Nhận quà gì cho ngày 20/11?

GD&TĐ - Mới đây, một hệ thống trường tư thục ở TPHCM đã thông báo: Cấm tất cả cán bộ - giáo viên - nhân viên hành chính và phục vụ của trường nhận quà, hoa, “phong bì” của học sinh cũng như của cha mẹ các em tặng nhân ngày 20/11(!?).

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Có trường nhẹ nhàng hơn: Kỷ niệm 20/11, nhà trường không cấm thầy cô nhận hoa và quà, chỉ yêu cầu tất cả giáo viên hãy tránh nhận “phong bì” để khỏi mang tiếng. Có trường yêu cầu học sinh và cha mẹ các em: Nếu tặng “phong bì” thì tùy tâm, nhưng gửi tất cả “phong bì” về một địa điểm quy định là văn phòng trường.

Sau lễ, Hội đồng nhà trường công khai mở tất cả các phong bì, cộng dồn chung tổng số tiền được tặng. Sau đó sung tiền này vào quỹ đời sống do công đoàn trường quản lý, đến hè sẽ dùng kinh phí này tổ chức đi nghỉ mát chung.

Có cơ sở giáo dục chỉ yêu cầu ngắn gọn: Nếu cha mẹ học sinh muốn tặng “phong bì” nhân ngày 20/11, thì đến nhà riêng của từng thầy cô để tặng, không tặng “phong bì” trong khuôn viên trường…

Xem ra, cách xử lý cái “phong bì” đựng tiền (một kiểu quà tặng) là không hề đơn giản. Điều cốt yếu nhất là: Nếu nhà trường muốn bảo vệ danh thơm cho trường, nếu từng nhà giáo giàu lòng tự trọng nghề nghiệp, thì không bao giờ “phong bì” đựng tiền có thể làm hoen ố nhân cách người thầy. Cho dù, “phong bì” này có “nặng” đến bao nhiêu, cũng không thể “hạ gục” được các nhà giáo, bất kể lúc nào, ở đâu.

Trong thực tế, đã xảy ra khá nhiều thực trạng không hay xung quanh “nạn phong bì” dịp kỷ niệm 20/11. Một số phụ huynh học sinh ỷ thế nhà giàu, khi đã tặng thầy cô một số tiền (giấu trong “phong bì”), khi ra về, họ kháo nhau: Ông thầy này dễ ẹc, “mua” bao nhiêu cũng xong hết.

Có học sinh, tặng thầy cô cái “phong bì” xong, dương dương tự đắc: Thầy cô giáo nào mà chẳng cần tiền. Thầy nhận tiền rồi, mai mốt tụi mình học hành có chuyện chi rắc rối, không lẽ đến nhờ thầy giúp đỡ, thầy từ chối coi sao được…

Liên quan đến chuyện tặng “phong bì”: Trò nghèo, có thể sẽ gia tăng sự mặc cảm với thầy cô, với bạn bè. Trò giàu có thể sẽ lên mặt, coi thường tình nghĩa. Lớp học từ đó có khả năng xảy ra hiện tượng xấu là nghi kị, xa lánh nhau, thậm chí âm thầm coi thường giáo viên… Cha ông ta từng nhắc nhở: “Nén bạc đâm toạc tờ giấy” là vì vậy.

Chúng ta đang ra sức xây dựng các mục tiêu cao cả: “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “Trường học hạnh phúc”; “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Không chỉ riêng các nhà giáo và học trò làm được các mục tiêu này. Tất cả các bậc cha mẹ học sinh đều phải hợp tác hết mình với các trường học cùng thực hiện.

Đặc biệt, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm, để quý thầy giáo, cô giáo được hưởng trọn vẹn niềm vui và sự thanh thản, các bậc cha mẹ học sinh có lẽ chỉ nên tặng các nhà giáo bó hoa nhỏ tươi thắm là đủ rồi.

Có lẽ, món quà lớn nhất, có giá trị cao quý nhất dành tặng thầy cô giáo dịp 20/11, chắc chắn không gì thay thế được, đó là: Mọi người đều vinh dự được thấy tất cả con em của mình, học sinh của mình đều trưởng thành tốt đẹp như mong muốn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.