Các trường chuyên biệt chuẩn bị năm học mới: Nỗ lực vì học sinh

GD&TĐ - Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh vào năm học mới, các trường chuyên biệt tại Hà Nội đã và đang gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng đang đến gần. Việc tách nội dung môn học, chuyển kênh chữ, hình trong sách giáo khoa sang chữ nổi được thầy cô nỗ lực hoàn thiện.

Giáo viên Trường TH Bình Minh luyện chữ cho học sinh khuyết tật. 
Giáo viên Trường TH Bình Minh luyện chữ cho học sinh khuyết tật. 

Tách nội dung môn học

Theo thầy Phạm Văn Hoan – Hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn, trường dạy cả học sinh bình thường và học sinh khiếm thính trên địa bàn TP Hà Nội. Năm học này, trường có 28 lớp với 460 học sinh ở cả 3 cấp học MN, tiểu học, THCS. Trong đó, MN có 3 lớp gồm trẻ bình thường và khiếm thính theo học với mục đích can thiệp sớm để các em có thể bắt vào lớp 1 nhanh hơn. Bên cạnh đó, trường có 17 lớp tiểu học (5 lớp hòa nhập, 12 lớp chuyên biệt) và 8 lớp THCS (4 lớp hòa nhập, 4 lớp chuyên biệt). 

Với lớp 1, năm nay, Trường PTCS Xã Đàn tuyển sinh 2 lớp (1 lớp hòa nhập 20 học sinh và 1 lớp chuyên biệt 16 học sinh). Chia sẻ về công tác chuẩn bị giảng dạy Chương trình, SGK mới, ông Phạm Văn Hoan cho biết:  Nhà trường đã cử giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, vì vậy, từ các thầy cô dạy môn chính đến môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục… đều vững tâm.

Đặc biệt, với lớp 1 chuyên biệt, giáo viên của trường phải soạn lại chương trình cho phù hợp, cụ thể tách đôi chương trình để học sinh học trong hai năm bởi ngôn ngữ của học sinh khiếm thính chưa tốt nên tư duy của các em chậm hơn học sinh bình thường.

Về cơ sở vật chất, năm nay nhà trường được trang bị gói cơ sở vật chất lớn gồm điều hòa nhiệt độ, máy chiếu và toàn bộ bàn ghế mới cùng các thiết bị dành cho học sinh lớp 1. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, nhà trường đã lên các phương án cho ngày khai giảng, đồng thời, thường xuyên vệ sinh trường lớp, chủ động mua Cloramin B khử khuẩn, chuẩn bị nước sát khuẩn tay, máy đo thân nhiệt bảo đảm công tác phòng dịch hiệu quả khi học sinh đến trường.

Chuyên về dạy trẻ khuyết tật trí tuệ, Trường TH Bình Minh có 17 lớp với 378 học sinh (5 lớp hòa nhập, 12 lớp chuyên biệt). Năm học này, nhà trường tuyển sinh 2 lớp 1 với tổng số 46 em. Theo cô Lê Thanh Hà – Hiệu trưởng nhà trường, tất cả cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn và giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 của trường đều tham gia tập huấn Chương trình GDPT 2018 và sử dụng SGK lớp 1. Với khối giáo dục đặc biệt, chương trình học được nhà trường  chủ động, biên soạn bám theo bộ sách Cánh diều. Điều này đòi hỏi ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên giảng dạy phải học tập, cập nhật những nội dung mới, từ đó có những điều chỉnh phù hợp với đối tượng học sinh.

Cán bộ giáo viên Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu gấp rút hoàn tất công tác chuyển đổi SGK lớp 1 sang chữ nổi Braille.
Cán bộ giáo viên Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu gấp rút hoàn tất công tác chuyển đổi SGK lớp 1 sang chữ nổi Braille.

Chuyển đổi nội dung sách sang chữ nổi

Là trường gặp nhiều khó khăn nhất khi triển khai Chương trình, SGK mới, cô Phạm Thị Kim Nga – Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cho biết: Nhà trường có hơn 1.600 học sinh (trong đó có 181 học sinh khiếm thị) được chia thành 37 lớp, trong đó có 1 lớp can thiệp sớm dành cho học sinh khiếm thị độ tuổi từ 0 - 6 (can thiệp các kĩ năng hòa nhập trước khi trẻ vào lớp 1); 1 lớp can thiệp kĩ năng dành cho trẻ khiếm thị đa tật không có khả năng học hòa nhập; 23 lớp hòa nhập tiểu học và 12 lớp hòa nhập THCS. 

Năm học 2020 – 2021, trường tuyển 13 học sinh khiếm thị vào học hòa nhập lớp 1 trong đó có 7 em học hòa nhập đúng độ tuổi (sinh năm 2014). Đây chính là thành quả mà đội ngũ giáo viên nhà trường ấn tượng nhất vì số trẻ khiếm thị được vào học hòa nhập đúng độ tuổi đã tăng lên đáng kể, điều này cho thấy nhận thức của cha mẹ, sự quan tâm vào cuộc của cộng đồng xã hội đã có sự thay đổi. Và để có được thành quả này, đội ngũ giáo viên nhà trường đã âm thầm bền bỉ trong hơn 10 năm để thay đổi suy nghĩ, nhận thức của cha mẹ trẻ trong vai trò là những người điều tra phát hiện trẻ khiếm thị trong cộng đồng, là những tuyên truyền viên vận động cha mẹ và người thân đưa trẻ khiếm thị đến lớp can thiệp trong độ tuổi từ 0 – 6 tuổi… 

Với gần 200 học sinh trong đó có 13 học sinh khiếm thị/5 lớp 1, nhà trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất và đồ dùng dạy học cho từng học sinh. Theo bà Nga, nhà trường thực hiện công tác lựa chọn SGK, tập huấn giáo viên về nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội. Tuy nhiên, là trường dạy học sinh khiếm thị nên bên cạnh việc tiếp cận nội dung Chương trình, SGK mới, nhà trường phải chuyển đổi SGK chương trình mới sang kênh chữ nổi Braille cho học sinh. Theo cô Nga, công việc này đòi hỏi thời gian, công sức vì phải chuyển cả kênh hình và kênh chữ. Hơn nữa, việc in SGK lớp 1 cho học sinh khiếm thị trên giấy Brailon nên kinh phí rất tốn kém.

Phụ huynh không còn lo lắng

Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng của các nhà trường về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên, nhiều phụ huynh có con vào học lớp 1 tại  trường chuyên biệt đều cảm thấy yên tâm.

Anh Dương Viết Khiêm - phụ huynh học sinh có con vào học lớp 1 chuyên biệt Trường PTCS Xã Đàn chia sẻ: “Con bị khiếm thính bẩm sinh, khi vào lớp 1, gia đình rất lo lắng. Tuy nhiên, với đội ngũ thầy cô có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực dạy trẻ khiếm thính nên gia đình cũng thấy yên tâm khi đăng ký cho con vào trường”.

Cùng tâm trạng lo lắng như anh Khiêm, anh Phạm Hữu Khánh, phụ huynh học sinh Trường PTCS Xã Đàn cũng cảm thấy yên tâm hơn khi được tiếp xúc với giáo viên của nhà trường. Anh Khánh mong rằng, dưới sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình, tâm huyết của các thầy cô giáo, những học sinh khiếm thính sẽ có nhiều tiến bộ trong năm học này.

Có con học lớp 1 tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, chị Lê Thanh Trà cho biết: Khi con được hai tuổi rưỡi, tôi đã đăng ký cho con học ở trường để được can thiệp sớm. Con có tiến bộ qua từng năm nên khi vào học lớp 1, gia đình không quá lo lắng như trước. 

Để cho học sinh kịp có sách trong năm học mới, chúng tôi nỗ lực hết sức để hoàn thành việc chuyển đổi này trước ngày khai giảng. - Cô Phạm Thị Kim Nga – Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.