“Kiến trúc sư” của những ngôi trường hạnh phúc

GD&TĐ - Trong bối cảnh ngành GD-ĐT đang nỗ lực hành động “vì một trường học hạnh phúc”, những chuyên viên tham vấn tâm lý học đường chuyên trách là những kiến trúc sư của những ngôi trường hạnh phúc. Đó là quan điểm của GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

Tư vấn tâm lý học sinh tại Trường Tiểu học Trần Nhật Duật (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NT
Tư vấn tâm lý học sinh tại Trường Tiểu học Trần Nhật Duật (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NT

Giảm thiểu bạo lực học đường vì trường học hạnh phúc

3 điều học sinh THPT thường lo lắng nhất hiện nay là bạo lực học đường, lo âu trầm cảm và tương lai nghề nghiệp. Theo GS Nguyễn Quý Thanh, mặc dù bạo lực học đường là vấn đề có tính toàn cầu, nhưng ở Việt Nam, vấn đề này ngày càng trở nên phức tạp, gia tăng về số lượng, mở rộng về phạm vi. Tính chất bạo lực học đường ngày càng nguy hiểm, gây bức xúc cho xã hội và là một trong những rào cản của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông hiện nay.

Bên cạnh đó, các vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần ảnh hưởng từ 10 - 20% trẻ em trong độ tuổi đến trường. Tăng động giảm chú ý, hành vi hung tính, vi phạm chuẩn mực, sử dụng chất kích thích, lo âu, trầm cảm, rối loạn học tập đã được chứng minh kéo theo sự suy giảm thành tích, ảnh hưởng trực tiếp đến đầu ra của giáo dục.

Nhu cầu muốn được tư vấn tâm lý về các vấn đề học tập, mối quan hệ và hành vi cảm xúc chiếm đến 80% số lượng học sinh. Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, hơn 40% học sinh gặp khó khăn lớn khi phải đưa ra quyết định ngành nghề do thiếu thấu hiểu bản thân, thiếu thông tin về ngành nghề, thiếu kỹ năng ra quyết định nghề nghiệp. Lựa chọn sai dẫn đến lãng phí nguồn lực trong giáo dục là rất lớn.

 

Trong bối cảnh ngành GD-ĐT đang nỗ lực hành động “vì một trường học hạnh phúc”, những chuyên viên tham vấn tâm lý học đường chuyên trách là chìa khóa quan trọng trong công tác phòng chống và can thiệp các vấn đề bạo lực học đường, lo âu trầm cảm cũng như định hướng nghề nghiệp tương lai cho thế hệ trẻ. Họ sẽ là những kiến trúc sư của những ngôi trường hạnh phúc. 

 
GS.TS Nguyễn Quý Thanh

GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho rằng, một trong những giải pháp để giải quyết các vấn đề trên là phải xây dựng và phát triển năng lực phòng chống bạo lực, sức khỏe tâm thần và hướng nghiệp. Qua đó, cần thiết lập các chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học, hình thành các chương trình nghiên cứu về vấn đề này; đồng thời, phải có chính sách để thiết lập một con đường sự nghiệp cho những người đầu mối phòng chống bạo lực, sức khỏe tâm thần và hướng nghiệp trước khi có được mã nghề chính thức dành cho các nhà tham vấn tâm lý học đường cũng như vị trí chuyên trách chuyên viên tham vấn tâm lý trong các nhà trường. Mới đây, Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 và Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT ngày 28/12/2018 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý học đường và công tác xã hội trong trường học là những bước khởi đầu để giải quyết thực trạng xã hội này.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Cần thêm nhiều giáo viên tham vấn tâm lý học đường

Theo ước tính, Việt Nam đang thiếu khoảng 70.000 chuyên viên tham vấn tâm lý học đường chỉ tính riêng cho hơn 14.000 trường phổ thông. Con số này có thể cần nhiều hơn vì theo ước tính của một số Hiệp hội Tâm lý học đường thế giới (như Mỹ) thì tỉ lệ học sinh/ chuyên viên tâm lý học đường nên ở mức 700/1. Để chuẩn bị nguồn nhân lực về vấn đề này, chúng ta đã có một số chương trình đào tạo có liên quan.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có duy nhất chương trình đào tạo cử nhân Tham vấn học đường được phê duyệt và triển khai tại Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội từ năm học này.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - cho biết: Chương trình cử nhân Tham vấn học đường được thiết kế liên thông hướng theo chuẩn đầu ra nghề nghiệp của một nhà tham vấn học đường trên các khía cạnh đánh giá, tư vấn hướng nghiệp, tham vấn trị liệu, giám sát giảng dạy và điều phối chuyên môn trên cơ sở so sánh với chuẩn nghề nghiệp một số nước trên thế giới.

Người học sẽ được rèn luyện để thành thạo những năng lực như: Sàng lọc chẩn đoán các vấn đề tâm lý, xã hội, học tập, nghề nghiệp ở học sinh; Năng lực tư vấn, dạy kỹ năng và phát triển tâm lý; Năng lực tổ chức các hoạt động hỗ trợ tâm lý dự phòng trong nhà trường; năng lực xử lý khủng hoảng trường học; sơ cứu tâm lý; năng lực tổ chức tham vấn với giáo viên và phụ huynh học sinh; năng lực điều phối sự phối hợp với gia đình, chính quyền địa phương và các đơn vị cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cộng đồng trợ giúp học sinh; năng lực kết nối chuyên môn để chuyển tuyến những trường hợp cần can thiệp sâu.

Tất cả các môn học sẽ được giảng dạy kết hợp giữa học trực tuyến và trực tiếp. Người học sẽ được quan sát các chuyên gia tư vấn ca thật qua hệ thống phòng học trang bị camera hoặc gương một chiều. Nhà trường cũng xây dựng hệ thống đánh giá tâm lý và các ứng dụng để hỗ trợ cho sinh viên khi thực hành nghề nghiệp (như hệ thống đánh giá tâm lý của trường tại https://danhgiatamly.edu.vn/).

Việc thiết kế nội dung thực hành tập trung vào 3 hướng là tham vấn sức khỏe tâm thần, tham vấn hướng nghiệp và công tác xã hội học đường làm tăng cơ hội vị trí việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp. Cử nhân có thể làm việc đa nhiệm với nhiều vai trò và nhiều vị trí là chuyên viên tham vấn học đường chuyên trách tại các cơ sở giáo dục hoặc độc lập, nhân viên công tác xã hội trong lĩnh vực học đường, trẻ em và vị thành niên; chuyên viên tư vấn hướng nghiệp trong các cơ quan tổ chức.

Chương trình cử nhân Tham vấn học đường cũng được thiết kế liên thông để cho sinh viên dễ dàng học lên theo các chương trình thạc sỹ Tham vấn học đường hoặc thạc sũ Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên của nhà trường với thời gian ngắn hơn. Trong năm 2019, ngành cử nhân Tham vấn học đường của Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà nội chỉ tuyển sinh 55 chỉ tiêu với các khối thư A00, C00, D01 và C15.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ