Trường học hạnh phúc - định hình giá trị cốt lõi

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, Trường học hạnh phúc xuất hiện nhiều xu hướng khác nhau. Vì vậy, mỗi hiệu trưởng, giáo viên cần nhìn nhận đúng về vấn đề này.

Trường học hạnh phúc mang lại giá trị nhân văn, thay đổi ngày một tốt hơn vì chính thầy, cô và học trò. Ảnh: INT
Trường học hạnh phúc mang lại giá trị nhân văn, thay đổi ngày một tốt hơn vì chính thầy, cô và học trò. Ảnh: INT

Thay đổi bản thân, nhà trường

Cách đây 4 năm, Bộ GD&ĐT phát động xây dựng Trường học hạnh phúc. Sau quá trình triển khai, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) nhận thấy, Trường học hạnh phúc trở thành cụm từ quen thuộc, mục tiêu hướng tới của nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước.

Trường học hạnh phúc cũng đa dạng, khác nhau… đem lại hiệu quả đáng trân trọng. “Song, để có hạnh phúc phụ thuộc vào việc làm cho mình và những người xung quanh hạnh phúc. Đó cũng là mục tiêu mà Trường học hạnh phúc hướng đến”, ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh.

Theo Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, khi xây Trường học hạnh phúc xuất hiện nhiều xu hướng khác nhau, thậm chí có xu hướng không phù hợp mục tiêu, mong muốn của Đảng, Nhà nước về hệ thống giáo dục. Do đó, thời điểm này, bên cạnh đẩy mạnh xây dựng, cần xác định cách làm, giá trị cốt lõi để thống nhất trong định hướng quản lý từ cơ quan quản lý cao nhất là Bộ GD&ĐT.

Những năm 90 của thế kỷ trước, khi mới thành lập trường, TS Nguyễn Văn Hòa - người sáng lập Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) luôn nghĩ, trường học chân chính là đào tạo ra học sinh giỏi. Thành công của giáo dục là đào tạo nên học sinh giỏi, nhân tài, xuất chúng. “Hệ quả, tôi phải đối mặt với áp lực và nhận ra, đó là suy nghĩ sai lầm”, TS Nguyễn Văn Hòa trải lòng.

Từ kinh nghiệm bản thân, TS Nguyễn Văn Hòa không lạ khi thấy các thầy, cô giáo trẻ nuôi dưỡng ước mơ đào tạo nhiều học sinh giỏi, trở thành giáo viên nổi tiếng có nhiều học trò đạt giải cấp tỉnh, quốc gia. “Áp lực, bạo lực học đường từ đó mà ra. Ép học trò học, coi trò nào cũng có thể giỏi, nếu không được thì do lười và dốt”, TS Nguyễn Văn Hòa thẳng thắn nhìn nhận và nghĩ cách thay đổi bản thân, nhà trường.

Theo đó, hiệu trưởng phải nghiêm túc đánh giá tình hình, tìm con đường mới thoát khỏi thực trạng không mong muốn. Cần “cởi trói” cho học sinh, không áp nhiều quy chế, kỷ luật hà khắc, mắng mỏ khi học sinh học yếu, bị điểm kém. Không nên đặt vấn đề thành tích, tỷ lệ học sinh khá giỏi cao.

TS Nguyễn Văn Hòa phải thuyết phục thầy, cô không kêu ca, chê bai học sinh; không nhìn học trò theo điểm số hoặc tạo áp lực. Thay vào đó, thầy cô vui vẻ, tự tạo ra bầu không khí thân thiện, yêu thương. Làm sao cho mỗi học trò, bất kể thế nào phải tiến bộ, cha mẹ học sinh hài lòng, tin tưởng.

“Tôi an ủi mình và các thầy cô: Trò mình có thế thôi. Trường mình hiện thời cũng chỉ được thế. Không nên tự giày vò mình. Vấn đề là phải làm cho trẻ vui vẻ, yêu trường, thầy cô và có niềm vui đến trường thì học hành sẽ tiến bộ”, TS Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.

Cô trò Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) trong một hoạt động phát triển kỹ năng cho học sinh. Ảnh: NTCC

Cô trò Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) trong một hoạt động phát triển kỹ năng cho học sinh. Ảnh: NTCC

“Mỏ vàng” chưa khám phá

Học tập chỉ là một trong nhiều năng lực của con người; có thể học kém nhưng không có đứa trẻ nào yếu kém, TS Nguyễn Văn Hòa quan niệm và nhận thấy, học sinh rất nhiều năng lực, có những “mỏ vàng” chưa được khám phá. Cần làm nó phát lộ và phát huy để trở thành điểm sáng. Đó là nhiệm vụ, sứ mệnh của nhà giáo.

Khi nói đến Trường học hạnh phúc, TS Nguyễn Văn Hòa hàm ý cách thức vận hành và thay đổi cách vận hành. Đây là tất yếu và đòi hỏi của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và phát triển đất nước. “Tuy là lựa chọn không dễ dàng nhưng có thể làm được. Chúng ta thay đổi vì một Trường học hạnh phúc”, TS Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh và chia sẻ, Trường học hạnh phúc có được khi ta thay đổi cách vận hành nhà trường với mục tiêu giáo dục vì sự phát triển con người, vì con người. Trường học hạnh phúc làm bầu không khí nóng ấm trong mối quan hệ giữa con người và con người.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nêu quan điểm, không có học sinh hư. Thầy, cô giáo, nhà trường phải có niềm tin vào học trò. Xây dựng Trường học hạnh phúc phải vì sự tiến bộ, phát triển của bản thân thầy cô, học trò; mà ở đó hiệu trưởng có sứ mệnh đặc biệt quan trọng.

Chia sẻ tại Hội thảo ‘Trường học hạnh phúc - Con đường chúng ta đi’ do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) tổ chức, cô Phạm Thị Nguyệt - Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Đồng Nai cho hay, đối tượng cô hướng tới để thay đổi là phụ huynh.

Nhiều năm làm hiệu trưởng, cô luôn cố gắng họp với phụ huynh để chia sẻ trực tiếp, thay đổi quan điểm, tư tưởng của họ. Phụ huynh là người đồng hành, chia sẻ và giúp đỡ giáo viên. Nếu phụ huynh không thay đổi, vẫn đòi hỏi con cái và tạo áp lực cho thầy cô sẽ khó xây dựng được Trường học hạnh phúc.

Còn theo cô Nguyễn Thị Thu Trang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (tỉnh Bắc Giang), Trường học hạnh phúc là môi trường để mỗi thầy, cô giáo, nhà quản lý đem tâm huyết của mình cống hiến cho giáo dục. Trường học hạnh phúc mang lại giá trị nhân văn, thay đổi ngày một tốt hơn vì chính thầy, cô và học trò. Mỗi học sinh hạnh phúc sẽ lan tỏa để gia đình và xã hội hạnh phúc.

Theo TS Nguyễn Văn Hòa, Trường học hạnh phúc không phải là một khái niệm, mô hình, bởi nếu là mô hình thì không có độ mở. Xây dựng theo mô hình sẽ khó khăn đối với những trường học ở các vùng miền khác nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ