Trường học Đồng bằng sông Cửu Long chật vật ứng phó triều cường

GD&TĐ - Những ngày qua, triều cường dâng cao gây ngập nhiều khu vực ở ĐBSCL, nhất là những vùng trũng, thấp, ven sông, ven biển.

Học sinh Trường THPT Hiệp Thành lội nước bì bõm vào lớp học. Ảnh: CTV
Học sinh Trường THPT Hiệp Thành lội nước bì bõm vào lớp học. Ảnh: CTV

Đáng quan tâm, đợt triều cường này khiến một số điểm trường ở miền Tây ngập sâu, ảnh hưởng đến việc đi lại, dạy và học của cán bộ, giáo viên và học sinh.

Thầy, trò lội nước đến lớp

Trường THPT Hiệp Thành (TP Bạc Liêu, Bạc Liêu) là một trong những điểm trường bị ngập nặng trong đợt triều cường rằm tháng 10 âm lịch. Đặc biệt trong các ngày 18 và 19/11 (18 - 19/10 âm lịch), đỉnh triều dâng cao khiến toàn bộ sân trường chìm trong nước. Giáo viên, học sinh muốn đến lớp phải gửi xe tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Bạc Liêu, sau đó xắn quần, cầm giày dép lội nước đến lớp học.

Thầy Vũ Văn Khiêm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mỗi ngày, triều cường dâng 2 lần, buổi sáng bắt đầu từ 2 - 3 giờ đến 9 - 10 giờ mới rút dần; buổi chiều từ 15 - 16 giờ, triều cường lại lên tiếp nhưng mực nước thường thấp hơn buổi sáng.

“Trường nằm phía trong, cách trục đường Bạch Đằng khoảng 150m, ngoài đường ngập, sân trường cũng ngập, nước mênh mông nên không thể nhận biết đâu là lòng đường, lề đường, học sinh cứ nhắm hướng trường lội vào, một số em không may té ngã ướt hết quần áo, tập sách, không thể tiếp tục học.

Nước ngập cũng khiến việc dạy và học gặp nhiều khó khăn. Dù nước không ngập đến phòng học nhưng không thể dạy tiết thể dục, các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt ngoài trời, dưới cờ cũng tạm ngưng trong thời điểm triều cường”, thầy Khiêm chia sẻ.

Không riêng tỉnh Bạc Liêu, đợt triều cường rằm tháng 10 âm lịch cũng khiến một số điểm trường tại các huyện ven biển của tỉnh Cà Mau gồm: Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Năm Căn… bị ngập, ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục.

Tại huyện Năm Căn, triều cường gây ngập 3 điểm trường, trong đó ngập nặng nhất là Trường THCS xã Hàng Vịnh. Nước không chỉ ngập khuôn viên sân trường mà còn tràn vào khu phòng học. Trong giờ học, học sinh phải để chân lên ghế nhựa.

Trong ngày 19/11, nhiều khu vực của trường ngập sâu hơn 1m, nhà trường buộc phải cho học sinh tạm ngưng việc học, chờ nước rút. Cán bộ, thầy cô tập trung di chuyển đồ dùng, trang thiết bị đến khu vực khô ráo, nhất là các trang thiết bị điện tử, tránh triều cường làm hư hỏng.

truong-hoc-chat-vat-ung-pho-trieu-cuong-2.jpg
Quang cảnh Trường THPT Hiệp Thành (TP Bạc Liêu, Bạc Liêu) thời điểm triều cường dâng cao. Ảnh: CTV

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Anh Chung, trường nằm trong khu vực trũng thấp nên thường xuyên bị ngập vào mỗi đợt triều cường. Tuy nhiên năm nay, đỉnh triều dâng cao hơn mọi năm, khiến trường “trở tay” không kịp.

“Xung quanh trường đều là vuông nuôi trồng thủy sản của người dân, phía sau trường có một tuyến lộ ngang đang làm, thấp hơn mực nước triều, nước dâng tràn qua lộ, vuông nuôi trồng thủy sản người dân vào trường gây ngập nặng. Nước ngập gây nhiều khó khăn đối với việc dạy và học, đồng thời ít nhiều ảnh hưởng đến cơ sở vật chất của trường”, vị lãnh đạo nhà trường chia sẻ.

Huyện Đầm Dơi là một trong những địa phương có nhiều điểm trường bị ngập trong đợt triều cường này. Ông Trần Thanh Văn - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện cho biết, những tháng cuối năm vào các ngày giữa và cuối tháng âm lịch, triều cường thường dâng cao.

“Năm nay, triều cường cao hơn mọi năm khiến nhiều điểm trường trên địa bàn bị ngập sâu, nhất là điểm trường nằm khu vực ven sông, biển. Có những trường, nước tràn vào tận phòng học, khiến nhà trường phải tạm cho học sinh nghỉ học chờ triều cường rút”, ông Văn nói.

Lãnh đạo một số điểm trường trên địa bàn tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu cũng thông tin: Trước đó, trường lên kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm, giao lưu văn nghệ mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tại sân trường. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của triều cường buộc phải thay đổi kế hoạch làm gọn nhẹ, đơn giản hơn trong hội trường.

truong-hoc-chat-vat-ung-pho-trieu-cuong-1.jpg
Cán bộ, giáo viên Trường THCS xã Hàng Vịnh (Năm Căn, Cà Mau) sắp xếp, di chuyển trang thiết bị đến nơi an toàn thời điểm triều cường dâng cao. Ảnh: CTV

Khắc phục sau triều cường

Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày 20/11, mực nước triều cường không còn dâng cao như những ngày trước. Các điểm trường đang khắc phục ảnh hưởng, thiệt hại do triều cường. “Ngay thời điểm triều cường ngập sâu, chúng tôi đã báo chính quyền địa phương tiến hành mở đường thoát nước trên tuyến lộ đang làm. Sáng nay, trường không còn ngập dãy phòng học, học sinh đã đi học bình thường.

Hiện chúng tôi tiếp tục dọn dẹp, sắp xếp trang thiết bị, đồ dùng dạy học về vị trí ban đầu. Về phần sân trường sau đợt triều cường, trường sẽ dọn dẹp, vệ sinh đảm bảo các hoạt động ngoài trời, tiết học thể dục thể thao của học sinh được tiếp diễn”, thầy Nguyễn Anh Chung - Hiệ̣u trưởng Trường THCS xã Hàng Vịnh ( Năm Căn, Cà Mau) thông tin.

Lo ngại lội nước khiến nhiều học sinh dễ bị các bệnh về da, Trường Tiểu học Tân Tiến (Đầm Dơi, Cà Mau) khuyến cáo học sinh và phụ huynh chủ động phòng bệnh, đồng thời sau khi nước rút sẽ phối hợp cùng ngành chức năng phun thuốc sát trùng, diệt trừ mầm bệnh, đảm bảo sức khỏe học sinh.

Chia sẻ thông tin, cô Lâm Kim Tiên - Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Tiến đồng thời cho hay, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương đắp bờ bao chống tràn nhằm hạn chế tình trạng ngập trong những đợt triều tiếp theo.

“Sau khi nước rút, nhà trường tiến hành cắt cỏ, dọn dẹp vệ sinh khuôn viên trường, đồng thời phun thuốc khử trùng sát khuẩn phòng chống dịch bệnh trong trường học. Triều cường ở đây dâng không mang theo lượng lớn phù sa, rác thải nên cũng dễ dọn dẹp.

Trường rất mong ngành chức năng, chính quyền địa phương sớm triển khai xây dựng tuyến đê bao, tuyến chắn ngăn triều cường phía ngoài để tránh tình trạng nước ngập vào các đợt triều cường tiếp theo”, thầy Vũ Văn Khiêm - Hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Thành (TP Bạc Liêu, Bạc Liêu) chia sẻ.

Nói về giải pháp ứng phó triều cường, ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu trao đổi, sở đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, trường học trên địa bàn có biện pháp linh hoạt điều chỉnh giờ học phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người học, giáo viên đến trường, đồng thời giúp cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động dạy và học được thuận lợi, hiệu quả trong thời điểm diễn ra triều cường.

“Chúng tôi chỉ đạo sau đợt triều cường, các trường học bị ngập khẩn trương rà soát thiệt hại (nếu có), báo cáo về đơn vị quản lý, tiến hành dọn vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo việc dạy và học, đồng thời sẵn sàng các biện pháp ứng phó nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại trong các đợt triều cường tiếp theo”, ông Tân thông tin.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, dự báo đến cuối năm còn 2 đợt triều cường dâng cao nữa là đợt triều cường rằm tháng 11 và rằm tháng 12 âm lịch. Mực nước các trạm thủy văn tiếp tục vượt mức báo động III, gây ngập nhiều khu vực, nhất là vùng trũng thấp, ven sông, ven biển. Vì thế, các trường học ở miền Tây cần chủ động biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về cơ sở vật chất và đảm bảo hoạt động giáo dục diễn ra thông suốt, hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ