Nhiều đơn vị khó khăn đã xây dựng, triển khai kế hoạch phối hợp với các trường thuận lợi hơn trong giảng dạy và ôn tập cho học sinh khối 12. Tuy thời lượng không nhiều, nhưng các thầy cô đã tạo làn gió mới, khích lệ tinh thần để học trò vùng khó, dân tộc thiểu số có thêm động lực, niềm tin “vượt vũ môn”.
Chuyến xe ngược núi
Những ngày đầu tháng 6, ngay sau khi tổng kết năm học, nhóm giáo viên 7 người đến từ Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (Diễn Châu, Nghệ An) đã ngược núi hơn 150km lên với học sinh Trường THPT Mường Quạ (huyện Con Cuông).
Tiết dạy đầu tiên của cô Phạm Thị Thu Dung (giáo viên môn Giáo dục công dân) tại ngôi trường vùng cao Mường Quạ không soạn trước giáo án, cũng không nhiều ghi chép trên bảng. Thay vào đó là cuộc trò chuyện làm quen cởi mở, thú vị giữa cô - trò.
Cô chia sẻ trước khi lên Mường Quạ đã nói với học sinh của mình rằng, cô lên miền núi để xem các bạn với điều kiện học tập khó khăn, vất vả, thiếu thốn như vậy, mà điểm thi thử vẫn đạt trung bình trên 8. Có lẽ các em nghĩ rằng, mình chỉ học ở một trường miền núi khó có thể theo kịp các bạn ở dưới xuôi. Nhưng thực tế, các em đã phấn đấu rất nhiều. Nếu em nào điểm chưa cao thì hãy tiếp tục vươn lên nắm bắt cơ hội.
“Trước khi lên đây, tôi đã tìm hiểu về đặc điểm, năng lực học trò. Tôi quan điểm rằng, giáo viên trường miền xuôi không có nghĩa giỏi hơn đồng nghiệp vùng cao. Tương tự, học sinh ở đâu cũng có mặt mạnh, yếu. Thời gian dạy học ở Mường Quạ, tôi không mang tâm thế “truyền dạy” mà trao đổi, tôn trọng học sinh. Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để các em đạt điểm cao hơn trong kỳ thi và ngược lại, bản thân học hỏi thêm phương pháp giảng dạy, tiếp cận học trò”, cô Dung chia sẻ.
Còn cô Nguyễn Thị An - giáo viên Ngữ văn cho biết, trong thời gian 2 ngày hỗ trợ ôn thi nên mỗi lớp cô chỉ có thời gian 1 - 2 buổi. Qua tiếp xúc, học sinh vùng cao có đặc điểm chung là ngoan, tích cực tương tác và tạo ấn tượng tốt cho giáo viên. Tuy nhiên, phần lớn các em không có mục tiêu cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà chỉ cần đủ điểm đỗ tốt nghiệp.
Một số em chưa chăm chỉ hoặc lơ đễnh trong lúc học bài. “Việc học tập, tiếp nhận kiến thức là cả quá trình, vai trò của giáo viên trường sở tại vẫn là chủ lực. Vì vậy, giáo viên tăng cường chủ yếu khích lệ, động viên tinh thần, tạo động lực cho các em ôn thi. Với môn Ngữ văn, trong 1 - 2 buổi dạy, tôi sẽ chốt kiến thức quan trọng và hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm viết văn, làm bài cho học sinh”, cô Nguyễn Thị An cho biết.
Thầy Đào Xuân Tấn - giáo viên dạy Địa lý, trưởng nhóm giáo viên Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn lên hỗ trợ Trường THPT Mường Quạ ôn thi tốt nghiệp cho biết, giáo viên tham gia chuyến công tác này đều ôn tập cho học sinh lớp 12 tại trường. Vì vậy, các thầy cô nắm bắt thông tin kỳ thi, đã nghiên cứu kỹ và phân tích đề minh họa để áp dụng trong dạy học.
“Thời gian ngắn nên mục đích của chúng tôi không phải dạy ôn thi, hệ thống toàn bộ kiến thức cho học sinh. Thay vào đó, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng làm bài. Vậy nên trước đó, chúng tôi kết nối giáo viên ở trường sở tại để tìm hiểu đặc điểm, năng lực, mục tiêu của học sinh nói chung và từng lớp nói riêng. Trên cơ sở đó lựa chọn nội dung giảng dạy trực tiếp và chia sẻ kỹ năng quan trọng đến học sinh tại Mường Quạ”, thầy Tấn cho hay.
Cô Phạm Thị Thu Dung - Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (Diễn Châu, Nghệ An) trong giờ dạy học sinh Trường THPT Mường Quạ (Con Cuông, Nghệ An) |
Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm
Từ tháng 3 năm nay, cô Phạm Thị Đào - giáo viên môn Vật lý, Trường PTDTNT THPT Mường Tè (Lai Châu) nhận thêm nhiệm vụ mới là ôn thi cho học sinh Trường THPT Mường Tè. Cô Phạm Thị Đào chia sẻ: “Do số tiết dạy ở Trường PTDTNT THPT Mường Tè không nhiều nên tôi được phân công giúp đỡ học sinh Trường THPT huyện Mường Tè lựa chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên ôn tập môn Vật lý. Mỗi tuần, tôi dạy từ 4 - 6 tiết”.
Trao đổi lý do nhờ giáo viên từ trường khác về giảng dạy, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Bính cho hay: “Nhà trường có 1 giáo viên môn Vật lý mới chuyển từ cấp THCS lên. Đây là năm đầu tiên giáo viên dạy chương trình lớp 12 nên phải vừa học hỏi giáo viên và dự giờ môn Vật lý ở trường khác để có thêm kinh nghiệm. Để đảm bảo kiến thức cho học sinh, nhà trường phải nhờ giáo viên có kinh nghiệm để ôn tập cho các em”.
Còn tại Trường PTDTNT THPT Mường Tè có 124 thí sinh, trong đó 121 thí sinh tham gia xét tuyển đại học; 109 thí sinh đăng ký thi tổ hợp môn Khoa học - xã hội. Chỉ 15 em lựa chọn tổ hợp môn Khoa học tự nhiên. “Số lượng học sinh lựa chọn tổ hợp môn Khoa học tự nhiên ở Mường Tè rất ít. Năm nay, mặt bằng kiến thức chung một số em còn thấp.
Để đảm bảo cho các em đỗ tốt nghiệp và có cơ hội đăng ký xét tuyển đại học, tôi tập trung hệ thống lại kiến thức. Cùng đó, tăng cường luyện đề để chắc kiến thức, làm quen những dạng câu hỏi cũng như vững tâm lý khi bước vào thi”, cô Phạm Thị Đào chia sẻ.
Trong khi đó, Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã mời giáo viên có chuyên môn, kinh nghiệm trên địa bàn tham gia giảng dạy ôn luyện cho học viên lớp 12 ngay từ đầu năm học.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Sơn Tây cho biết: “Chúng tôi mời giáo viên các trường THPT: Sơn Tây, Tùng Thiện, Xuân Khanh, Thạch Thất và Phúc Thọ (Hà Nội) về dạy tăng cường, củng cố kiến thức cho học viên. Thời điểm này, thầy trò nhà trường tập trung cao độ để ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi vào tuần sau. Chúng tôi ưu tiên sắp xếp thời khoá biểu và tạo điều kiện thuận lợi nhất để thầy cô giảng dạy hiệu quả”.
Giờ ôn tập của học sinh Trường THPT huyện Mường Tè (Lai Châu). Ảnh: Hà Thuận |
Ôn thi trực tiếp lẫn trực tuyến
Sau hơn 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, năm học này là năm thứ 2, giáo viên Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (huyện Diễn Châu) được tăng cường lên hỗ trợ học sinh Trường THPT Mường Quạ (huyện Con Cuông, Nghệ An) ôn thi tốt nghiệp THPT.
Thầy Trần Cao Thế - Tổ trưởng Tổ Toán – Tin, Trường THPT Mường Quạ chia sẻ thêm: “Chúng tôi trân trọng những nỗ lực của đồng nghiệp. Mỗi giáo viên có một cách dạy, truyền thụ riêng. Khi có giáo viên ở trường khác về hỗ trợ, chúng tôi được học tập thêm về chuyên môn, phương pháp giảng dạy. Trong khi đó, học sinh cũng được học thêm nhiều kỹ năng, cách tiếp cận kiến thức mới, điều này tạo sự hứng thú trong học tập cho các em trong những ngày ôn thi”.
Tương tự nhiều năm nay, Trường THPT số 1 Bắc Hà (huyện Bắc Hà, Lào Cai) đều tham gia hỗ trợ các trường THPT khác trên địa bàn trong giảng dạy. Theo cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Khánh Chi, năm học 2023 - 2024, nhà trường hỗ trợ giảng dạy 3 môn cho hai trường THPT. Cụ thể phân công giáo viên môn Toán và Tiếng Anh dạy giúp đỡ Trường THPT số 2 Si Ma Cai (huyện Si Ma Cai, Lào Cai); môn Lịch sử cho Trường THPT số 2 Bắc Hà (huyện Bắc Hà, Lào Cai).
Mỗi tuần giáo viên được phân công dạy 1 - 2 ngày. Giáo viên tham gia hỗ trợ là người có kinh nghiệm trong giảng dạy, cốt cán chuyên môn. “Thời điểm này, chúng tôi ôn tập trực tuyến cho những em học sinh lớp 12 có nhu cầu. Mặc dù, nhiệm vụ chuyên môn của giáo viên ở trường rất lớn nhưng chúng tôi xác định giúp đơn vị khó khăn hơn để cùng hoàn thành nhiệm vụ, học sinh có thể theo đuổi ước mơ… thì sẽ nỗ lực hết sức”, cô Khánh Chi chia sẻ.
Nhiều năm nay, Sở GD&ĐT Lạng Sơn triển khai chương trình trường thuận lợi hỗ trợ trường vùng khó ôn luyện, giảng dạy cho học sinh, đặc biệt là khối 12. Chia sẻ của ông Đặng Hồng Cường - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Lạng Sơn:
“Chúng tôi triển khai bằng hai hình thức trực tuyến và trực tiếp. Tham gia dạy hỗ trợ là giáo viên cốt cán, có kinh nghiệm và thành tích cao trong quá trình công tác. Sở cũng tập huấn chuyên môn để các trường cùng trao đổi kinh nghiệm. Nhờ vậy nhiều năm gần đây, tỷ lệ tốt nghiệp cũng như đỗ vào các trường đại học, cao đẳng được nâng lên".
Ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Nghệ An cho biết: Năm học 2023 - 2024, Sở và Công đoàn Giáo dục Nghệ An phối hợp phát động phong trào thi đua 90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao thi THPT. Trong quá trình ôn thi, các trường vừa thi đua, vừa giúp đỡ lẫn nhau. Qua đó nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh đạt ước mơ, nguyện vọng, thực hiện cam kết, mục tiêu riêng của từng trường và của ngành Giáo dục Nghệ An.