Ngành GD-ĐT Hà Nội đã xác định 3 tiêu chí của việc xây dựng trường học hạnh phúc, đó là: tiêu chí về môi trường nhà trường và phát triển cá nhân; tiêu chí về dạy và học; tiêu chí về các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường.
Trong tiêu chí về môi trường nhà trường và phát triển cá nhân, cần đảm bảo sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tâm lý cho học sinh và cán bộ giáo viên khi học tập và tham gia các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; không để xảy ra các hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo và bạo lực học đường.
Phòng học, phòng làm việc, khu vệ sinh, nhà ăn, nhà thể chất, sân chơi, bể bơi, các phòng thí nghiệm, các phòng hướng nghiệp... phải đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn theo quy định; tạo dựng môi trường xanh sạch đẹp, thân thiện, cởi mở.
Duy trì bầu không khí học tập, lao động ấm áp và thân thiện; mọi thành viên trong trường học, trong lớp học được yêu thương, được tôn trọng, được hiểu, được có giá trị và được bảo đảm an toàn.
CBGV thường xuyên sử dụng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực. Đảm bảo vệ sinh thực phẩm, định dưỡng tốt cho cả học sinh và cán bộ giáo viên. Nhà trường tạo cơ hội để mỗi học sinh và mỗi CBGV đều được phát triển tối đa tiềm năng của bản thân, không ai bị bỏ lại, tất cả cùng thay đổi và tiến bộ.
Về tiêu chí dạy học, các CBGV làm gương cho học sinh trong mọi hoạt động giáo dục, hoạt động dạy và học. Thực hiện việc phân công nhiệm vụ cho học sinh và CBGV trong trường một cách công bằng, hợp lý và phù hợp với điều kiện, năng lực cá nhân.
Mọi hoạt động liên quan tới dạy và học, tới công tác quản lý được bàn bạc cởi mở, lắng nghe thấu hiểu, đối thoại tích cực. Nội dung dạy học hữu ích, hấp dẫn và lôi cuốn học sinh. Bài tập về nhà và thi cử vừa sức, không gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ thể chất và tâm lý của học sinh.
Phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tạo hứng thú, phù hợp, thấu hiểu và chấp nhận sự khác biệt tâm lý, thể chất, hoàn cảnh của mỗi học sinh.
Học sinh và CBGV được tự do phản hồi, sáng tạo và gắn kết; được chủ động thể hiện quan điểm, ý tưởng; có thói quen làm việc nhóm và hợp tác. Tạo các điều kiện tốt nhất để mỗi học sinh và CBGV có cơ hội phát triển, thể hiện và khẳng định năng lực, giá trị của bản thân.
Thành lập và duy trì các “Nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển” ngay từ các tổ chuyên môn để có thể hỗ trợ nhau khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa để tăng cường các mối quan hệ, giao lưu, tăng cường thể lực và nuôi dưỡng cảm xúc tích cực.
Khắc phục triệt để cách quản lý và tương tác mang tính áp đặt, gây căng thẳng cho học sinh và CBGV trong nhà trường. CBGV tự chăm sóc sức khoẻ tâm lý và thể chất cho bản thân, tự trang bị cho mình và thực hành được các giá trị sống, kỹ năng sống phù hợp với đạo đức, nhân cách nhà giáo trong môi trường giáo dục.
Trong tiêu chí về các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường, các CBGV làm gương cho học sinh trong các mỗi quan hệ, trong tương tác, giao tiếp và đối thoại. Học sinh và CBGV tôn trọng, lắng nghe thấu hiểu và chủ động xây dựng được các môi quan hệ tích cực, tôt đẹp. Quản lý cảm xúc tiêu cực trong đối thoại, tương tác, giao tiếp và làm việc với học sinh, với CBGV.
Học sinh và CBGV,NV hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong các nhiệm vụ được giao. Giúp đỡ, chia sẻ với học sinh và CBGV,NV có nhu cầu đặc biệt; có hoàn cảnh riêng. Học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, thường xuyên rèn luyện đạo đức tác phong và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu công việc một cách tốt nhất;
Các cán bộ quản lý, CBGV lắng nghe tích cực, phản hồi mang tính xây dựng trong xử lý công việc với đồng nghiệp và học sinh. Phối hợp và hợp tác hiệu quả với phụ huynh, cộng đồng địa phương và các lực lượng liên quan trong công tác giáo dục học sinh.