Trường địa phương tại Hàn Quốc khó tuyển sinh

GD&TĐ - Nhiều trường đại học ngoài Seoul, Hàn Quốc, đã tăng học phí để nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút sinh viên.

Dự kiến sinh viên Ấn Độ chi 70 tỷ USD cho du học vào năm 2025.
Dự kiến sinh viên Ấn Độ chi 70 tỷ USD cho du học vào năm 2025.

Tuy nhiên, thống kê cho thấy, người trẻ Hàn Quốc vẫn thích học và sống tại thủ đô.

Đầu tháng 11, Viện Nghiên cứu Giáo dục Đại học Hàn Quốc đã phối hợp cùng đại diện Ủy ban Giáo dục của Quốc hội Hàn Quốc công bố nghiên cứu cho thấy xu hướng sinh viên Hàn Quốc thích học đại học và sống tại Seoul. Trong đó, ngày càng đông sinh viên học trường tư, vốn đắt đỏ so với mức thu nhập của nhiều gia đình Hàn Quốc.

Cụ thể, tính đến năm 2023, sinh viên tại các trường tư thục tại Seoul phải trả trung bình 97,4 triệu won bao gồm học phí, nhà ở, chi phí sinh hoạt trong 4 năm. Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, thu nhập trung bình hàng tháng của một hộ gia đình trong quý II năm 2023 là 4,79 triệu won. Điều này khiến bằng cấp ở Seoul trở thành “mặt hàng” đắt đỏ đối với hầu hết người dân Hàn Quốc.

Nghiên cứu trên được thực hiện sau khi một số trường đại học Hàn Quốc dỡ bỏ chính sách đóng băng học phí đã duy trì trong 15 năm. Đại học Dong-A, thành phố Busan, là trường đầu tiên tăng học phí lên gần 4% và nhiều trường đại học khác thực hiện theo.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Hội đồng Giáo dục Đại học Hàn Quốc (KCUE) với hiệu trưởng các trường đại học hệ 4 năm, gần 40% trong số 114 trường được hỏi dự kiến tăng học phí vào năm tới.

Việc tăng học phí giúp các trường đại học nâng cao khả năng tài chính. Với các trường đại học địa phương, điều này còn góp phần cải thiện chất lượng đào tạo, từ đó thu hút tuyển sinh.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng học phí sẽ làm giảm sức hấp dẫn của các trường đại học địa phương trong mắt sinh viên. Bởi lẽ, việc các trường địa phương tăng học phí sẽ gây áp lực lên tài chính cho sinh viên. Với mức học phí đó, các em có thể cân nhắc học tại Seoul, vốn được đánh giá có chất lượng đào tạo tốt hơn.

Còn GS John Lie, Đại học California tại Berkeley, Mỹ, đánh giá, việc các tổ chức giáo dục ưu tú tập trung tại thủ đô làm sai lệch nhận thức của người dân về giáo dục nơi đây. Họ dường như cho rằng bất kỳ trường đại học nào ở Seoul cũng tốt hơn so với một trường nằm ngoài thủ đô.

Riêng Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), được ví như MIT của Hàn Quốc, nằm bên ngoài thủ đô, là trường hợp ngoại lệ. Nhưng với việc hầu hết các trường đại học lớn khác như Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei, đều nằm ở Seoul thì nhận định của GS Lie là phù hợp.

Vì sinh viên có xu hướng “đổ xô” lên Seoul nên các tổ chức giáo dục địa phương ngày càng khó tuyển sinh. Nhiều trường thậm chí phải đóng cửa do khủng hoảng nhân khẩu học. Do đó, làm sao để thu hút tuyển sinh cho các trường đại học ngoài Seoul vẫn là bài toán khó đối với ngành Giáo dục Hàn Quốc.

Ông Kyuseok Kim, chuyên gia giáo dục tại Đại học bang New York tại Hàn Quốc, phân tích: “Bằng cấp của các trường đại học Seoul được coi là có giá trị hơn so với bằng cấp của các trường đại học khác, bất kể chuyên ngành nào. Ngoài ra, khi kinh tế và công nghiệp ở Seoul phát triển mạnh mẽ, nhiều người tin rằng việc học tập tại đây giúp cập nhật tin tức, xu hướng và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp”.

Theo THE

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ