Trường học đa sắc màu văn hóa

Đưa giá trị văn hóa truyền thống vào tiết học ngoại khóa, chính khóa là cách mà trường học ở Bảo Thắng xây dựng mô hình “Trường học đa văn hóa”.

Trường học đa sắc màu văn hóa

Đa sắc màu dân tộc

Hòa mình cùng học sinh trường THCS số 1 xã Phú Nhuận trong những ngày đầu năm học mới, chúng tôi thấy niềm vui trên khuôn mặt của những đứa trẻ vùng cao khi ùa ra khỏi lớp sau tiếng trống báo hết tiết học.

Sân trường đang im lặng bỗng trở nên náo nhiệt bởi các hoạt động, trò chơi thể thao. Chỉ trong thời gian ngắn, từng tốp học sinh đã chia nhau các khu vực chơi. Có nhóm chơi đẩy gậy, nhóm khác thì đi cà kheo và kéo co, ném còn… Đây là những trò chơi truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, thường được chơi vào các dịp lễ hội lớn trong năm.

Trong khuôn viên trường còn có một ngôi nhà sàn bằng gỗ lợp lá cọ truyền thống của dân tộc Tày với biển gỗ ghi dòng chữ “Trường học đa văn hoá”. Từ dưới lên trên, nhà sàn này được trang trí bởi các dụng cụ lao động sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân địa phương.

Trường học đa sắc màu văn hóa ảnh 1

Những hình ảnh về mô hình "Trường học đa văn hóa" được trưng bày.

Ở đó, một nhóm học sinh đang say sưa hát then với đàn tính và chuông đồng. Người dạy cho các em là những cao niên, mặc trang phục người Tày. Nhóm khác lại đang học thêu thổ cẩm truyền thống với sự hướng dẫn của một phụ huynh người Dao đỏ.

Em Đoàn Ngọc Ánh, học sinh lớp 9 (dân tộc Tày) chia sẻ: “Hồi bé, em được mẹ và các bà dạy hát Then, nhưng ngày ấy chỉ biết hát thôi, em cũng không hiểu lắm. Khi tham gia câu lạc bộ (CLB) của trường, em được các nghệ nhân dạy nhiều bài hát, được học đàn tính và đánh chùm nhạc. Em thấy tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình”.

Ghé thăm một lớp học mỹ thuật, chúng tôi thấy giáo viên đang dạy học sinh về nét thêu quả trám ứng dụng vào các họa tiết trên trang phục người Dao đỏ.

Để có được bộ giáo án dạy các nét thêu truyền thống, thầy giáo Hà Mạnh Hùng, giáo viên dạy mỹ thuật đã tận dụng thời gian nghỉ Hè để đi vào các thôn bản của các đồng bào Dao để tìm hiểu văn hóa thêu may trên trang phục. Sau đó, thầy tích hợp với vốn sư phạm để xây dựng thành bộ giáo án cho môn Mỹ thuật.

Thầy Hùng chia sẻ: “Khi vào bản, tôi may mắn gặp được một số phụ huynh nhiệt tình dạy mình các nét thêu rất tỉ mỉ. Tôi tổng hợp lại thành những tiết học để các em dễ hiểu và dễ thực hành. Tôi còn được một gia đình người Dao tặng lại cho bộ trang phục truyền thống, nay dùng làm tư liệu cho môn học của các em”.

Trường học đa sắc màu văn hóa ảnh 2

Giá trị văn hóa được đưa vào các tiết học chính khóa.

Trong lớp học, ngoài đồng phục của trường, các em còn mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Tiết học trở nên thú vị hơn khi các em được đoàn kết chia sẻ với nhau về cách thêu và sản phẩm của mình.

Được biết, xã Phú Nhuận có khoảng 60% là đồng bào DTTS, chủ yếu là người Dao đỏ và người Tày. Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, giúp học sinh tăng thêm kỹ năng sống, từ năm 2019, trường THCS số 1 xã Phú Nhuận đã triển khai mô hình trường học đa văn hóa.

Thầy Đặng Thành Chung, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Chúng tôi đưa văn hóa truyền thống vào khoảng 50 tiết học chính khóa ở các môn: Lịch sử, Thể dục, Mỹ thuật. Đồng thời, lồng ghép vào các môn học như Ngữ văn, Kỹ thuật. Ngoài ra, nhà trường thành lập các CLB Hát Then, thêu, thể thao và mời nghệ nhân ở xã đến dạy trong tiết học ngoại khóa.

Lan tỏa

Đưa văn hóa, lịch sử của địa phương vào chương trình giảng dạy là mô hình được Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai khuyến khích từ năm 2012. Hiện, những mô hình “Trường học đa văn hóa” đã và đang được nhân rộng ra ở nhiều trường học, đem lại những hiệu ứng khá tích cực.

Tại huyện Bảo Thắng, phong trào xây dựng trường học văn hóa đã được lan tỏa. Một số trường đạt được hiệu quả cao trong xây mô hình trường học đa văn hóa như: Trường THCS số 1 Phú Nhuận, THCS số 2 Xuân Quang, THCS số 3 Xuân Quang, THCS Thị trấn nông trường Phong Hải…

Trường học đa sắc màu văn hóa ảnh 3

Trưng bày những sản mang đậm nét văn hóa dân tộc.

Bà Bùi Thị Hải Vân, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bảo Thắng cho biết: “Việc xây dựng trường học đa văn hóa nhằm góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đồng thời, tăng cường gắn kết giữa học sinh các dân tộc với nhau. Qua đó, các em có thể giới thiệu đến bạn bè những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình với niềm tự hào”.

Để xây dựng trường học đa văn hóa, thầy Đặng Thành Chung Hiệu trưởng Trường THCS số 1 Phú Nhuận cho biết: “Nhà trường đã cùng nhau sưu tầm những nét văn hóa đồng bào DTTS trên địa bàn, tổng hợp, xây dựng thành 50 tiết học chính khóa. Đồng thời, xã hội hóa được ngày công và vật liệu để dựng ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày làm không gian sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh”.

Những điệu múa Then được nhà trường đưa vào bài thể dục giữa giờ của học sinh. Ngoài ra, một số trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, ném còn và đi cà kheo cũng được lồng ghép vào trong môn học giáo dục thể chất. Qua đó, góp phần giúp học sinh yêu thích văn hoá và đạt kết quả cao trong các môn học mới.

Trường học đa sắc màu văn hóa ảnh 4
Học sinh trong giờ sinh hoạt của Câu lạc bộ thêu.

Thầy Phạm Văn Hưng, giáo viên dạy Giáo dục thể chất chia sẻ: “Nhiều phong tục tập quán của đồng bào trong xã tôi không nắm được nhiều. Nhất là các điệu nhảy hay các trò chơi dân gian. Khi nhận nhiệm vụ, tôi đã mất khá nhiều thời gian để đến các thôn bản, vào từng nhà dân, nhờ các nghệ nhân dạy múa Then, rồi ném còn, đẩy gậy…

Theo thầy Hưng, bản thân giáo viên phải là người thành thục các kỹ thuật, sau đó mới đủ dữ liệu tổng hợp lên giáo án và truyền thụ lại cho học sinh.

Em Triệu Phúc Lý học sinh lớp 9 của Trường (đoạt giải nhất môn đẩy gậy trong hội khỏe Phù Đổng tỉnh Lào Cai năm 2021) cho biết: “Đẩy gậy là môn thể dục yêu thích của em. Đến Trường, được thầy giáo hướng dẫn về kỹ thuật cầm gậy, cách giữ sức và tấn công làm sao để mình không bị mất sức. Nhờ thế, em đã đạt thành tích cao trong các cuộc thi”.

“CLB hát Then của chúng tôi có 33 hội viên. Đa số đều là người cao tuổi cùng sinh hoạt và biểu diễn ở các lễ hội của thôn, xã. Mấy năm gần đây, chúng tôi được trường mời về dạy cho học sinh điệu múa, hát Then và chơi đàn tính. Các cháu tiếp thu rất nhanh và hứng khởi tham gia. Tôi tin rằng, nhờ mô hình này, những nét đẹp văn hóa truyền thống sẽ được thế hệ trẻ bảo tồn và phát huy” - Nghệ nhân Lương Văn Hoạch, thôn Tân Lộc, xã Phú Nhuận chia sẻ.

Theo giaoducthoidai.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ