Thực hiện kế hoạch chương trình "Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm" giai đoạn 2022-2025 giữa hai Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai và huyện Ứng Hòa, các trường của hai địa phương đã có những buổi chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy rất hữu ích.
Trao đổi về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Minh Xuân - Hiệu trưởng Trường THCS Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho rằng, đây là chủ trương rất đúng đắn và mang lại hiệu quả thiết thực được Sở GD&ĐT Hà Nội phát động, triển khai. Các nhà trường đón nhận, thực hiện phong trào này rất tích cực và đi vào chiều sâu.
Cô Nguyễn Thị Minh Xuân (bìa phải) và thầy Đặng Văn Ngoan - Hiệu trưởng THCS Sơn Công; cô Dương Thị Thu Trang - Phó Hiệu trưởng THCS Hòa Nam kí cam kết. |
Trường THCS Thịnh Liệt đã ký cam kết cùng Trường THCS Tân Định (quận Hoàng Mai); Trường THCS Sơn Công, THCS Hòa Nam (huyện Ứng Hòa) để phối hợp tổ chức phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm". Nhà trường đã tổ chức buổi chia sẻ kinh nghiệm dạy học STEM với các đơn vị bạn.
STEM là phương pháp giáo dục mới, thay đổi cách dạy học từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Nhà trường thành lập các câu lạc bộ STEM để học sinh có cơ hội trải nghiệm, rèn các kỹ năng mềm, kỹ năng học tập để giảm áp lực trong quá trình học tập nên các em rất hào hứng tham gia.
Sản phẩm "Xà phòng handmade" của học sinh Trường THCS Thịnh Liệt. |
Là giáo viên có nhiều sáng tạo trong giảng dạy, cô Nguyễn Thu Hà - giáo viên Trường THCS Thịnh Liệt chia sẻ, một bài giảng STEM luôn cần gắn với thực tế để học sinh cảm thấy sự liên quan giữa bài học và cuộc sống. Từ đó giúp các em nhận ra giá trị của các kiến thức, kĩ năng được học, rèn luyện tư duy giải quyết vấn đề ngay từ sớm.
Để có được bài giảng STEM hấp dẫn, cô Hà đã dựa trên tình hình thực tế và tận dụng các nguồn vật liệu sẵn có ở địa phương để hướng dẫn học sinh thực hiện. Thí nghiệm chứng minh sự có mặt của vi sinh vật trên tay của học sinh là một ví dụ khá thú vị. Các em được thực hành cả kiến thức sinh học lẫn thực tế để có những trải nghiệm riêng.
Cô Trần Thị Quỳnh Vân - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Định (trái) và cô Nguyễn Thị Minh Xuân - Hiệu trưởng Trường THCS Thịnh Liệt. |
Nghe chia sẻ về việc xây dựng bài giảng STEM từ giáo viên Trường THCS Thịnh Liệt, thầy Đặng Văn Ngoan - Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Công đánh giá, đây đều là những kinh nghiệm rất quý báu và sát thực tế rất đáng để lan tỏa tới các nhà trường trên địa bàn Thủ đô. Mỗi địa phương sẽ có những đặc thù khác nhau và có điều chỉnh phù hợp để xây dựng bài giảng hay, hấp dẫn.
Cô Trần Thị Quỳnh Vân - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Định cho biết, thông qua Vòng chung khảo Ngày hội STEM được Trường THCS Thịnh Liệt tổ chức cho thấy, các em học sinh đã thể hiện trí tưởng tượng, tư duy logic và có nhiều ý tưởng sáng tạo trong các sản phẩm của mình. Mỗi dự án đều chứa đựng tâm huyết, sự say mê tìm tòi của học sinh mang nhiều bài học thiết thực.
Đại diện các nhà trường THCS Sơn Công, THCS Hòa Nam (huyện Ứng Hòa) tặng quà lưu niệm Trường THCS Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. |
"Chúng tôi rất vui khi được chia sẻ kinh nghiệm với các trường bạn. Sự sáng tạo của mỗi thầy cô là không giới hạn, mục tiêu nhằm đem đến cho học sinh những bài học thú vị, bổ ích. Để triển khai tốt Chương trình GDPT 2018, nhà trường cam kết cùng với các trường kết nghĩa sẽ tích cực học tập, trao đổi kinh nghiệm để lan tỏa những cách làm hay, sáng tạo", cô Nguyễn Thị Minh Xuân - Hiệu trưởng Trường THCS Thịnh Liệt trao đổi.