Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, khung năng lực nghề nghiệp giảng viên sư phạm và vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của các trường sư phạm |
Không cấp phép đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho trường không đủ điều kiện
Trong kết luận này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm là việc cần thiết nhằm sắp xếp lại và tạo ra một hệ thống trường sư phạm có chất lượng với vai trò đầu tầu của một số trường có tính chất trọng điểm quốc gia, các trường còn lại sẽ đóng vai trò như là vệ tinh hoặc phân hiệu của các trường trọng điểm.
Các trường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông theo quy hoạch chung; không cấp phép đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho các trường không đủ điều kiện; khuyến khích một số trường thực hiện cơ chế tự chủ một phần.
Bộ trưởng giao Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên hoàn thiện bộ công cụ TEIDI, Chương trình ETEP hỗ trợ để làm công cụ cho các trường tự đánh giá năng lực đào tạo, bồi dưỡng trình Bộ trưởng trước ngày 20/1/2017, chuyển Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dụctrình Bộ trưởng ban hành trong quý I năm 2017.
Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường sư phạm xây dựng đề án quy hoạch mạng lưới trường sư phạm, báo cáo Bộ trưởng khung đề án trước ngày 25/12/2016; hoàn thiện, chuyển Vụ Giáo dụcĐại học trình Bộ trưởng phê duyệt, ký trình Thủ tướng Chính phủtrước ngày 30/4/2017.
Với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng giao tổ chức điều tra dự báo nhu cầu người học từ cấp học mầm non đến trung học phổ thông trong 10 năm tới, từ đó có kế hoạch điều tiết quy mô tuyển sinh cho phù hợp, trình Bộ trưởng trước ngày 31/12/2016.
Các trường đại học sư phạm và Học viện Quản lý giáo dục tự rà soát chỉ tiêu tuyển sinh, số sinh viên tốt nghiệp, số sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm, số giáo viên dư dôi trong 5 năm gần đây; nghiên cứu đề xuất phương án giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngay từ năm 2017; đồng thời đề xuất phương án nâng cao chất lượng đầu vào tuyển sinh theo phương thức ưu tiên tuyển thẳng các học sinh phổ thông giỏi, học sinh các trường chuyên. Giao Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổng hợp chung, trình Bộ trưởng trước ngày 20/01/2017.
Vụ Giáo dục Đại học chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chínhbáo cáo Bộ trưởng phương án tuyển sinh năm 2017 cho các trường sư phạm trước ngày15/02/2017.
Thời gian đào tạo không nhất thiết phải kéo dài
Tại thông báo kết luận, Bộ trưởng cũng yêu cầu các trường đại học sư phạm nhanh chóng tiếp cận các chuẩn/tiêu chuẩn về giảng viên sư phạm, giáo viên và hiệu trưởng phổ thông, Khung trình độ quốc gia, nội dung chương trình sách giáo khoa mới để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng có chất lượng.
Chương trình đào tạo sư phạm cũng gắn với đổi mới giáo dục đại học, thời gian đào tạo khoảng từ 3 đến 4 năm (không nhất thiết phải kéo dài). Bên cạnh đó, nghiên cứu đưa ra chương trình đào tạo bổ sung để tiến hành đào tạo lại, bồi dưỡng thêm số tín chỉ cho các đối tượng sinh viên ra trường chưa có việc làm hoặc số giáo viên dư dôi ở các địa phương, góp phần khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên phổ thông mang tính cục bộ hiện nay.
Bộ trưởng giao Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chủ trì trình phương án đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, giảng viên sư phạm; Học viện Quản lý giáo dục chủ trì trình phương án đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục theo lộ trình của Chương trình ETEP.
Trong quý I năm 2017, các trường đại học sư phạm và Học viện Quản lý giáo dục chủ động lựa chọn giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán, giảng viên sư phạm cốt cán phù hợp tham gia Chương trình ETEP và Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông; phối hợp đánh giá giảng viên sư phạm, giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông theo chuẩn; nhanh chóng rà soát, đổi mới các chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiện hành; chuẩn bị các điều kiện để bồi dưỡng giáo viên phổ thôngvà cán bộ quản lý giáo dục phổ thông theo hình thức cuốn chiếu, đồng bộ với lộ trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa.
Hoàn thiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông thống nhất trong toàn quốc
Bộ trưởng thống nhất với phương án hoàn thiện Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất 3 chuẩn và 12 tiêu chí.
Trên cơ sở đề xuất này, Dự án Phát triển giáo dục trung học phổ thông giai đoạn 2 (Dự án THPT 2) và các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông thống nhất trong toàn quốc, kèm theo các hướng dẫn chi tiết cho từng cấp học và từng vùng, miền khác nhau, trình Bộ trưởng trước ngày 10/01/2017.
Dự án THPT 2 chuyển giao sản phẩm nghiên cứu về chuẩn hiệu trưởng phổ thông cho Học viện Quản lý giáo dục để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trình Bộ trưởng trước ngày 20/1/2017, chuyển Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục trình Bộ trưởng ban hành cùng chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông trong quý I năm 2017.
Về giao nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên tiếp tục hoàn thiện chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm, Chương trình ETEP hỗ trợ,trình Bộ trưởng trước ngày 20/1/2017, chuyển Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục trình Bộ trưởng ban hành trong quý I năm 2017.
Các tiêu chuẩn và tiêu chí cần phải nhóm lại cho gọn và đảm bảo nguyên tắc đồng tâm, đồng trục với các tiêu chuẩn, tiêu chí của chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông. Ngoài ra, có thể thêm các năng lực đặc thù khác phù hợp với đặc trưng lao động nghề nghiệp của giảng viên sư phạm. Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm cần có “độ mở”, không nhất thiết phải có sự thống nhất tuyệt đối làm mất đi bản sắc riêng của từng trường.
Về tiêu chí, quy trình lựa chọn giáo viên phổ thông cốt cán thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ bồi dưỡng thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp cho các giáo viên khác ngay tại trường theo nguyên tắc lựa chọn những giáo viên đạt mức cao nhất theo chuẩn nghề nghiệp và có năng lực tham gia đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Các tiêu chí áp dụng để lựa chọn giáo viên phổ thông cốt cán phải phù hợp với đặc trưng vùng, miền.
Bộ trưởng giao nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Giáo dục- Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục hoàn thiện tiêu chí, quy trình lựa chọn giáo viên phổ thông cốt cán trên cơ sở chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông; Học viện Quản lý giáo dục tiếp tục hoàn thiện tiêu chí, quy trình lựa chọn cán bộ quản lý cở giáo dục phổ thông cốt cán trên cơ sở chuẩn hiệu trưởng phổ thông.
Ban quản lý Chương trình ETEP và Ban quản lý Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, các cơ quan liên quan phối hợp hoàn thiện trình Bộ trưởng trước ngày 20/01/2017, chuyển Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục trình Bộ trưởng ban hành trong quý I năm 2017.
Việc xây dựng tiêu chí lựa chọn các giảng viên sư phạm tham gia hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, Bộ trưởn lưu ý cần đồng trục, đồng tâm tương tự như lựa chọn giáo viên phổ thông cốt cán nhưng phải lựa chọn những người phù hợp nhất, có khả năng kết nối sư phạm với phổ thông và tham gia sâu vào đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Giao nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chương trình ETEP hỗ trợ, hoàn thiện trình Bộ trưởng trước ngày 20/01/2017, chuyển Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục trình Bộ trưởng ban hành trong quý I năm 2017.