Trường học hạnh phúc khi giáo viên và học sinh được quan tâm, chia sẻ

GD&TĐ - Muốn thầy cô hạnh phúc, nhà trường cần có lộ trình xây dựng ngôi trường hạnh phúc và phải xuất phát từ điều kiện thực tiễn của đơn vị. Lộ trình đó không chỉ dừng lại trong một ngày, một tháng hay một năm.

Thầy cô và học sinh đều nhận được sự quan tâm, chia sẻ thì mới là một trường học hạnh phúc.
Thầy cô và học sinh đều nhận được sự quan tâm, chia sẻ thì mới là một trường học hạnh phúc.

Làm việc bằng cả trái tim

Cô Hồ Thị Sen, giáo viên Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (huyện Cư" Mgar, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: "Tôi vui khi được đến trường, được dạy, được cười với đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh cũng như nhận được nụ cười hạnh phúc của học trò trong những tiết học hay cuộc hội thoại ngắn sau buổi học với các em.

Tôi hạnh phúc khi được mọi người thấu hiểu những việc của mình làm. Bản thân thấu hiểu được mọi người xung quanh, nhất là các em học sinh. Bởi như vậy, tôi mới có thể làm tốt công tác giáo dục của mình. Và tôi hạnh phúc khi nhìn thấy các em học sinh của mình trưởng thành.

Giáo viên và học sinh cùng cảm nhận được hạnh phúc khi được quan tâm, chia sẻ.
Giáo viên và học sinh cùng cảm nhận được hạnh phúc khi được quan tâm, chia sẻ.

Để được hạnh phúc với công việc của mình, tôi luôn luôn đặt tâm mình vào công việc. Làm việc bằng cả trái tim sẽ luôn cảm thấy thoải mái, cho dù kết quả có như mong đợi hay không, miễn sao mình đã cố gắng hết sức có thể. Trước khi làm việc gì, tôi thường nghĩ xem có ảnh hưởng xấu gì đến ai không và mang lại lợi ích gì cho mọi người, cho học sinh của mình? Vì vậy, mỗi việc mình làm cho dù nhỏ mà ý nghĩa thì cũng giúp mình hạnh phúc hơn".  

Bên cạnh đó, cô Sen thường tham khảo ý kiến những người thầy mà mình tin cậy để lắng nghe những lời khuyên, ý kiến đóng góp quý báu giúp mình hoàn thiện bản thân hơn.

Theo cô Sen, muốn thầy cô hạnh phúc, nhà trường cần có lộ trình xây dựng ngôi trường hạnh phúc và phải xuất phát từ điều kiện thực tiễn của đơn vị mình. Lộ trình đó có thể dài, chứ không chỉ dừng lại trong một ngày, một tháng hay một năm. Để xây dựng được lộ trình đó cần có thời gian và được chia nhỏ ra để xây dựng mục tiêu phù hợp để có thể thực hiện được.

"Điều quan trọng là nhà trường cần tạo điều kiện cho giáo viên tham gia xây dựng kế hoạch đó. Một khi cả thầy cô, học sinh và phụ huynh cùng tham gia vào quá trình này thì tôi tin rằng, kế hoạch đó sẽ thực hiện được. Mọi người đều cảm thấy vui khi đến trường, thực hiện được mục tiêu đã đề ra cũng là niềm hạnh phúc với mỗi thầy cô" - cô Hồ Thị Sen tâm sự.

Trường học hạnh phúc từ các hoạt động cụ thể

Với 28 năm công tác trong ngành giáo dục, cô Nguyễn Thị Hiền Lương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong công tác quản lý, giảng dạy để xây dựng trường học hạnh phúc. 

Cô Nguyễn Thị Hiền Lương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Canh.
Cô Nguyễn Thị Hiền Lương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Canh. 

Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, cô Hiền Lương cho hay, cô đã cùng đồng nghiệp vượt khó, xây dựng Trường Tiểu học Vân Canh đạt chuẩn quốc gia với nhiều ý tưởng sáng tạo. Trong đó, con đường vào trường nhỏ, hẹp và luôn tắc đường được cải tạo thành “Đường hạnh phúc”; ghế đá cũ được biến thành “Ghế đá thân thiện”; giúp học sinh học tập mọi nơi bằng “Cầu thang biết nói”.

Để xây dựng thành công trường học hạnh phúc, theo cô Lương, trước hết phải xây dựng môi trường dạy học hạnh phúc; phải giúp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên hạnh phúc trong công việc của mình. Từ đó mới lan tỏa hạnh phúc đến học sinh. Thầy cô hạnh phúc, học sinh hạnh phúc sẽ tạo nên lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Khi ấy, niềm hạnh phúc không chỉ bó hẹp dưới mái trường mà còn lan toả, song hành cùng gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc.

Xây dựng trường học hạnh phúc luôn là nỗi trăn trở của mỗi nhà giáo, đòi hỏi từ lãnh đạo, giáo viên đến học sinh đều phải phấn đấu chuyển biến. “Trường học hạnh phúc” là nơi thầy - cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc khi tham gia vào hoạt động giáo dục của nhà trường. Đó là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo với nhau, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp hàng ngày.

"Để giáo viên – nhân viên của mình hạnh phúc trong môi trường làm việc, bản thân tôi – một người Hiệu trưởng cũng phải tìm hạnh phúc trong công việc quản lí của mình. Đó là tự giảm áp lực công việc, tìm niềm vui trong công việc bằng sự quan tâm, chia sẻ, tin tưởng, hỗ trợ và bao dung với đồng nghiệp. Chính vì vậy, trong điều hành, quản lí hoạt động giáo dục của nhà trường, ngoài việc thực hiện nghiêm túc các quy định theo chỉ đạo của cấp trên, tôi đã thay đổi bằng việc chỉ đạo, quản lí bằng sự quan tâm, chia sẻ.

Điều này thể hiện trong việc quan tâm đến tâm tư và nguyện vọng của đồng nghiệp. Quan tâm đến ý kiến của mỗi thành viên trong hoạt động giáo dục của nhà trường, tạo môi trường dân chủ. Ngoài ra, Hiệu tưởng quản lý bằng sự tin tưởng, bao dung và hỗ trợ", cô Hiền Lương nhấn mạnh thêm. 

Cũng theo cô Lương, để thầy trò cùng cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học, việc không thể thiếu là đổi mới nội dung dạy học. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta loại bỏ tất cả “cái cũ” và thay vào bằng “cái mới”. Để giáo giáo viên và học sinh hạnh phúc trong dạy – học chúng ta chỉ thực hiện “tinh lọc” cho phù hợp, tạo hứng thú cho cả thầy và trò.

Vị hiệu trưởng nhấn mạnh, từ trước đến nay, chúng ta luôn coi sách giáo khoa là pháp quy với người dạy. Nhưng vào thời điểm hiện tại, có nhiều nội dung đã không phù hợp và  lạc hậu với thực tế cuộc sống. Đặc biệt với thời đại 4.0 này, khi giáo viên không phải là vạn năng, là tất cả kiến thức đối với học trò, càng đòi hỏi Hiệu trưởng cần thay đổi quản lý, chỉ đạo về nội dung dạy – học. Vẫn tuân thủ theo sách giáo khoa nhưng tôi trao quyền chủ động cho giáo viên, tạo ra môi trường để thầy cô dám đổi mới, hỗ trợ lẫn nhau để cùng đổi mới, cùng thích ứng với thực tiễn sinh động của thời đại.

"Trong quá trình xây dựng trường học hạnh phúc, thầy cô cần sự thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành của chính ban giám hiệu nhà trường, phụ huynh và xã hội! Các thầy cô muốn hạnh phúc cũng phải tự mình nâng cao năng lực, giá trị nghề nghiệp để thêm yêu và gắn bó với nghề, nhằm đáp ứng được sự đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Nhà trường cần nâng cao nghiệp vụ cho giáo viên, hỗ trợ thầy cô kịp thời khi có sự thay đổi, quan tâm đến chế độ chính sách. Nhà quản lý phải có nhiều biện pháp để tạo động lực cho giáo viên làm việc, tạo môi trường thân thiện, giúp đỡ nhau trong đội ngũ để giảm áp lực công việc" - cô Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Sở, Hoài Đức, Hà Nội nói. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.