Đảm bảo an toàn cho thầy, trò
Tại TP Cần Thơ, triều cường dâng cao gây ngập lụt từ ngày 10/10. Mực nước sông Hậu dâng cao, tràn theo các kênh rạch gây ngập nhiều khu vực ở quận Ninh Kiều, Bình Thuỷ, Ô Môn, Cái Răng... Hàng loạt tuyến đường ở trung tâm TP Cần Thơ như: Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Văn Cừ, Mậu Thân, Lý Tự Trọng, Ngô Quyền, hồ Xáng Thổi... chìm trong nước. Một số nơi, nước tràn vào nhà dân, cơ quan, trường học, công sở...
Một số trường học ở quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng bị ngập nước, gây ảnh hưởng đến việc dạy, học. Để đảm bảo an toàn, TP Cần Thơ cho học sinh nghỉ học 3 ngày (11, 12, 13/10).
Trước ảnh hưởng lũ đầu nguồn kết hợp triều cường, ngành GD&ĐT TP Cần Thơ chỉ đạo thực hiện các giải pháp chủ động ứng phó. Theo ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, Thủ trưởng các đơn vị tổ chức dạy học trực tuyến hoặc dạy bù khi học sinh trở lại trường, đồng thời hướng dẫn cho phụ huynh quản lý học sinh, học viên học tập tại nhà.
Đồng thời, Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa mưa, lũ, triều cường, nhất là các quận/huyện đầu nguồn Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, Cờ Đỏ... và các địa bàn từng xảy ra ngập sâu ở các năm trước.
Các đơn vị hướng dẫn, nhắc nhở, khuyến cáo cha mẹ học sinh chủ động đưa đón trẻ trên đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà; chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học của đơn vị (điều chỉnh giờ đến trường, giờ ra về; các hoạt động giáo dục;...) phù hợp với điều kiện mưa, lũ trên địa bàn.
Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ thăm điểm trường bị ngập nước. |
Tại tỉnh Vĩnh Long, triều cường dâng cao gây ngập nhiều nơi. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long đã liên tục phát các bản tin về tình hình mực nước, mưa lũ và cảnh báo ngập lụt để các địa phương, các ngành và người dân nắm thông tin, chủ động ứng phó.
Khu vực TP Vĩnh Long nước triều dâng cao, các tuyến đường trong nội ô ngập nước, giao thông đi lại khó khăn nên địa phương cho học sinh nghỉ học. Theo đó, TP Vĩnh Long cho học sinh cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở nghỉ học 3 ngày (từ 11 - 13/10); học sinh Trung học phổ thông vẫn đi học bình thường.
An Giang là tỉnh đầu nguồn, mực nước lũ dâng cao ảnh hưởng nhiều nơi, trong đó có trường học. Tại vùng bị ngập lụt, ngành giáo dục kết hợp với chính quyền địa phương đưa rước học sinh đến trường. Sở GD&ĐT yêu cầu các Phòng GD&ĐT chủ động phối hợp các ban, ngành lập các phương án đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường trong mùa lũ.
Thầy cô giáo, lực lượng quân sự, dân quân tự vệ dùng vỏ lãi đưa rước học sinh tại các xã vùng đầu nguồn tỉnh An Giang. Ảnh: Trọng Nhân. |
Đảm bảo việc học ở vùng lũ chia cắt
Tại huyện An Phú (An Giang), việc đưa rước học sinh đến trường trong mùa lũ đã được duy trì từ nhiều năm nay. Toàn huyện có 163 học sinh ở các xã Vĩnh Hội Đông, Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc và Phú Hữu cần được đưa rước đi học trong những ngày nước lũ lên cao.
Theo ông Võ Hoàng Lâm, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện An Phú, Phòng đã chỉ đạo các trường phối hợp cùng chính quyền địa phương và các mạnh thường quân tổ chức đưa học sinh đến trường vừa để đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh, vừa để đảm bảo chất lượng giáo dục ở cơ sở...
Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, An Giang) có 64 học sinh ở 3 tuyến đường liên ấp có đoạn bị ngập được đưa rước đi học hàng ngày. Nhờ vậy, suốt trong những ngày qua không có học sinh nào của trường phải nghỉ học do nước lũ và triều cường. Theo lãnh đạo nhà trường, khi nước lũ dâng cao có một số đoạn đường liên ấp bị ngập, làm ảnh hưởng đến việc đến trường của học sinh. Để duy trì sĩ số và đảm bảo chất lượng dạy học, nhà trường thống kê số học sinh cần được đưa rước, báo với chính quyền địa phương nhờ hỗ trợ.
Để đảm bảo việc học không bị gián đoạn, ngành Giáo dục các địa phương linh động tổ chức dạy học trực tuyến, giao bài, cho học sinh học tại nhà trong thời gian nghỉ học chờ nước rút.
Các trường học ở TP Cần Thơ chủ động giải pháp hướng dẫn học sinh học tập tại nhà. Nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm tổ chức dạy học trực tuyến hoặc dạy bù khi học sinh trở lại trường; đồng thời hướng dẫn cho phụ huynh quản lý học sinh học tập tại nhà.
Theo bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Bình Thuỷ (TP Cần Thơ): Để bảo đảm an toàn cho học sinh trong đợt triều cường, Phòng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận xây dựng phương án dạy học tùy theo tình hình thực tế của từng đơn vị. Các trường có thể tổ chức hình thức học tập như dạy trực tuyến, hướng dẫn học qua Zalo... hoặc gửi bài cho phụ huynh hướng dẫn học sinh tự học. Các trường sẽ tổ chức dạy bù vào ngày thứ Bảy để củng cố kiến thức.
Đối với lớp 1 chưa thể dạy trực tuyến, Phòng yêu cầu nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm giao bài, hướng dẫn học và ôn tập dạy bù khi các em đi học lại; tuyên truyền đến phụ huynh, sắp xếp quản lý các em tại nhà… Một số trường buổi sáng giáo viên gửi clip bài giảng các môn học theo thời khóa biểu qua Zalo lớp cho học sinh xem và nghiên cứu. Buổi tối, giáo viên sẽ ôn tập và giảng lại nội dung học qua Google meet.
Học sinh ở TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) sau khi nghỉ học 3 ngày, ngày 14/10 các em đi học trở lại và học bù vào ngày thứ Bảy (15/10).