Để các em có được sự lựa chọn phù hợp, hiện nay nhiều trường THCS tại Điện Biên đã chú trọng chủ động phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ xa, từ sớm.
Thầy cô đồng hành
Em Lò Thị Minh Nguyệt, phường Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ) là cựu học sinh Trường THCS Him Lam. Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 em trúng tuyển vào Trường Đại học Luật. Nguyệt chia sẻ, để đạt kết quả đó là cả một quá trình cố gắng học tập của bản thân. Song vai trò hỗ trợ định hướng của thầy cô cũng vô cùng quan trọng.
“Ngay từ khi học tại trường THCS, em đã được tham gia nhiều hoạt động tư vấn, hướng nghiệp do nhà trường tổ chức. Qua đó, em biết được xu hướng ngành nghề trong thời gian tới. Cùng với sự động viên, phân tích của thầy cô, em biết thế mạnh của mình ở đâu để xác định ngành nghề phù hợp. Từ đó, cố gắng học tập, phấn đấu để đạt được mục tiêu”, Nguyệt chia sẻ.
Khác với Nguyệt, em Giàng A Sếnh, xã Huổi Mí, huyện Mường Chà sau khi tốt nghiệp THCS (năm 2021) đã lựa chọn học nghề. Nhà Sếnh thuộc diện nghèo, đông con, nên cả 3 anh chị lớn của em đều bỏ học giữa chừng. Em của Sếnh hiện nay mới đang theo học chương trình tiểu học.
Học sinh THCS trải nghiệm nghề nông nghiệp. |
Sếnh tâm sự, khi đang học tại trường PTDTBT THCS Huổi Mí, em nhiều lần tâm sự với thầy cô về hoàn cảnh gia đình và bày tỏ nguyện vọng nghỉ học để đi làm thuê. Nhưng thầy cô đã khuyên em cố gắng học hết THCS, rồi đi học nghề. Như thế em vừa có thể đi làm có thu nhập sớm, mà có nghề trong tay rồi sẽ giúp em kiếm được công việc ổn định, không phải bấp bênh.
“Nghe lời thầy cô, hiện nay em và nhiều bạn khác nữa trong xã cùng đang theo học tại Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên. Em học chăm sóc cây mắc ca vì thấy phù hợp với bản thân và điều kiện hoàn cảnh. Tới đây ra trường em có nhiều cơ hội được làm công nhân cho Công ty cổ phần Macadamia Điện Biên”, Sếnh bộc bạch.
Tăng cường kết nối
Học tiếp lên THPT hay chọn học nghề là điều khiến nhiều học sinh THCS ở vùng khó như Sếnh phân vân. Để giúp các em có hướng đi phù hợp, những năm qua, các trường THCS tại Điện Biên đều chủ động trong công tác hướng nghiệp, phân luồng, định hướng học sinh trước khi tốt nghiệp THCS.
Trên thực tế, việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vẫn còn không ít khó khăn, thách thức khi tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp. Song thời gian qua, công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực từ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các trường THCS với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực tổ chức các hoạt động phối hợp kể trên. Hàng năm, dựa trên kế hoạch đã xây dựng, các tổ tư vấn tuyển sinh sẽ tổ chức chương trình tư vấn, hướng nghiệp tại 10/10 huyện, thị, thành phố. Cao điểm là từ cuối tháng 3 đến hết tháng 4.
Học sinh Trường THCS Mường Pồn đăng ký nguyện vọng học nghề tại Chương trình hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh do nhà trường tổ chức. |
Tại các buổi tư vấn, học sinh sẽ được chia sẻ những thông tin hữu ích về ngành, nghề do trường đào tạo, việc làm và cơ hội phát triển, chế độ chính sách, lợi ích khi tham gia học nghề. Ngoài ra, những thắc mắc xoay quanh vấn đề học nghề, việc làm, tuyển sinh đều được giải đáp kịp thời. Từ đó, học sinh có thêm thông tin bổ ích để lựa chọn hướng đi trong tương lai phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện gia đình và nhu cầu của xã hội, thị trường lao động.
Trường THCS Thanh Yên là đơn vị rất tích cực trong công tác phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn để tổ chức các chương trình tư vấn, trải nghiệm nghề nghiệp. Theo thầy giáo Phạm Văn Phúc, Hiệu trưởng nhà trường, việc được tiếp cận sớm, trực tiếp trải nghiệm với nghề giúp học sinh hiểu hơn về nghề cũng như sở thích, sở trường cá nhân. Từ đó hình thành, xây dựng quyết tâm, mục tiêu rèn luyện.
Cũng theo thầy Phúc, bên cạnh học sinh, thì việc nâng cao nhận thức của phụ huynh và cộng đồng xã hội về nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng. Qua đó, chủ động đồng hành tư vấn, hỗ trợ các em trong quá trình học tập. Cùng với đó là sự kết hợp giữa các giải pháp chính sách, can thiệp và điều tiết của nhà nước, gắn đào tạo với sử dụng và thị trường lao động để nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp có việc làm phù hợp.