Hội thảo diễn ra trong 2 ngày (26, 27/12), PGS.TS Nguyễn Thanh Đề - Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT) đã đến dự. Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề nhấn mạnh: Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nêu rõ:
Đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp.
Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môn Giáo dục thể chất có một số điểm mới như: Nội dung chương trình phong phú, có nhiều môn môn tự chọn ngay từ lớp 1. Yêu cầu cần đạt theo hướng tiếp cận năng lực như: năng lực vận động, năng lực chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của học sinh, cách đánh giá môn học cũng có nhiều đổi mới...
Theo PGS Nguyễn Thanh Đề, thực tiễn đã chứng minh, đội ngũ giáo viên có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đối với chất lượng giáo dục nói chung và đối với giáo dục phổ thông nói riêng. Chất lượng đội ngũ giáo viên không chỉ được bảo đảm bởi chất lượng đào tạo mà còn bảo đảm bởi quá trình bồi dưỡng thường xuyên. Qua đó, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên.
Cũng theo PGS Nguyễn Thanh Đề, bồi dưỡng là quy luật tất yếu tạo nên quá trình phát triển năng lực của người giáo viên. Bồi dưỡng phải hướng đến phát triển, nâng cao năng lực nghề nghiệp, nhất là đối với giáo viên dạy Giáo dục thể chất.
Vì thế, bồi dưỡng thường xuyên là một trong những phương thức tốt, giúp đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy Giáo dục thể chất nâng cao năng lực nghề nghiệp và nâng cao chất lượng môn học này.
PGS Nguyễn Thanh Đề phát biểu tại hội thảo |
Để có định hướng xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên môn học Giáo dục thể chất, đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; PGS Nguyễn Thanh Đề gợi mở, Hội thảo cần tập trung vào 5 nội dung chủ yếu:
Thứ nhất, đánh giá về thực trạng dạy và học môn học Giáo dục thể chất, tổ chức hoạt động thể thao trong nhà trường.
Thứ hai, tình hình đội ngũ giáo viên môn học Giáo dục thể chất, bao gồm: ưu điểm và những hạn chế, yếu kém trong các trường phổ thông hiện nay.
Thứ ba, trao đổi về những điểm mới của Chương trình môn học Giáo dục thể chất trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018;
Thứ tư, đề xuất định hướng xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên môn học Giáo dục thể chất, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình môn học Giáo dục thể chất trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ năm, những nội dung khác liên quan đến công tác Giáo dục thể chất trong trường học.
Tham luận tại hội thảo, TS Nguyễn Duy Quyết – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội trao đổi, để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với môn Giáo dục thể chất, một trong những yêu cầu trong chương trình bồi dưỡng giáo viên đó là, giáo viên phải hiểu rõ mục đích, ý nghĩa cũng như yêu cầu của môn Giáo dục thể chất trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Chỉ có như vậy, giáo viên, cán bộ quản lý mới có thể có phương pháp, cách thức triển khai cụ thể và hiệu quả.
Ngoài ra, giáo viên phải được cập nhật những kiến thức về công nghệ thông tin, vai trò của công nghệ thông tin trong dạy học giáo dục thể chất và ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học Giáo dục thể chất. Trên cơ sở đó, giáo viên cần có khả năng tự học, khả năng nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, giáo viên phải có năng lực tổ chức sự kiện thể thao trong trường học, hiểu được nhiệm vụ, yêu cầu và nội dung phương pháp, nắm được trình tự các bước tiến hành tổ chức sự kiện thể thao.
TS Nguyễn Duy Quyết cho biết, Chương trình bồi dưỡng Giáo dục thể chất gồm 3 chương trình đào tạo cho từng cấp học. Tổng khối lượng kiến thức tối thiểu là 15 tín chỉ. Mỗi chương trình cho một cấp học gồm: 5 mô đun bắt buộc và các môn đun tự chọn chuyên sâu theo từng môn học.
Học viên hoàn thành mô đun nào thì được cấp giấy chứng nhận hoàn thành. Học viên hoàn thành 5 mô đun bắt buộc sẽ được cấp chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên môn Giáo dục thể chất.