dung SGK mới cho HS lớp 1

GD&TĐ - Khao Mang, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) là xã có điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, 97% dân số là người dân tộc Mông.

 HS lớp 1 Trường PTDTBT Tiểu học Khao Mang tập viết chữ. Ảnh: TG
HS lớp 1 Trường PTDTBT Tiểu học Khao Mang tập viết chữ. Ảnh: TG

Xuất phát điểm thấp ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có công tác giáo dục. Dù còn nhiều gian khó nhưng các thầy, cô giáo vẫn miệt mài bám bản dạy chữ cho học sinh.

Trường học nơi bản Mông

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học xã Khao Mang nằm trên địa bàn xã có đông đồng bào dân tộc, có những lớp học 100% là học sinh người Mông. Thực hiện Đề án rà soát, sắp xếp quy mô mạng lưới trường với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn xã Khao Mang giai đoạn 2016 – 2020, năm học 2016 - 2017, Trường PTDTBT Tiểu học Khao Mang được tách ra từ Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Khao Mang, hoạt động theo mô hình trường chuyên biệt.

Cô Nguyễn Thị Minh Hằng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Khao Mang cho biết: Năm học 2020 – 2021, trường có 25 lớp/851 học sinh. Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Trường có 695 học sinh bán trú; 413 em diện hộ nghèo và 10 HS khuyết tật.

Tỷ lệ GV đạt 1,36 GV/lớp. Diện tích bình quân cho 1 học sinh khoảng 3,8m2 không đủ quy định là 10m2/học sinh. Trường hiện có 12 phòng học kiên cố, không đủ để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

 Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, trường nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp - ngành. Đặc biệt, từ công tác xã hội hóa giáo dục, trường đã huy động được các nguồn lực cải tạo môi trường vật chất, phục vụ nhu cầu dạy và học. Theo cô Hằng, triển khai dạy SGK mới, 5 lớp 1 được bố trí đủ phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Các nền nếp được xây dựng và củng cố từ năm học trước thuận lợi cho công tác giảng dạy, chăm sóc học sinh. Sách giáo khoa, thiết bị giảng dạy, trong đó SGK lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được đáp ứng đủ. 

Mỗi ngày đến trường của các em đang thực sự là một ngày vui. Ảnh: TG
Mỗi ngày đến trường của các em đang thực sự là một ngày vui. Ảnh: TG

Dạy chữ rèn người

Năm học 2020 – 2021, Trường PTDTBT Tiểu học Khao Mang xác định nhiệm vụ trọng tâm “Nâng cao chất lượng giáo dục gắn liền với giải pháp tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số”.

Cô Hằng cho biết: Nhà trường đồng thời áp dụng 2 giải pháp chuyên sâu nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Đó là việc cải thiện chất lượng đội ngũ, tăng cường đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài dạy; áp dụng các hình thức tổ chức dạy học, cải tiến phương pháp dạy học sao cho phù hợp với đối tượng học sinh phù hợp đối với từng môn học, dạng bài. Đồng thời triển khai các biện pháp dạy học tích cực, các thầy cô nỗ lực nhiều hơn trong việc truyền tải nội dung SGK mới cho HS lớp 1, làm sao để các em không chỉ quen với sách giáo khoa mới mà còn hứng thú học tập hiệu quả.

Cô Hoàng Thị Hoa Lan - giáo viên chủ nhiệm lớp 1A1,Trường PTDTBT Tiểu học Khao Mang cho biết: Chương trình mới, bước đầu chưa quen nên thầy cô có phần vất vả. Giáo viên phải vừa dạy, tìm hiểu, học hỏi lẫn nhau. Cũng có những băn khoăn, nhưng tất cả đều vào cuộc thực hiện rất tốt. Ban giám hiệu nhà trường luôn đồng hành cùng các thầy cô giáo. Chúng tôi xác định sẽ dành nhiều thời gian và sự quan tâm đối với lớp 1, vì HS dân tộc, có em chưa sõi tiếng Kinh nên GV sẽ xây dựng phương án có tiết học hỏi, có tiết hỗ trợ.

Với 25 lớp/13 phòng học, để thực hiện dạy 2 buổi/ngày theo chương trình mới cho lớp 1, trường phải bố trí thêm 3 phòng học, trong đó 1 phòng học nhờ tại nhà cộng đồng của xã, còn lại là tận dụng 1 phòng hội đồng và 1 phòng ở bán trú. Chủ trương vận động phụ huynh mua sách giáo khoa cho học sinh cũng gặp khó khăn, do người dân thu nhập bấp bênh… Khó khăn là vậy nhưng ở họ có niềm tin và quyết tâm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới với tâm thế và trách nhiệm cao nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.