Trường ĐH Luật - ĐH Huế: Đa dạng phương thức tuyển sinh năm 2021

GD&TĐ - Theo công bố của Trường Đại học Luật, sẽ có nhiều phương thức xét tuyển được áp dụng cho năm học mới. Với mỗi phương thức trường sẽ thực hiện và chia thành nhiều đợt nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các thí sinh.

 Trường Đại học Luật - Đại học Huế sử dụng nhiều phương thức xét tuyển.
Trường Đại học Luật - Đại học Huế sử dụng nhiều phương thức xét tuyển.
Thực hiện tự chủ, trong mùa tuyển sinh đại học năm 2021, Trường Đại học Luật -  Đại học Huế sử dụng nhiều phương thức xét tuyển và chia làm nhiều đợt trong năm. Theo đó, cơ hội đỗ đại học sẽ rất rộng mở hơn với thí sinh.
Đa dạng phương thức, nhiều đợt xét tuyển
Theo công bố Trường Đại học Luật - Đại học Huế, sẽ có nhiều phương thức xét tuyển được sử dụng dành cho nhiều đối tượng học sinh khác nhau như xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ, các chứng chỉ quốc tế, các giải thưởng, qua phỏng vấn... hoặc dựa trên điểm các kỳ thi riêng do chính các trường tổ chức.
Ngày 14/6, thông tin từ Trường Đại học Luật - Đại học Huế cho biết, đơn vị này đã công bố chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2021 với phạm vi tuyển sinh trên cả nước.
Cụ thể, năm 2021 Trường Đại học Luật - Đại học Huế (mã trường: DHA) tuyển 900 chỉ tiêu hệ đại học chính quy gồm: 500 chỉ tiêu cho ngành Luật và 400 chỉ tiêu cho ngành Luật Kinh tế với đa dạng nhiều phương thức xét tuyển.
Theo Trường Đại học Luật, năm nay 4 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT; xét tuyển dựa vào kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế hiện hành và xét tuyển thẳng theo phương thức riêng của Trường Đại học Luật -  Đại học Huế. Đồng thời, trường bổ sung thêm các tổ hợp môn xét tuyển mới là D66 (Ngữ văn, GDCD, Tiếng Anh) cho ngành Luật và C20 (Ngữ văn, Địa lý, GDCD) cho ngành Luật Kinh tế.
Sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Luật - ĐH Huế.
Sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Luật - ĐH Huế.
Đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc THPT: Đã tốt nghiệp THPT, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 18 điểm áp dụng đối với tất cả tổ hợp đăng kí xét tuyển (không tính điểm ưu tiên).
Bên cạnh đó, đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Trường Đại học Luật - Đại học Huế sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và công bố trên trang thông tin điện tử của Nhà trường và của Đại học Huế trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.
Ngoài ra, các thí sinh đã tốt nghiệp THPT và là thành viên chính thức đội tuyển dự kỳ thi Olympic quốc tế; thành viên chính thức đội tuyển quốc gia dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế; thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Pháp và thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia được tuyển thẳng vào Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
Theo Trường Đại học Luật - Đại học Huế, nhà trường xét tuyển thẳng thí sinh thuộc các trường THPT chuyên đạt danh hiệu học sinh giỏi năm học lớp 12; thí sinh thuộc các trường THPT đạt danh hiệu học sinh giỏi năm học lớp 11 và năm học lớp 12; thí sinh có học lực loại khá trong cả 3 năm học THPT trở lên và thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương các năm 2019, 2020, 2021 ở các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Pháp.
Ngoài ra, các thí sinh có học lực khá trong cả 3 năm học THPT trở lên, có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng sẽ được tuyển thẳng nếu đáp ứng đủ điều kiện: IELTS đạt điểm từ 5,0 trở lên, TOEFL iBT đạt từ 64 điểm trở lên hoặc TOEIC đạt từ 600 điểm trở lên đối với tiếng Anh; là học sinh lớp 12 chuyên Pháp của các trường THPT chuyên hoặc là học sinh lớp song ngữ có học tiếng Pháp của các trường THPT và điểm trung bình tiếng Pháp năm lớp 12 từ 7,5 điểm trở lên đối với tiếng Pháp. Trong đó, phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn giữ vai trò chủ đạo với phần lớn số chỉ tiêu xét tuyển.
Tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Nhằm khuyến khích sinh viên có thành tích học tập cao và tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho các sinh viên trong quá trình học tập tại trường, Trường Đại học Luật - Đại học Huế đã đưa ra nhiều suất học bổng và nhiều chính sách để tạo điều kiện tốt nhất, giúp các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khi đang theo học tại trường.
Cụ thể, học bổng dành cho thí sinh có kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 nhập học. Thủ khoa của ngành nhận học bổng khuyến khích học tập: 30.000.000 đồng (xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021).
Á khoa của ngành nhận học bổng khuyến khích học tập: 20.000.000 đồng (xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021).
Trường hợp có số điểm ngang nhau thì xét học bổng căn cứ kết quả học tập trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh.
Ngoài ra, thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 từ 26 điểm trở lên (không tính điểm ưu tiên): cấp học bổng tương đương học phí của năm học thứ 3 và năm học thứ 4 trong khóa học (tương đương 30.000.000 đồng), tuyển chọn đi học nước ngoài theo các chương trình trao đổi sinh viên giữa trường Đại học Luật và các đại học khác trên thế giới, xét và cấp học bổng tài trợ của tổ chức, cá nhân tài trợ cho sinh viên.
Thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 từ 24 điểm trở lên (không tính điểm ưu tiên): cấp học bổng tương đương học phí của năm học thứ 3 trong khóa học (tương đương 15.000.000 đồng), xét và cấp học bổng tài trợ của tổ chức, cá nhân tài trợ cho sinh viên.
Bên cạnh đó còn có học bổng dành cho thí sinh xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của nhà trường bao gồm: Thí sinh là thành viên chính thức đội tuyển dự kỳ thi Olympic quốc tế; thành viên chính thức đội tuyển quốc gia dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế.
Thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Pháp và thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia;
Học bổng dành cho thí sinh tuyển thẳng thuộc diện ở mục 1 hoặc 2 nói trên là 20.000.000 đồng (năm học thứ nhất nhận 10.000.000 đồng, năm học thứ hai nhận 10.000.000 đồng).
Trường ĐH Luật - ĐH Huế: Đa dạng phương thức tuyển sinh năm 2021 ảnh 2
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo GD&TĐ, PGS.TS Đoàn Đức Lương, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng trường Đại học Luật - Đại học Huế cho biết, so với những năm trước, tình hình tuyển sinh năm nay của nhà trường cũng gặp một số khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, công tác tuyển sinh chủ yếu được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Theo ông Lương, hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên điều kiện kinh tế mặt bằng chung cả nước cũng thấp, ở đây là khu vực miền Trung nên đa số các con em đều nhà nghèo cho nên việc có tiền đóng học phí hay không là một vấn đề nan giải.
“Trước vấn đề trên, vừa rồi nhà trường đã có họp và xây dựng hệ thống để hỗ trợ cho các em. Đối với những đối tượng nghèo, khó khăn nhà trường tiến hành xây dựng hệ thống miễn tiền ký túc xá 10 tháng cho các em, đồng thời xây dựng phương án hỗ trợ các bạn có các phiếu tiền ăn, suất ăn trong thời gian 3 tháng và 6 tháng”, ông Lương nhấn mạnh.
Ông Lương cho biết thêm, còn về học phí theo quy định chung của Nhà nước, tuy nhiên, căn cứ vào điều kiện kinh tế của từng em và nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các em nhà trường cũng không bắt buộc các em phải đóng 1 lần mà các em có thể nộp theo hình thức chia ra nhiều lần. Riêng về phần học bổng, nhà trường cũng sẽ tạo điều kiện tối đa nhất cho các em nhằm khích lệ, động viên và hỗ trợ các em trong quá trình học tập tại trường
Cũng theo ông Lương, bên cạnh những khó khăn thì nhà trường cũng có các thuận lợi, hiện nay, nhà trường đã xây dựng và mở rộng cho các đối tượng được tuyển thẳng, so với năm ngoái năm nay số lượng tuyển thẳng được mở rộng hơn, đồng thời nhà trường cũng xây dựng hệ thống các học bổng cho các thí sinh được tuyển thẳng. Đến thời điểm hiện nay đã có 115 thí sinh đăng ký tuyển thẳng vào trường.
Được biết, Trường Đại học Luật - Đại học Huế một trong những cơ sở đào tạo đại học, sau đại học về lĩnh vực pháp luật, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về khoa học xã hội - nhân văn; tổ chức các dịch vụ pháp lý; cung cấp nguồn nhân lực, sản phẩm khoa học, dịch vụ pháp lý có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.