Thu phí không công bằng?
Theo trình bày của một số học viên hệ liên thông Y đa khoa, hiện tại Trường ĐH Y khoa Vinh có 3 lớp liên thông hệ đại học. Tuy nhiên, sinh viên lớp liên thông 1 và liên thông 3 không phải đóng kinh phí đào tạo. Trong khi đó, 25 sinh viên lớp liên thông 2 lại phải đóng khoản tiền này.
“Chúng tôi đều là cán bộ y tế công tác ở các huyện nghèo 30A và những trạm y tế khó khăn đi học theo diện cán bộ thuộc Sở Y tế Nghệ An cử đi học. Vậy mà nhà trường thu kinh phí đào tạo của 25 người thuộc lớp liên thông 2, trong khi 2 lớp còn lại không thu. Thử hỏi, cùng là cán bộ được cử đi học mà lớp thu, lớp không như vậy có công bằng không”, thư học viên gửi Báo GD&TĐ viết. Cũng theo thư trình bày, các học viên đã đem thắc mắc này hỏi lãnh đạo nhà trường thì được giải thích là thu theo quyết định của UBND tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, khi xin được xem quyết định này thì nhà trường lại không cho xem.
Để làm rõ nội dung phản ánh, chúng tôi đã có buổi làm việc với TS.BS Phan Quốc Hội - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Y khoa Vinh. Vị trưởng phòng cho biết: Trường ĐH Y khoa Vinh được UBND tỉnh Nghệ An giao cho 120 chỉ tiêu ĐH liên thông Y đa khoa mỗi năm dành cho cán bộ tuyến cơ sở. Hiện trường đã tuyển sinh được 3 khóa gồm: Lớp liên thông 1 tuyển sinh được 35 người, nhập học năm học 2016 - 2017. Lớp liên thông 2 có 65 người, nhập học năm học 2017 - 2018. Lớp liên thông 3 có 113 người (trong đó có 4 học viên người Lào), nhập học đầu năm học 2018 - 2019.
Theo quy định, mức kinh phí đào tạo mỗi học viên hệ liên thông đại học ngành Y đa khoa phải đóng là 14,5 triệu đồng/người. Hàng năm, Trường ĐH Y khoa Vinh cũng làm tờ trình trình UBND tỉnh Nghệ An đề xuất cấp ngân sách đào tạo cho các học viên này. “Năm học 2016 - 2017, UBND tỉnh đồng ý cấp kinh phí đào tạo cho 60 sinh viên nhưng nhà trường chỉ tuyển được 35 em nên toàn bộ số học viên lớp liên thông 1 này được miễn kinh phí đào tạo. Trong 2 năm học 2017 - 2018, 2018 - 2019, UBND tỉnh chỉ đồng ý cấp kinh phí đào tạo cho 40 người. Do sĩ số mỗi lớp lớn hơn 40 nên sẽ có nhiều em không được miễn kinh phí đào tạo mà sẽ phải đóng tiền”, ông Hội cho hay.
Trường nhận trách nhiệm chậm trễ
Theo TS.BS Phan Quốc Hội, các học viên ý kiến về việc không công bằng trong nộp phí đào tạo là thuộc khóa 2 bác sĩ liên thông. Tỉnh chỉ hỗ trợ cho 40 người trong tổng số 65 sinh viên nên sẽ có 25 người phải nộp phí đào tạo. Vấn đề này trường đã có giải thích cho các học viên. Tuy nhiên, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Y khoa Vinh cũng cho rằng, để xảy ra phản ánh của các học viên về việc nhà trường thu kinh phí đào tạo không công bằng một phần lỗi là do nhà trường đã chậm trễ trong việc xác định 40 người được miễn kinh phí đào tạo là những ai.
Đối tượng học viên của lớp bác sĩ liên thông đều là “tuyển sinh học viên từ các cơ sở y tế công lập”. Điều này khiến nhà trường rất khó để xác định các tiêu chí xem ai sẽ được ưu tiên miễn nộp phí đào tạo, vì đối tượng nào cũng đến từ các xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn. Vì vậy, nhà trường đã “tạm thu” kinh phí đào tạo đối với tất cả sinh viên hai lớp liên thông 2 và liên thông 3.
TS.BS Phan Quốc Hội khẳng định, các phòng chuyên môn sẽ nhanh chóng xây dựng bộ tiêu chí quy định thứ tự ưu tiên, công bố rõ ràng, bảo đảm quyền lợi cho người học. Từ đó làm căn cứ để xét học viên đủ điều kiện được miễn kinh phí đào tạo. Khi xác định được đủ 40 chỉ tiêu được miễn kinh phí đào tạo, nhà trường sẽ trả lại số tiền tạm thu. Những người còn lại sẽ phải đóng tiền theo quy định. “Khi đưa ra giải pháp này, có nhiều sinh viên đề xuất ý kiến là chia đều kinh phí đào tạo tất cả học viên, nhưng như thế là trái quy định của UBND tỉnh nên trường không đồng ý”, TS.BS Phan Quốc Hội cho biết.