Thầy trò vùng lũ vượt khó đến trường: Vất vả vì ngập úng, triều cường

GD&TĐ - Mưa kéo dài nhiều ngày kết hợp với triều cường đã làm ngập úng nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đường đến trường của thầy, trò càng thêm khó khăn. Trường lớp bị ngập nên học sinh phải tạm nghỉ…

Phụ huynh ở TP Cần Thơ đưa HS đến trường bằng xuồng trong đợt triều cường sáng 20/10. Ảnh: Việt Hữu
Phụ huynh ở TP Cần Thơ đưa HS đến trường bằng xuồng trong đợt triều cường sáng 20/10. Ảnh: Việt Hữu

Tạm dừng đến trường vì ngập lụt

Từ thời điểm đầu tháng 10, các tỉnh miền Tây chịu những cơn mưa lớn, kéo dài nhiều ngày. Vùng ngọt hóa các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang xảy ra tình trạng ngập úng; đường giao thông bị chia cắt. Nhiều trường học bị ngập, không bảo đảm an toàn cho việc dạy, học nên học sinh phải tạm nghỉ.

Một trong những địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp tình trạng mưa bão, ngập úng là Cà Mau. Hai huyện Trần Văn Thời và U Minh phải cho học sinh tạm nghỉ nhiều ngày liền vì tình trạng ngập lụt. Theo ông Phạm Hoàng Gan, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, Sở đã có công văn tạm cho học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học do ảnh hưởng bão, trời mưa to, gió lớn, triều cường dâng cao. 

Một số địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng ngọt hóa bị ảnh hưởng rất nặng nề. Giao thông đường bộ bị ngập, chia cắt, đi lại rất khó khăn và nguy hiểm. Trước diễn biến phức tạp nêu trên, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau đề nghị các địa phương căn cứ tình hình cụ thể của từng địa bàn, từng điểm trường xem xét cho học sinh mầm non, tiểu học tạm thời nghỉ học trong những ngày mưa to, đường ngập. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, trường học có kế hoạch tổ chức dạy bù vào thời gian thích hợp bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình, kế hoạch dạy học theo quy định.

Theo ông Phạm Việt Bắc, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), những cơn mưa to dẫn đến một số tuyến đường vùng ngọt hóa của huyện bị ngập sâu dẫn đến khó khăn trong việc đi lại, học tập của học sinh 8 xã: Khánh Bình, Khánh Bình Đông, Khánh Lộc, Khánh Hưng, Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc và xã Trần Hợi. Các phụ huynh không có phương tiện đưa đón học sinh và không dám cho học sinh đi học một mình vì không bảo đảm an toàn cho tính mạng trẻ nên đề xuất nhà trường tạm thời cho học sinh nghỉ học đến khi nước rút... 

Tại Kiên Giang, mưa kéo dài cũng gây ngập lụt nhiều nơi. Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh có 115 điểm trường ở huyện An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Giồng Riềng bị ngập. Để bảo đảm an toàn, hơn 70 trường học cho học sinh nghỉ học tạm thời…

Khuôn viên Trường Tiểu học Tân Xuyên (TP Cà Mau) bị ngập nước. Ảnh: V. Hữu
 Khuôn viên Trường Tiểu học Tân Xuyên (TP Cà Mau) bị ngập nước. Ảnh: V. Hữu

Triều cường bủa vây

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuất hiện 4 đợt triều cường, mỗi tháng xuất hiện 1 đợt.

TP Cần Thơ bốn bề là sông nước nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của triều cường. TP Cần Thơ bắt đầu bước vào thời kỳ chịu ảnh hưởng mạnh bởi các đợt triều cường, mực nước trên các sông, rạch sẽ lên cao dần vào các tháng 9, 10 và 11. Mực nước cao nhất trong các đợt triều cường ở mức xấp xỉ và vượt mức báo động III. Trên sông Hậu tại Cần Thơ, mực nước cao nhất năm 2020 có khả năng ở mức 2,15m - 2,25m (vượt báo động III là 0,15 - 0,25m), xuất hiện vào trung tuần tháng 10.

Để ứng phó với triều cường, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ chỉ đạo các địa phương xảy ra triều cường cao, ngập sâu cục bộ gây ảnh hưởng đến việc đưa rước học sinh, hoạt động dạy và học của các cơ sở giáo dục, lãnh đạo các đơn vị chủ động triển khai đồng bộ giải pháp để phòng tránh đuối nước, nhất là an toàn cho học sinh. Phòng GD&ĐT và các trường học nằm trong khu vực ảnh hưởng của triều cường, chủ động điều tiết thời gian đến trường và tan học phù hợp thực tế; Rà soát, kiểm tra hoạt động của các điểm trông giữ trẻ tập trung; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn phụ huynh học sinh thực hiện tốt việc đưa đón trẻ trong điều kiện ngập sâu do mưa và triều cường dâng cao...

Đúng như dự báo, đợt triều cường đầu tháng 9 âm lịch làm ngập hầu hết các tuyến đường nội ô TP Cần Thơ. Triều cường dâng cao khiến việc đi lại của người dân, đặc biệt là đường đến trường của hàng chục nghìn học sinh hết sức khó khăn. Đặc biệt, đợt triều cường từ ngày 18 - 23/10 khiến cho các trường phải điều chỉnh giờ học. Cụ thể, giờ đến trường sẽ muộn hơn 1 tiết và giờ tan trường sớm hơn 1 tiết để phụ huynh, học sinh “né” thời điểm triều cường dâng cao. “Để ứng phó với triều cường, trường đã thông tin đến phụ huynh, học sinh thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn khi di chuyển từ nhà đến trường. Đồng thời, nhà trường cũng chủ động linh hoạt thời gian đến và rời trường trong tuần. Cụ thể, thời gian các em đến lớp trễ hơn 1 tiết và rời lớp sớm hơn 1 tiết vào buổi chiều, để tránh đợt triều cường…”, thầy Trương Thế Bảo, Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết.

Sau khi cập nhật thông tin triều cường, ngành Giáo dục TP Cần Thơ đã chỉ đạo các đơn vị chủ động lên phương án dạy học phù hợp với điều kiện mưa, lũ theo điều kiện của nhà trường. Đồng thời không tổ chức các hoạt động vui chơi, ngoại khóa và các hoạt động không cần thiết trong thời gian này; Cập nhật diễn biến tình hình triều cường, kịp thời báo cáo và xin ý kiến cho học sinh nghỉ học khi cần thiết...

Theo chia sẻ của nhiều người dân các tỉnh miền Tây, chưa năm nào tình hình thời tiết, đặc biệt là thiên tai khó lường như năm nay. Từ đầu năm 2020, các tỉnh trong vùng phải hứng chịu đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử. Hậu quả là hàng chục nghìn ha lúa, cây trồng bị thiệt hại. Hàng chục nghìn người rơi vào tình cảnh thiếu nước ngọt. Đến những tháng cuối năm thì vùng hứng chịu mưa lớn kéo dài, xảy ra ngập úng diện rộng và triều cường dâng cao làm ngập đường sá, nhà cửa, trường học...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Củng cố liên thủ ba bên

GD&TĐ - Tổng thống Mỹ Joe Biden đầy tự tin cho rằng để lại cho người kế nhiệm di sản hùng mạnh hơn trước về mọi phương diện.