Hiểm họa khôn lường từ thuốc lá
Hiện nay, ngoài thuốc lá truyền thống trên thị trường còn xuất hiện thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng,... Đây được xem là các loại thuốc lá thế hệ mới.
Theo nội dung Công văn số 5680/BYT-KCB, do Bộ Y tế ban hành ngày 16/7/2021, thuốc lá điện tử hay thuốc lá nung nóng hiện không được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Các sản phẩm này cũng chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh tại Việt Nam.
Thuốc lá điện tử có chứa nicotine – một chất gây nghiện. Đây là nguyên nhân của nhiều trường hợp ngộ độc nicotine và gây ra các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa.
Ngoài ra, thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol, có thể tạo thành propylene oxide - một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Do đó, sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ gây bệnh cấp và mãn tính nguy hiểm.
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra sức khỏe học đường tại 21 tỉnh, thành của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có đến 2,6% học sinh (HS) sử dụng thuốc lá điện tử. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 3,4%.
Thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào các trường học và trong cộng đồng, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của thanh thiếu niên. Đồng thời, gây ra các hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội.
Em H.M.B (xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa) dù mới ở độ tuổi 16 – 17, nhưng B. đã hút thuốc lá nhiều năm nay do gặp phải áp lực gia đình.
“Em tìm đến thuốc lá từ khi mới học lớp 9 do gặp phải áp lực gia đình. Hiện tại, em không còn đi học nữa nhưng cũng không bỏ được thuốc lá, mặc dù biết hút thuốc lá khá độc hại”, B. cho biết.
Đẩy mạnh tuyên truyền học đường không khói thuốc
Trước hiểm họa khôn lường của thuốc lá, nhất là thuốc lá thế hệ mới, nhiều trường học tại Thanh Hóa đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giúp các em nhận thức được những tác hại của thuốc lá.
Cụ thể, tại Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa), ngay từ đầu năm học 2021 – 2022, nhà trường đã tổ chức các buổi tuyên truyền dưới cờ cho HS về chủ đề an toàn giao thông và tác hại của thuốc lá.
Thầy Nguyễn Minh Đạo – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cùng với hoạt động tuyên truyền dưới cờ, lãnh đạo trường cũng quán triệt toàn bộ đội ngũ cán bộ, giáo viên không hút thuốc lá trong trường.
“Ở mỗi lớp học, Ban nề nếp của nhà trường sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất những HS có nguy cơ cất, giấu thuốc lá. Ngoài ra, hệ thống camera giám sát cũng giúp chúng tôi hạn chế tối đa nguy cơ các em hút thuốc lá trong trường”, thầy Đạo cho hay.
Theo thầy Đạo, những biện pháp này chỉ có hiệu quả trong suốt khoảng thời gian các em học trên trường. Vì vậy, nhà trường cũng đã phối hợp với phụ huynh, HS tìm ra các biện pháp để giúp các em nhận thức được tác hại của thuốc lá.
Tại Trường THPT dân tộc nội trú Thanh Hóa, các hoạt động tuyên tuyền cho HS về tác hại của thuốc lá, nhất là thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… cũng được đẩy mạnh, thường xuyên.
“Trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở HS về tác hại của thuốc lá thông qua các video, hình ảnh. Cùng với đó, trường cũng tổ chức các cuộc thi tìm hiểu các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá”, thầy Phạm Anh Toàn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Cũng theo thầy Toàn, cùng với các hoạt động tuyên truyền dưới cờ, Trường THPT Dân tộc nội trú còn ban hành bộ quy tắc ứng xử với những điều HS không nên làm trong trường, vì một trường học an toàn. Hiện nay, tỷ lệ HS nam của trường chiếm khoảng 25%.