Thu phí không công bằng
Trước đó, tháng 4/2019, Báo GD&TĐ đăng tải phản ánh của học viên lớp Đại học bác sĩ liên thông 2, ĐH Y khoa Vinh (Nghệ An) phải nộp phí đào tạo trong khi các lớp khác không phải nộp. Những học viên này đều là cán bộ thuộc Sở Y tế Nghệ An công tác ở các huyện nghèo 30A và những trạm y tế khó khăn được cử đi học để về giúp đỡ địa phương. Sự khác nhau trong thu phí đào tạo của nhà trường khiến các học viên đặt câu hỏi có công bằng hay không.
TS.BS Phan Quốc Hội - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Y khoa Vinh – thời điểm trên cho biết: Trường ĐH Y khoa Vinh được UBND tỉnh Nghệ An giao cho 120 chỉ tiêu ĐH liên thông Y đa khoa mỗi năm dành cho cán bộ tuyến cơ sở. Hiện trường có 3 lớp liên thông đại học chuyên ngành Y đa khoa. Cụ thể: Lớp liên thông 1 có 35 người, nhập học năm học 2016 – 2017; Lớp liên thông 2 có 65 người, nhập học năm học 2017 – 2018; Lớp liên thông 3 có 113 người (trong đó có 4 học viên người Lào), nhập học đầu năm học 2018 - 2019.
Theo quy định, mức kinh phí đào tạo mỗi học viên hệ liên thông đại học ngành Y đa khoa phải đóng là 14,5 triệu đồng/người. Hàng năm, Trường ĐH Y khoa Vinh cũng làm tờ trình trình UBND tỉnh Nghệ An đề xuất cấp ngân sách đào tạo cho các học viên này. Năm học 2016 - 2017, UBND tỉnh Nghệ An đồng ý cấp kinh phí đào tạo cho 60 người nhưng chỉ có 35 người trúng tuyển. Vì vậy, toàn bộ số học viên lớp liên thông 1 được miễn phí đào tạo. Trong 2 năm học 2017 - 2018, 2018 - 2019, UBND tỉnh chỉ đồng ý cấp kinh phí đào tạo cho 40 người. Do sĩ số mỗi lớp lớn hơn 40 nên sẽ có nhiều em không được miễn phí đào tạo mà phải đóng tiền.
Đến tháng 4/2019, do chưa có căn cứ để xét ai đủ điều kiện được miễn, Trường ĐH Y khoa Vinh đã “tạm thu” phí đào tạo đối với tất cả học viên lớp Bác sĩ liên thông 2 và 3, dẫn tới thắc mắc của nhiều học viên.
Công văn trả lời vấn đề báo nêu gửi UBND tỉnh Nghệ An |
Công văn trả lời chưa đủ
Sau khi thông tin trên được đăng tải, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Trường ĐH Y khoa Vinh kiểm tra, báo cáo cụ thể. Trong báo cáo gửi UBND tỉnh mới đây, lãnh đạo ĐH Y khoa Vinh thông tin: Năm học 2017 - 2018, trường được giao 120 chỉ tiêu y khoa liên thông chính quy, trong đó có 40 chỉ tiêu đề nghị cấp ngân sách đào tạo, 80 chỉ tiêu tự túc kinh phí.
Năm 2018, nhà trường tuyển sinh được 113/120 chỉ tiêu. Để kịp thời khai giảng và tổ chức đào tạo, nhà trường gọi học viên nhập học và tạm thu kinh phí đào tạo của tất cả người học. Ngay sau khi số sinh viên này nhập học, trường đã thu thập thông tin để xác định đối tượng được cấp kinh phí đào tạo nhằm đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan.
Các quy định của UBND tỉnh là rõ ràng, cụ thể nhưng quy trình xét đòi hỏi phải có hồ sơ, minh chứng đầy đủ, tránh bỏ sót đối tượng. Vì vậy, thời gian kéo dài, làm phát sinh một số thắc mắc trong một số sinh viên như Báo GD&TĐ đã phản ánh.
“Ngay sau khi nhận được phản ánh của báo chí, nhà trường đã chủ động tổ chức họp các bộ phận liên quan, khẩn trương hoàn chỉnh quy trình thủ tục. Công bố tiêu chí xét các đối tượng được cấp ngân sách đào tạo, tổ chức bình xét và đối thoại với sinh viên, công bố công khai và giải đáp tất cả các câu hỏi liên quan. Các sinh viên được cấp kinh phí đào tạo đã được nhận lại số tiền nạp tạm ứng trước đó”, công văn của Trường ĐH Y khoa Vinh nêu.
Tuy nhiên, Công văn cho thấy, Trường ĐH Y khoa Vinh chỉ giải quyết cho 113 học viên lớp Bác sĩ liên thông 3, không đề cập đến 65 học viên lớp Bác sĩ liên thông 2.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, một học viên của lớp Bác sĩ liên thông 2 cho biết, đã nộp tạm ứng cho Trường Y khoa Vinh hơn 5 triệu đồng ngay sau khi nhập học.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy trường thông tin gì về các trường hợp được cấp phí đào tạo, nên vẫn chưa được trả khoản tạm thu. Lớp bác sĩ liên thông có thời gian học là 6 năm. Học viên này cũng cho biết công tác ở vùng khó khăn, thi đỗ và được cử đi học đã rất vui mừng rồi.
Bản thân được cơ quan hỗ trợ chi phí học hành, ăn ở nên đỡ gánh nặng kinh tế, nhưng có những học viên khác phải tự bỏ tiền ra đi học, thêm khoản phí đào tạo sẽ thêm khó khăn. Vì vậy, mong nhà trường sớm giải quyết, lựa chọn đối tượng được cấp phí đào tạo để học viên yên tâm học tập.