Chuyển đổi SGK lớp 1 ở trường chuyên biệt: Lựa chọn nội dung phù hợp

GD&TĐ - Để HS khiếm thị, khiếm thính có SGK lớp 1 học theo Chương trình GDPT mới, ban giám hiệu (BGH), giáo viên các trường chuyên biệt đã chuyển đổi SGK cả kênh hình và kênh chữ sang chữ nổi Braille cho HS khiếm thị, hoặc tách đôi chương trình chia làm 2 năm cho HS khiếm thính.

Cô Trần Thị Phương Lan – Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đang hoàn chỉnh sách để đi in.
Cô Trần Thị Phương Lan – Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đang hoàn chỉnh sách để đi in.

Chuyển từ 1 thành 3

Là trường dạy học sinh khiếm thị nên bên cạnh việc tiếp cận nội dung chương trình SGK mới, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) còn thực hiện chuyển đổi SGK chương trình mới sang kênh chữ nổi Braille cho học sinh. Công việc này đòi hỏi nhiều thời gian công sức vì phải chuyển cả kênh hình và kênh chữ.

Theo cô Trần Thị Phương Lan – Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, để chuyển đổi SGK lớp 1 theo Chương trình GDPT mới, đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường tham dự đầy đủ các buổi tập huấn chuyên đề để nắm được phương pháp dạy học cơ bản nhất, có cái nhìn tổng thể, từ đó có sự so sánh giữa chương trình SGK cũ và mới, thấy được nội dung ưu việt. Bên cạnh đó, GV của trường cũng nghiên cứu kỹ từng bài học xem dạy cái gì, bằng phương pháp nào, sử dụng đồ dùng ra sao? Với bộ sách lớp 1 năm nay, BGH và GV nhà trường nghiên cứu sâu và nghiêm túc cả 5 bộ SGK, sau khi cân nhắc rất nhiều yếu tố, nhà trường  quyết định chọn bộ sách Cánh diều, bởi bộ sách này có sự chuyển đổi khá mềm mại giữa chương trình cũ và mới.

Chia sẻ sâu về kỹ thuật chuyển đổi SGK, cô Lan cho biết: Chuyển SGK từ bình thường sang chữ nổi phải thực hiện các công đoạn là chuyển kênh chữ, kênh hình, sau đó dàn trang chữ nổi ra để chèn hình vào giữa. Công đoạn cuối cùng là nghiên cứu làm sao để cắt một cách hợp lý. Ví dụ, từ quyển sách Tiếng Việt tập 1 phải cắt thành 3 quyển bởi số chữ quá nhiều. Khi cắt như vậy thống nhất cắt ở bài nào cho hợp lý, có thể ở bài ôn tập của mỗi phần. Ngoài ra phải lưu ý đến số lượng trang trên một tập để không quá dày và giữa các tập không bị vênh nhau, tránh tình trạng quyển quá dày, có quyển lại quá mỏng. 

Bộ sách chữ nổi Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đang hoàn thiện.
Bộ sách chữ nổi Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đang hoàn thiện.

Phức tạp chuyển kênh hình

Cô Lan cho hay: Có hai cách chuyển kênh chữ, chuyển bằng phần mềm, tức là chỉ cần có bản text, sau đó đưa qua phần mềm sẽ tự chuyển sang chữ nổi. Cách chuyển này có ưu điểm là nhanh nhưng vì không soát được lỗi chính tả do font của bản chữ nổi và font của bản Word A4 khác nhau nên có hiện tượng gẫy dòng, ngắt gây mất chữ, do đó người soát lỗi sẽ mất nhiều công sức. Cách thứ hai là gõ trực tiếp bằng chữ nổi. Ưu điểm của cách làm này là tính chính xác cao, không bị lỗi chính tả nhưng lại rất lâu.

Với kênh hình, việc chuyển đổi phức tạp hơn, đặc biệt là khi chuyển kênh hình môn Tiếng Việt. Nếu như môn Toán chỉ chuyển thuần túy từ những đồ vật thực tế để hình thành phép cộng, trừ thì với môn Tiếng Việt từ kênh hình chuyển sang ngôn ngữ cho HS khiếm thị khó hơn. Ví dụ: Cái ghế có thể chuyển sang kênh hình nhưng dòng sông thì không chuyển được. Vì vậy, trong SGK Tiếng Việt, giáo viên phải nghiên cứu để quyết định hình nào sẽ chuyển sang hình nổi, hình nào không.

Theo cô Lan, với HS sáng mắt, hình được thể hiện qua màu sắc, tính ước lệ của không gian, kích thước và được in trên cùng mặt phẳng. Với HS khiếm thị, hình dùng cho các em cần được biểu diễn theo không gian ba chiều với những chất liệu bề mặt khác nhau.

Không chỉ vậy, khi chuyển kênh hình, GV cũng phải lưu ý tỷ lệ hình chuyển như thế nào. Có những hình trong SGK vẽ nhỏ, khi chuyển sang cho HS khiếm thị lại nhỏ quá, các em sẽ không nhận biết được, bắt buộc phải phóng to lên, nhưng nếu phóng to quá, HS khiếm thị sẽ không sờ được. Bởi trong một khoảng nhất định các em mới có thể tri giác được các bộ phận.

Là người trực tiếp chuyển SGK lớp 1 cho học sinh khiếm thị, cô Đào Hồng Điệp, GV Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: Chuyển sách cho HS mắt sáng sang sách chữ nổi cho HS khiếm thị, là chuyển từ nhìn bằng mắt sang sờ bằng tay nên GV phải làm sao để HS hiểu nhiều nhất. Trong quá trình làm, chúng tôi phải tìm nguyên liệu để phù hợp in nhiệt, hoặc những nguyên liệu có thể dán chồng lên nhau. Hay có những bài số liệu nhiều, phải trình bày trong một khuôn giấy rất nhỏ, nhiều chi tiết, nên các cô cũng phải làm thế nào để khi HS sờ tay có thể đếm được, nhận ra được là vật gì.

Tách chương trình làm 2 năm

Trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội) dạy cả học sinh bình thường và khiếm thính trên địa bàn TP. Chia sẻ về công tác chuẩn bị SGK lớp 1 cho HS khiếm thính, thầy Phạm Văn Hoan – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Cũng giống như những năm trước, SGK lớp 1 năm nay được chia thành 2 phần, phần đầu HS học trong năm thứ nhất gọi là lớp 1B1 và phần sau là lớp 1B2. Giờ học của các con được kéo giãn, giảm tải nên các cô giáo phải chuẩn bị kỹ hơn. Ngoài ra, với HS khiếm thính, GV phải chuyển sang kênh hình nhiều hơn để các con dễ hiểu. Hiện nhà trường duyệt giáo án 2 tuần một. Sau học kỳ I sẽ xây dựng xong chương trình của cả năm. Chương trình của 1 tuần kéo dài thành 2 tuần sẽ giúp GV có thời gian rèn luyện, khắc sâu, ôn đi ôn lại kiến thức cho HS.

Theo cô Nguyễn Thị Mai, giáo viên dạy lớp 1 (Trường PTCS Xã Đàn), HS khiếm thính luyện khẩu hình miệng cũng như cách các em tiếp nhận kênh chữ không đơn giản như HS bình thường mà cần phải có ngôn ngữ ký hiệu nên cần một tiết để luyện. Trong quá trình làm giáo án, giáo viên phải tìm tòi, chuyển tải để HS khiếm thính hiểu được vì có một số thứ là trừu tượng. 

SGK lớp 1 cho học sinh khiếm thị in nhiệt trên giấy Brailon nên kinh phí rất tốn kém. Chi phí cho một quyển sách của HS khoảng 300 nghìn đồng, 6 - 7 triệu đồng/bộ sách. Hiện nhà trường đang được một tổ chức của nước ngoài tài trợ, sách phát miễn phí cho HS. Nhà trường cũng đã lập đề án để xin TP và sở để đưa vào dự toán năm sau, phòng trường hợp tổ chức của nước ngoài về nước, mà chưa được TP cấp kinh phí nhà trường sẽ gặp khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.