Liên bộ “hiến kế” phòng ngừa thuốc lá thế hệ mới đối với học sinh

GD&TĐ - Chiều 31/5, tại Hội thảo trực tuyến về giải pháp phòng ngừa thuốc lá thế hệ mới với HS do Bộ GD&ĐT tổ chức, các đại biểu đã nêu rõ thực trạng và “hiến kế” nhiều giải pháp để ngăn ngừa tác hại của thuốc lá với HS.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu kết luận hội thảo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu kết luận hội thảo.

Thuốc lá thế hệ mới xâm nhập học đường

Bà Trần Thị Trang- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế thông tin: Tình trạng thanh, thiếu niên không hút thuốc lá truyền thống tuy nhiên vẫn thử và bắt đầu sử dụng sản phẩm thuốc lá mới đang gia tăng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện chiến lược và Chính sách Y tế tiến hành năm 2020, tỷ lệ hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8 đến 12 là 8,35%; ở học sinh lớp 10-12 là 12,16%. Đáng lưu ý có đến 5,2% em không hút thuốc lá truyền thống mà sử dụng thuốc lá thế hệ mới (nam 7,7%, nữ 2,3%).

Thuốc lá điện tử đang “kéo” học sinh sử dụng ngày càng nhiều. Trong đó, tại các thành phố lớn, có thể do khả năng chi trả cao hơn và thuốc lá điện tử sẵn có hơn, tỷ lệ học sinh hút thuốc lá dạng này rất đáng quan ngại.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Nho Huy, hiện nay thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang trở nên rất phổ biến trong giới trẻ với thiết kế sản phẩm hấp dẫn, tiếp thị tràn lan trên các trang mạng xã hội; sử dụng giới trẻ, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng tới giới trẻ để quảng cáo; giá thành lại rẻ nên rất dễ để tiếp cận, đặc biệt đối với học sinh đang ở lứa tuổi thích tìm tòi, khám phá.

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Hút thuốc lá truyền thống và thuốc lá thế hệ mới ảnh hưởng xấu tới thanh thiếu niên và cả những người hút thuốc lá. Đặc biệt, nguy cơ tiềm ẩn sử dụng ma túy và các chất kích khác đồng thời với thuốc lá điện tử nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường.

Hút thuốc lá tại trường học tác động xấu tới môi trường giáo dục và gây ô nhiễm khói thuốc thụ động. Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến việc giáo dục, rèn luyện nhân cách và tác động xấu đến sức khỏe học sinh. Hút thuốc lá trong trường là hình ảnh xấu, làm học sinh bắt chước, thử hút thuốc lá và dẫn đến nghiện thuốc lá.

Ngăn ngừa học sinh hút thuốc lá: Còn nhiều khó khăn

Nhận thức rõ mối nguy hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người và ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc; chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá cho cán bộ công chức, người lao động của ngành và học sinh, sinh viên...

Ông Nguyễn Nho Huy cho biết: Nội dung phòng chống tác hại thuốc lá đã được đưa vào giảng dạy lồng ghép trong Chương trình Giáo dục phổ thông, thông qua các môn học: Tự nhiên và Xã hội (giáo dục tiểu học), Giáo dục công dân, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục quốc phòng, an ninh...

Cần đổi mới công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá thế hệ mới với học sinh.
Cần đổi mới công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá thế hệ mới với học sinh.

Các hoạt động ngoại khóa phong phú và hấp dẫn như: thi tìm hiểu, tiểu phẩm, vẽ tranh về phòng chống tác hại thuốc lá... đã giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, chú trọng kỹ năng ứng xử, bản lĩnh và biết từ chối sự rủ rê hút thuốc lá từ bạn bè; giáo dục về sức khỏe và cuộc sống lành mạnh để tránh xa chất kích thích...

Tuy nhiên, việc phòng ngừa thuốc lá với học sinh còn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Nho Huy phân tích: Một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh vẫn chưa bỏ được hút thuốc lá; trong đó có nhiều cán bộ, giáo viên hút thuốc lá tạo hình ảnh xấu trước mặt học sinh.

Tình trạng bán thuốc lá phổ biến xung quanh khu vực cổng trường học gây ảnh hưởng đến việc thực hiện môi trường không khói thuốc lá tại các trường học. Nhiều phụ huynh chưa quan tâm, nhắc nhở con em của mình trong việc phòng chống tác hại thuốc lá, còn phó mặc vào việc giảng dạy và công tác giáo dục truyền thông của nhà trường.

“Quy định địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên đối với các cơ sở giáo dục, nhưng đối với các trường đại học, cao đẳng, học viện chỉ nghiêm cấm hút thuốc lá khu vực trong nhà, vì vậy rất khó kiểm soát được việc hút thuốc lá khu vực khuôn viên trường học cũng như việc mua, bán thuốc lá tại các căng tin của các trường đại học, cao đẳng và học viện”- ông Huy cho biết thêm.

Theo ông Kiều Cao Trinh- Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội: Một số học sinh bị lôi kéo do muốn chứng tỏ khẳng định bản thân; do tác động, ảnh hưởng của gia đình; do tò mò xem cảm giác hút thuốc lá như thế nào; do tâm lý chủ quan hút vài điếu sẽ không bị nghiện và dần trở thành thói quen không bỏ được.

Luật phòng chống tác hại thuốc lá chỉ quy định địa điểm cấm hút thuốc và địa điểm cấm bán thuốc lá, không cấm người hút thuốc lá - vì vậy còn một bộ phận cán bộ giáo, viên hút thuốc nên hiệu quả triển khai tại một số đơn vị trường học chưa cao.

Việc cấm bán thuốc lá cách khuôn viên nhà trường 100m cần phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, tổ dân phố, các đơn vị trường học đã tích cực phối hợp tuyên truyền và kiến nghị xử lý nhưng việc giải quyết chưa triệt để...

Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt

Để tăng cường công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, Bộ GD&ĐT đề ra các giải pháp: Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp liên ngành để thực hiện nghiêm túc quy định không bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi theo quy định của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường lồng ghép các nội dung về Luật phòng, chống tác hại thuốc lá trong các môn học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa.

Bộ tiếp tục chỉ đạo các Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn phối hợp với các ban, ngành tại địa phương tổ chức thông tin, truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức về tác hại của việc hút thuốc lá trong các cơ sở giáo dục; chú trọng vào việc giáo dục học sinh, sinh viên về tuổi được phép mua, được phép uống rượu, bia và đồ uống có cồn…

Ông Dương Trí Dũng- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hồ Chí Minh nhận định: Luật phòng, chống tác hại thuốc lá không nhắc tới sản phẩm thuốc lá điện tử khiến ngành Giáo dục gặp khó khăn khi phối hợp cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động phòng chống thuốc lá thế hệ mới xâm nhập vào trường học.

Ông Dũng cho rằng, cần có chế tài xử phạt với các hình thức quảng cáo thuốc lá thế hệ mới; xử lý nghiêm các cơ sở buôn bán thuốc lá gần khu vực trường học, cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, các bộ ngành sớm ban hành qui định về thuốc lá thế hệ mới để ngành Giáo dục có cơ sở pháp lý tham mưu chính quyền các giải pháp phòng chống quảng bá, buôn bán sản phẩm thuốc lá thế hệ mới với học sinh, sinh viên. Ngành Y tế cần có tài liệu chính thống để tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cán bộ, giáo viên, học sinh trong ngành về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với sức khỏe và tương lai thế hệ trẻ.

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng bày tỏ: Cần phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ tư vấn tâm lý học đường, phát huy tinh thần, trách nhiệm, đạo đức nhà giáo của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc nắm bắt tâm lý, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, ngăn chặn hành vi hút thuốc lá điện tử của học sinh. Đồng thời, phối hợp giáo dục, định hướng các em thấy rõ được tác hại với sức khỏe và tương lai, từ đó các em thay đổi hành vi theo những chuẩn mực tốt đẹp.

Bà Trần Thị Trang- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế nhìn nhận: Về chính sách đối với thuốc lá nung nóng, hiện nay Luật phòng, chống tác hại thuốc lá và các văn bản liên quan chưa tạo ra hành lang pháp lý để quản lý như sản phẩm thuốc lá thông thường.

Theo bà Trang, thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, có hại đối với sức khỏe nên không thể thí điểm một sản phẩm gây nghiện và có nhiều nguy cơ sức khỏe, xã hội; không thể đưa sức khỏe người dân ra thực hiện thí điểm, nhất là khi chưa nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng và chưa hiểu rõ về sản phẩm, chủ yếu dựa vào tiêu chuẩn của các doanh nghiệp và các quốc gia khác.

Bộ Y tế đề xuất chưa cho phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, do đây là sản phẩm gây nghiện và chưa có phương pháp cai nghiện riêng. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền tác hại của thuốc lá và đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu…

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về tác hại của thuốc lá, trong đó có thuốc lá thế hệ mới rất quan trọng.

Tuy nhiên, các ban, ngành và nhà trường cần quan tâm đổi mới cách thức tuyên truyển để học sinh, sinh viên nhận diện, nhận thức đầy đủ nguy cơ, tác hại của thuốc lá với sức khỏe và tương lai; tránh tuyên truyền một chiều, hình thức không đem lại hiệu quả thực chất.  

Các bộ, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ trong xây dựng cơ sở pháp lý, thông tin, tài liệu tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá với học sinh, sinh viên. Khi rõ đầu mối, rõ trách nhiệm phối hợp cần kịp thời chỉ đạo đến địa phương, nâng cao trách nhiệm chính quyền, ngành giáo dục địa phương trong triển khai các giải pháp phòng ngừa thuốc lá thế hệ mới.

Ngoài ra, các nhà trường cần chủ động phối hợp chính quyền trên địa bàn, với cha mẹ học sinh để bảo vệ trẻ em, học sinh trước sự xâm nhập tệ nạn xã hội vào môi trường học đường...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.