Đổi thay giáo dục
Trường PTDTBT TH số 1 Sín Chéng có học sinh (HS) thuộc 3 dân tộc khác nhau (trên 80% HS dân tộc Mông, gần 20% HS dân tộc Nùng, số ít dân tộc Kinh). Phụ huynh ít quan tâm đến trường lớp và việc học tập của con cái. Đa số HS nghỉ học một cách tự do, không xin phép giáo viên (GV), nhà trường, cha mẹ đôi khi bắt con nghỉ học ở nhà lao động phụ giúp…
“Khi được giao quản lý nhà trường, bản thân tôi trăn trở làm sao để HS các dân tộc trong trường đoàn kết thương yêu nhau, cộng đồng, phụ huynh quan tâm thấu hiểu nhà trường, từ đó có các biện pháp hỗ trợ, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục…”, cô Bùi Thị Hường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Biến suy nghĩ thành hành động, Ban giám hiệu và GV đã chọn mô hình “Trường học đa văn hóa, cộng đồng thân thiện vì trẻ em”. Để khắc phục tình trạng phụ huynh vắng mặt vào những dịp gặp mặt, trao đổi vấn đề học tập của HS… nhà trường tiến hành in giấy mời họp theo một mẫu, mời đích danh từng phụ huynh và có chữ ký đóng dấu của hiệu trưởng. Phụ huynh thấy được sự trân trọng đã tích cực tham gia. Hiệu quả trong việc bàn bạc, trao đổi giữa nhà trường và gia đình tăng lên đáng kể.
Trường còn thành lập được câu lạc bộ dựa trên sở thích của HS, lên kế hoạch hoạt động theo tuần. Trong quá trình hoạt động, lựa chọn nội dung học bản sắc phù hợp với HS như: Khâu thêu váy áo Mông, làm khèn Mông, múa khèn Mông, múa Sênh tiền. Ban giám hiệu trực tiếp bàn bạc với cộng đồng trong việc mời nghệ nhân, thống nhất nội dung dạy cho HS từ cơ bản đến kĩ thuật...
Đặc biệt nhà trường đã huy động cộng đồng chung tay mời người dân tham gia các lớp tập huấn, hội thảo dành cho cộng đồng về kỹ năng phối hợp, làm cha mẹ, làm đồ dùng dạy học… Cha mẹ HS được tham gia vào mọi hoạt động của nhà trường như: Học cùng con một ngày tại trường, ngủ cùng con bán trú một ngày, cùng GV chuẩn bị cho công tác trải nghiệm của lớp, chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền tổ chức tại trường, đến trường dạy các nội dung bản sắc văn hóa…
Cô giáo Hoàng Thị Thủy cho biết: Để HS luôn cảm nhận gần gũi với văn hóa dân tộc ngay khi học tập trên lớp, GV và phụ huynh HS đã chủ động trang trí trường lớp bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Mông. Lựa chọn câu khẩu hiệu dễ đọc, dễ hiểu và thể hiện bằng hai ngôn ngữ mà HS được học để trang trí trường lớp. Dùng hình ảnh thật của nhà trường, HS vừa để trang trí thu hút sự quan tâm chú ý của HS đồng thời tuyên truyền khuyến khích, thúc đẩy HS hành động đúng chuẩn mực văn hóa trong môi trường học đường.
Trường PTDTBT TH số 1 Sín Chén cũng được chọn là trường giáo dục song ngữ tiếng Việt – tiếng Mông. Do đó GV, HS đã được tham dự vào nhiều hoạt động giữ bản sắc như tập huấn kĩ năng làm việc cộng đồng, phương pháp dạy học song ngữ; trang trí trường lớp bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Mông… Hiệu quả giáo dục tăng lên đáng kể khi nhà trường thực hiện đồng loạt các hoạt động của mô hình trường học đa văn hóa.
Mũi tên hướng tới nhiều đích
Theo cô Bùi Thị Hường, việc áp dụng mô hình trường học đa văn hóa đã mang cộng đồng vùng cao lại gần nhà trường, xây dựng phong trào giáo dục cho người dân tộc thiểu số vùng cao. Chính quyền địa phương, người dân thấy rõ trách nhiệm đối với giáo dục... Từ đó có biện pháp chỉ đạo, hỗ trợ, phối hợp với nhà trường để giáo dục HS. Trên cơ sở đó, các em biết gìn giữ bản sắc văn hóa, tự hào dân tộc, tự tin mạnh dạn hơn trong giao tiếp hàng ngày.
Em Lồ Sinh Hùng, lớp 5C, (dân tộc Mông, nhà ở Ngải Phóng Chồ, xã Sín Chéng huyện Si Ma Cai) chia sẻ: “Khả năng nói tiếng Việt của em tốt hơn nhiều khi được học song ngữ. Các bạn cùng lớp em rất vui, hứng thú khi đến trường học tập. HS dù khác lớp, khác dân tộc nhưng đoàn kết, không còn tình trạng kỳ thị giữa những HS không cùng dân tộc”.
Ghi nhận giáo dục từ Trường PTDTBT TH số 1 Sín Chén cũng cho thấy, khi triển khai mô hình trường học đa văn hóa tỉ lệ chuyên cần của HS đã đạt tới 98% - 100%. HS không nghỉ học ngày chợ, ngày trong thôn có đám cưới, đám ma hoặc bỏ học sau Tết Nguyên đán. Nếu nghỉ học HS biết xin phép GV, nhà trường. Thậm chí nhiều cha mẹ đến tận trường xin cho con nghỉ học khi ốm đau, có việc cần, liên lạc ngay với GV khi con tự bỏ bán trú về nhà... Thành quả giáo dục này nhà trường chưa từng có và chỉ đạt được khi triển khai mô hình trường học đa văn hóa.
Ông Nhâm Tiến Đức - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Si Ma Cai khẳng định: Mô hình trường học đa văn hóa đã tạo ra hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại các nhà trường. Tỷ lệ chuyên cần trường vùng cao tăng lên đáng kể, hoạt động văn hóa lồng ghép vào chương trình học chính khóa tạo ra sự hứng thú cho HS, giáo dục các em biết bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường…