Trường học “khát” sân chơi, bãi tập

GD&TĐ - Tốc độ đô thị hóa, thiếu kinh phí đầu tư khiến nhiều trường học đối diện thực trạng thiếu sân chơi, bãi tập. Đặc biệt ở các trường vùng sâu, vùng xa, hầu như không có sân chơi đạt chuẩn...

Thiếu bãi tập, tận dụng sân trường để học môn Giáo dục thể chất.
Thiếu bãi tập, tận dụng sân trường để học môn Giáo dục thể chất.

Sân trường được tận dụng

Dù được quan tâm đầu tư nhưng sân chơi, bãi tập phục vụ môn Giáo dục thể chất trong trường học vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi đầu tư cho các hạng mục này cần khoản kinh phí lớn, nhiều khi ngoài khả năng của nhà trường. Nhiều trường do chưa có sân chơi, bãi tập riêng nên HS phải học trong sân trường, thực hành ngoài trời nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng của môn học. 

Theo thống kê, số trường cả nước đủ sân bãi, nhà tập để phục vụ giảng dạy cấp tiểu học đạt 20%; THCS: 40%; THPT: 55%. Số trường có điều kiện sử dụng sân bãi ngoài trường: Cấp tiểu học: 3%; THCS: 5%; THPT: 10%. Tỷ lệ trường học có hồ bơi chỉ chiếm 0,4%. Trường học khu vực thành thị gặp khó về quỹ đất; còn trường học nông thôn thì không có nguồn lực đầu tư. Khó khăn kế tiếp là tình trạng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giáo dục thể chất và thể thao học đường.

TP Cần Thơ có hơn 200.000 HS phổ thông, tuy nhiên các trường chỉ có 24 nhà tập luyện thể thao, 10 hồ bơi. Theo Sở GD&ĐT Cần Thơ, toàn thành phố hiện có 1 trường có nhà thi đấu đa năng và đường chạy điền kinh. Một số trường có nhà thi đấu đa năng, tuy nhiên không đáp ứng đủ cho các nội dung của môn Giáo dục thể chất như bóng rổ, bóng đá mini… Hầu hết trường học không có sân tập, chỉ tận dụng sân trường để tập luyện. Môn học điền kinh đến nay thiếu kích thước sân chạy các nội dung tập từ 800 - 1.500m.

Đô thị hóa và thiếu kinh phí đầu tư, nhiều trường học thiếu sân chơi, bãi tập. Ảnh: T. Tiến
Đô thị hóa và thiếu kinh phí đầu tư, nhiều trường học thiếu sân chơi, bãi tập.     Ảnh: T. Tiến

Tại địa bàn xa nhất TP Cần Thơ - huyện Vĩnh Thạnh, do đặc thù sông nước nên công tác xóa mù bơi cho HS rất cần thiết. Tuy nhiên, tất cả trường vẫn chưa có hồ bơi. Còn sông rạch hiện nay, do ô nhiễm và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, không  bảo đảm an toàn nên không thể dạy bơi cho HS. Để giúp HS có kỹ năng bơi lội và kiến thức phòng chống đuối nước, nhiều trường đành hướng dẫn kỹ thuật bơi lội, “dạy bơi trên cạn” cho HS. 

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, một số gia đình có điều kiện cho con em sang quận khác hoặc đến TP Long Xuyên (An Giang) mới có hồ bơi. Hiện nhà trường, gia đình đều ý thức được việc dạy bơi cho HS, hy vọng chính quyền địa phương sẽ sớm xây dựng hồ bơi riêng cho huyện, giúp các em thuận tiện và an toàn hơn trong việc dạy kỹ năng bơi lội và phòng chống đuối nước...

Thiếu đủ thứ

GV Trường Tiểu học thị trấn 1, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đắp bao cát cho HS đi vì sân trường bị ngập lụt.
GV Trường Tiểu học thị trấn 1, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đắp bao cát cho HS đi vì sân trường
bị ngập lụt.     

Tại các trường học, nhất là trường tiểu học, sân chơi ngoài trời là địa điểm cần thiết để trẻ em vui chơi, vận động và phát triển thể chất. Nhưng không phải trường học nào cũng đáp ứng được tiêu chuẩn cơ bản này, đặc biệt là trường ở vùng sâu, vùng xa, hầu như không có sân chơi đạt chuẩn. Điều này gây không ít khó khăn trong quá trình phát triển thể chất và tinh thần của HS.

Tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), nhiều trường điểm lẻ thường xuyên ngập nước, giờ sinh hoạt Đội, ra chơi không đủ chỗ cho các em vui chơi. Một số sân chơi và vườn cây xanh trong sân trường bị nước biển dâng gây ngập úng kéo dài làm chết cây xanh, ảnh hưởng đến vui chơi, sinh hoạt ngoài trời của HS. Tương tự, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cũng bị ngập lụt thường xuyên, nhiều nơi HS phải nghỉ học chờ nước rút… Do phải học trong khuôn viên chật hẹp, xung quanh là các lớp học chính khóa nên các em không thể thực hiện đầy đủ hoạt động theo đúng bài bản, kỹ thuật.

Không chỉ thiếu sân chơi, bãi tập, các trang thiết bị, dụng cụ tập luyện cũ kĩ, lạc hậu, chưa phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Do đó, GV chủ động lựa chọn môn thể thao chiếm ít không gian sân bãi như nhảy cao, bóng chuyền. Bên cạnh đó, đội ngũ GV giáo dục thể chất còn thiếu về số lượng và trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt tại cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học. Rất nhiều trường tiểu học còn thiếu GV giáo dục thể chất cơ hữu… 

Thầy Trương Vĩnh Khoa - Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho biết: Trường có gần 3.000 HS, 8 GV dạy giáo dục thể chất. Trường không có sân bãi tập nên phải tận dụng sân trường để giảng dạy. Với diện tích sân khoảng 1.000m2 không thể đáp ứng được các môn học tự chọn cho HS. Dụng cụ, trang thiết bị dạy học giáo dục thể chất cũng nhờ xã hội hóa nên tạm bảo đảm cơ bản cho môn học. Nhưng cũng chỉ trang bị những thiết bị dụng cụ cần thiết như trụ bóng, còi, sào và đệm nhảy cao…   

Biên chế GV giáo dục thể chất vẫn còn hạn hẹp. Theo quy định, GV trường THPT dạy 17 giờ/tuần, THCS dạy 19 giờ/tuần, tiểu học 21 giờ/tuần; số GV/số lớp/trường chỉ đạt mức tối thiểu theo quy định, nên gặp khó khi áp dụng các môn tự chọn trong nhà trường, hơn nữa điều kiện sân bãi, dụng cụ cũng không đáp ứng yêu cầu. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.