Dồn lực cho cơ sở vật chất
Ông Hoàng Văn Thinh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang cho biết: Năm học này, toàn tỉnh đã huy động được trên 199 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường. Trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ trên 103 tỷ đồng, dùng đầu tư xây dựng phòng học cho các trường mầm non, tiểu học của 6 huyện.
Vốn ngân sách địa phương và các nguồn khác là trên 92 tỷ đồng, đầu tư xây dựng nhà hiệu bộ, nhà lớp học và nhà vệ sinh của các trường từ mầm non đến THCS trên địa bàn toàn tỉnh.Vốn vay Ngân hàng Thế giời (WB) 3,48 tỷ đồng, tập trung đầu tư xây dựng nhà vệ sinh cho các trường từ mầm non đến THCS của các trường trên địa bàn huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương.
Hà Nội và TPHCM là hai địa phương chịu áp lực tăng sĩ số học sinh đầu cấp nhiều nhất so với cả nước. Vì vậy, công tác đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh cũng không hề đơn giản. Tính riêng Hà Nội, năm nay thành phố đã chi khoảng 3.200 tỷ đồng xây mới và thành lập mới tổng số 70 trường học các cấp. Trong đó, nhiều nhất là số trường mầm non, chiếm 38/70 trường. Ngoài ra còn thành lập mới 7 trường THPT thuộc khối trực thuộc.
Bên cạnh công tác xây mới mở rộng quy mô trường lớp, ngành GD-ĐT Thủ đô còn sửa chữa 387 trường học, xây mới 2.450 phòng học và cải tạo 2.552 phòng học cũ, với kinh phí khoảng 1.800 tỷ đồng. Khối trực thuộc năm 2018 đầu tư 92 tỷ đồng kinh phí chống xuống cấp cho 40 trường.
Khuôn viên Trường THPT Buôn Đôn (Đắk Lắk) được xây dựng khang trang, đón năm học mới |
Vẫn còn khó khăn
Mặc dù đã cố gắng tập trung mọi nguồn lực cho công tác chuẩn bị cơ sở vật chất năm học mới, song nhiều địa phương vẫn đang phải đối mặt với khó khăn chồng chất. Đặc biệt với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, đã đang chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai lũ quét. Nhiều trường lớp học của Hà Giang, Lai Châu… bị lũ cuốn, gây thiệt hại nặng nề. Việc khắc phục, tu sửa trường lớp mới để đảm bảo có chỗ học cho học sinh đang được các tỉnh ráo riết chuẩn bị, với sự quan tâm, đầu tư của mọi nguồn lực xã hội, kể cả xã hội hóa.
Số lượng phòng học chưa được kiên cố hóa, số phòng học tạm, học mượn vẫn còn. Tình trạng trường lớp này hầu hết rơi vào các điểm trường lẻ các tỉnh miền núi.
Tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện dạy và học của thầy và trò vẫn còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Cơ sở vật chất, điều kiện học tập tối thiểu cho hoạt động dạy và học nhiều nơi chưa đạt chuẩn, vẫn còn tạm bợ. Phòng học bộ môn thiếu, hoặc có thì xuống cấp, chưa có điều kiện tu bổ và mua sắm thêm.
Nhiều điểm trường lẻ, công trình vệ sinh chưa đạt chuẩn, thiếu nước sạch sinh hoạt, nhất là vào mùa khô học sinh các trường nội trú, bán trú sống xa nhà. Bếp ăn còn đơn sơ, nhiều nơi đun bằng củi, khói bụi.
Một năm học nữa lại sắp bắt đầu. Ngành Giáo dục cả nước đã và đang làm tốt công tác chuẩn bị, để làm sao thầy và trò được dạy và học trong phòng học sạch sẽ, khang trang nhất.
Cả nước hiện có 419.903 phòng học, trong đó, số phòng học kiên cố khoảng 323.551 phòng, đạt tỷ lệ 77,1%. Về phòng học bộ môn mới chỉ đáp ứng được khoảng 68% nhu cầu giảng dạy.