Vì sự bình đẳng của học sinh
“Học sinh bình thường có SGK mới thì không có lý do gì học sinh khiếm thị lại không có bộ sách mới để học. Chúng tôi nỗ lực chuyển đổi sách thường mới sang sách nổi với mong muốn duy nhất đem đến sự bình đẳng cho học sinh. Để những học trò khiếm thị cũng có cơ hội như các trò bình thường. Vì vậy, từ hơn 1 tháng nay, quỹ thời gian của chúng tôi luôn trong tình trạng eo hẹp. Ai cũng nỗ lực để kịp thời có sách mới cho học sinh lớp 1…” - cô Trần Thị Phương Lan - Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) chia sẻ.
Ban soạn thảo sách lớp 1 cho học sinh khiếm thị của Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu gồm ban giám hiệu và 9 giáo viên, tập trung trước mắt cho sách Toán và Tiếng Việt. Cô Lan thông tin: Với khối lượng công việc lớn, áp lực thời gian gấp gáp đặt lên vai đội ngũ tham gia biên soạn sách nổi mới lớp 1 trách nhiệm khá nặng nề. Vẫn biết việc chuyển đổi là bắt buộc theo yêu cầu công việc nhưng không thể không ghi nhận công sức, sự tâm huyết, nhiệt tình và trách nhiệm của các thầy cô giáo. Mỗi người đều vận dụng hết khả năng và công suất làm việc để có được những cuốn sách mới, vừa làm, vừa sửa, hoàn thiện, với mong muốn học sinh nhanh chóng tiếp cận được với sách mới, bảo đảm chương trình học theo quy định.
Cô Đào Hồng Điệp, GV tham gia biên soạn sách Toán nổi lớp 1 mới cho học sinh khiếm thị bộc bạch: Khi được phân công chuyển đổi sách Toán lớp 1 thường sang sách chữ nổi, tôi không nghĩ đến khó khăn mà luôn coi đó là nhiệm vụ, trách nhiệm của giáo viên dạy học sinh chuyên biệt. Với 1 trang sách thường, GV phải chuyển sang 4 -5 trang sách nổi. Công đoạn khá phức tạp, từ việc đọc, lựa chọn nội dung chuyển đổi phù hợp đến tìm nguyên liệu để tạo hình nổi; xây dựng kênh hình gắn với bài dạy… Thời gian đầu, chúng tôi làm đến 2 – 3 giờ sáng là bình thường. Làm xong lại sửa, điều chỉnh từ kênh chữ, kênh hình cho phù hợp nội dung, tỷ lệ mà HS khiếm thị có thể cảm nhận, tư duy được.
“Sách mới, chương trình mới, cô và trò đều bỡ ngỡ. Điều này càng thôi thúc chúng tôi sớm biên soạn sách mới để các con hòa nhập nhanh chóng với HS thường. Sách nổi mới lớp 1 năm nay, trường còn tổ chức in màu bìa sách để các con HS, dù khiếm thị nhưng vẫn có được sự tương đồng như với các bạn HS thường, có được những cuốn SGK mới rất đẹp và ấn tượng” - cô bày tỏ.
Mong trò tiến bộ mỗi ngày
Mỗi ngày, cô Nguyễn Thị Mai, dạy lớp 1 học sinh khiếm thính Trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội) đi 20km từ Thanh Oai đến trường dạy học. Lớp có 10 học sinh khiếm thính với đủ lứa tuổi, hoàn cảnh khác nhau. Ngoài một số ít em được gia đình cho đi học can thiệp trước khi vào học lớp 1, số còn lại chưa biết gì về kỹ năng của một người khiếm thính, từ ngôn ngữ ký hiệu đến khẩu hình…
Thậm chí, một số bạn đi học đúng tuổi (năm 2014), 1 tuần đi học vẫn còn khóc, có bạn chưa tự chủ được vấn đề vệ sinh cá nhân, nhiều con không quen với nếp học, sinh hoạt mới… Để đưa các em làm quen với lớp là cả vấn đề nan giải với thầy cô, trong khi, năm học này, cô Mai cũng như giáo viên chuyên biệt khác phải tham gia viết sách và xây dựng chương trình học mới cho các em.
Cô Mai cho hay: Với các cuốn SGK lớp 1 dạy trong 2 năm, tôi phải lựa chọn nội dung phù hợp với khả năng nhận thức của HS khiếm thính để soạn giáo án và làm đồ dùng dạy học, dựng video hỗ trợ HS và phụ huynh HS. Công việc khá phức tạp và mất nhiều công đoạn nhưng mỗi GV luôn cố gắng có được nội dung dạy phù hợp với HS khiếm thính từ nguồn nguyên liệu là SGK lớp 1mới đến tìm tư liệu trên mạng, mày mò làm đồ dùng dạy học… Công việc này vẫn tiếp diễn vào những lúc kết thúc giờ dạy, làm đến khuya để không ảnh hưởng đến HS, gia đình.
Theo cô Mai, sách Toán cũng như sách Tự nhiên xã hội, Hoạt động trải nghiệm chuyển đổi sang sách dạy cho HS khiếm thính không mấy khó khăn vì có nhiều kênh hình và mang tính trải nghiệm, phức tạp nhất là sách Tiếng Việt. HS khiếm thính khả năng tiếp thu chậm, chóng quên, dạy Tiếng Việt đòi hỏi GV phải bảo đảm 4 yếu tố: Khẩu hình, phát âm, kênh hình, kênh chữ… Nếu HS tiếp thu thiếu 1 yếu tố nào là GV chưa thành công.
Do vậy, GV phải nỗ lực gấp nhiều lần so với giáo viên thường. Vừa dạy chữ, dạy viết, vừa can thiệp cho các em. Với một HS bình thường, phát âm là kỹ năng sẵn có, nhưng với HS khiếm thính, phát âm được một từ rồi sử dụng khớp với khẩu hình, chữ cái ngón tay là công đoạn kiên trì, có thể mất 1 tuần thậm chí nhiều hơn với những HS khiếm thính nặng. Cô Mai ví dụ: Dạy chữ “ba” (từ địa phương) để HS khiếm thính hiểu là “bố” không đơn giản. Các em khó khớp được cả về kênh chữ lẫn khẩu hình, ký hiệu và phát âm. GV phải tìm tòi thêm kênh hình phù hợp để các em nhận biết được.
GV vừa dạy, kiên trì can thiệp, ôn đi ôn lại kiến thức và kỹ năng cho HS. Hiệu quả không thể nhìn thấy ngay như với HS thường, thế nhưng mỗi GV đều không nản lòng, vẫn tận tâm dạy và chăm sóc các em như người mẹ thứ hai.
Theo cô Mai, GV còn phải đối mặt với khó khăn do phụ huynh HS không nắm được sách mới, chương trình mới, không có kỹ năng can thiệp cho HS khiếm thính, vì vậy không hỗ trợ được GV khi kèm con ở nhà. Các cô giáo vừa dạy HS, nhưng cũng hướng dẫn luôn cha mẹ các em, từ việc trao đổi trực tiếp đến quay video giờ học để gửi phụ huynh tham khảo, đồng hành cùng con và nhà trường.
Khó khăn là thế nhưng cô Nguyễn Thị Mai vẫn chăm chỉ, nhiệt tình dạy học mỗi ngày cho HS khiếm thính. Cô tâm sự: Giai đoạn lớp 1 là nền tảng để các em có kiến thức, kỹ năng cơ bản sau này, để dù có khuyết tật vẫn hòa nhập được với cuộc sống. Nếu GV dạy chuyên biệt ngại khó, không kiên trì khổ luyện, các em khó có điều kiện để tiến bộ, vượt lên chính mình.
Là người có nhiều năm gắn bó với HS khiếm thính, cô Vũ Thị Hiền - Tổ trưởng tổ lớp 1 chuyên biệt Trường PTCS Xã Đàn cho biết: Tổ GV tham gia soạn sách và chương trình lớp 1 mới cho HS khiếm thính gần như không có thời gian ngơi nghỉ để có được những bài học mới cho HS ngay từ tuần đầu của năm học. Các thầy cô đều làm vì tình yêu thương, mong các em tiến bộ, khôn lớn sau này.
Cuốn sách từ… trái tim người thầy
Với các thầy cô chuyên biệt, nếu chỉ đơn thuần làm theo kiến thức chuyên môn được tập huấn, việc dạy học sinh khuyết tật sẽ trở thành áp lực và hiệu quả cũng không cao. Thầy cô đặt vào đó cái “tâm” của mình, để thông cảm với hoàn cảnh, hiểu mong muốn, biết khả năng của từng em. Từ cái “tâm” ấy đã cho ra đời nhiều giáo án, dụng cụ giảng dạy, học tập hiệu quả.
“Với học sinh khiếm thính không có một hướng dẫn chung nào. Tùy thầy cô, mỗi người một khả năng, chiêm nghiệm từ thực tế mà có phương pháp phù hợp. Điều này đòi hỏi thầy cô phải kiên trì, bền bỉ, bám đuổi để động viên, khích lệ và mỗi ngày bồi dưỡng giúp cho các em có thêm kiến thức. Tất cả xuất phát từ sự đồng cảm, mong muốn các em cần được yêu thương, giúp đỡ để hòa nhập với cộng đồng. Chỉ mong, nhà trường được trang bị thêm cơ sở vật chất như máy chiếu vật thể, bảng thông minh hỗ trợ cô trò trong quá trình dạy học” – cô Vũ Thị Hiền chia sẻ.
Khó khăn nhiều, áp lực lớn, nhưng vì học sinh khuyết tật, từng giáo viên và nhà trường đều không nề hà việc gì có thể làm được cho các em. Thầy Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn trao đổi: Để dạy HS khuyết tật, cái “tâm” của người thầy quan trọng nhất. Nếu thầy cô không có tâm, tình thương để quan tâm các em, thiếu sự kiên nhẫn thì rất khó dạy được. Và niềm vui lớn nhất với chúng tôi là nhìn thấy sự tiến bộ dù rất nhỏ của học trò. Nhìn những phụ huynh xúc động khoe sau một thời gian học ở trường, con đã bập bẹ được từ “bà”, từ “mẹ” dù không tròn vành rõ tiếng khiến cả nhà vỡ òa trong sung sướng, chúng tôi hiểu không thể không nỗ lực đổi mới vì sự tiến bộ của HS.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Tổng chủ biên SGK mới (NXB Giáo dục Việt Nam) nhìn nhận: Mục tiêu xây dựng SGK mới để phát triển năng lực và phẩm chất toàn diện của HS. Điều này hoàn toàn bình đẳng với các đối tượng HS, kể cả các em bị khuyết tật. Vì vậy, việc các trường chuyên biệt, đặc biệt là đội ngũ cán bộ GV trực tiếp biên soạn ra cuốn sách phù hợp cho HS khiếm thính, khiếm thị trên cơ sở SGK mới cho HS thường là việc làm quan trọng, nhân văn và cần thiết.
Biên soạn sách mới cho HS khuyết tật về yếu tố kỹ thuật là việc làm khó khăn, phức tạp. Vì lĩnh vực này không có nhiều chuyên gia lại chưa có tài liệu thống nhất. Đây là việc công phu, phức tạp và lặng lẽ sau mỗi giờ dạy học, cần nhận được sự hỗ trợ, chung tay của cơ quan chuyên môn, đối tác làm dự án hay các NXB, tạo thêm nguồn tư liệu và các yếu tố kỹ thuật để thầy cô giáo có cơ sở soạn sách một cách thuận lợi và hiệu quả nhất. Các nhà quản lý cũng cần quan tâm hơn đến chế độ, chính sách cho thầy cô giáo dạy HS chuyên biệt để họ yên tâm gắn bó với nghề, tận tâm đem lại sự bình đẳng trong giáo dục cho HS khuyết tật.