Trường ĐH - CĐ chuyển mình cùng kinh tế số

GD&TĐ - Nền kinh tế số ra đời thay thế nền kinh tế truyền thống sẽ đòi hỏi phải có sự thay đổi về cơ cấu lao động và nguồn nhân lực mới. Trường ĐH-CĐ là nơi thực hiện nhiệm vụ này.

Hiện đại hóa công nghệ trong các dây chuyền sản xuất được xem là chìa khóa cho việc phát triển nền kinh tế số thành công.
Hiện đại hóa công nghệ trong các dây chuyền sản xuất được xem là chìa khóa cho việc phát triển nền kinh tế số thành công.

Vai trò chủ chốt trong tương lai

Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ ban hành với 3 mục tiêu lớn là xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong lĩnh vực kinh tế, chuyển đổi số, về thực chất, là một cuộc cách mạng về phương thức sản xuất, từ truyền thống sang dựa trên các thành tựu công nghệ số.

Kinh tế số ngày một phát triển, đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) buộc phải thích nghi với các điều kiện mới, đặc biệt là khi khủng hoảng xảy ra. Nghiên cứu của IDC châu Á - Thái Bình Dương cho thấy: Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, số DN nhận thấy đổi mới là khó khăn đã giảm từ 68% xuống 36% ở nhóm DN tiên phong, và 74% xuống 54% ở các DN còn lại.

Theo TS Nguyễn Hải Hoàng - Trường ĐH Công Đoàn, muốn có kinh tế số phải có DN số. Điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế số là số hóa dữ liệu. Đây là việc mà các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ chiếm đại đa số (97%) trong tổng số DN ở nước ta không tự làm được. Vì thế, cần có sự hỗ trợ từ các DN công nghệ chuyên nghiệp. Không chỉ DN, nền kinh tế, xã hội mà ngay cả với các cơ sở giáo dục, việc thay đổi và tương thích với bối cảnh mới, với nền kinh tế số đang dần định hình, theo TS Hoàng là hết sức quan trọng.

Thực tế, việc chuyển đổi số và số hóa các phương tiện học tập (thư viện số, bài giảng số, dữ liệu số), phương thức giảng dạy đã được ĐHQG TPHCM và các trường như: ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Luật TPHCM tiến hành. Không chỉ số hóa thư viện, hàng loạt trường đại học chuyển dần phương thức học tập từ tập trung sang online, trực tuyến một phần với sinh viên, yêu cầu các giảng viên chuyển đổi tài liệu, bài giảng dưới dạng số hóa (E-learning) giúp người học dễ dàng học tập từ xa.

 “Cơ cấu đào tạo ngành nghề cũng cần được điều chỉnh và thay đổi trên cơ sở yêu cầu của nền kinh tế số, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT). Chương trình đào tạo nhân lực CNTT cần hướng đến đẩy nhanh xã hội hóa giáo dục CNTT, đặc biệt là cập nhật giáo trình đào tạo gắn với các xu thế công nghệ mới như Internet kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT), AI, công nghệ robot, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp cận lĩnh vực này từ sớm. Có như vậy mới tạo ra sự hòa nhập giữa cung - cầu nhân lực số của nền kinh tế, thị trường lao động cả về trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật, cơ cấu nhân lực và năng lực, phẩm chất” - TS Nguyễn Hải Hoàng chia sẻ. 

Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Công nghiệp số của Trường ĐH RMIT giúp sinh viên có thể tiếp cận các phần mềm tiên tiến
Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Công nghiệp số của Trường ĐH RMIT giúp sinh viên có thể tiếp cận các phần mềm tiên tiến 

Con người và công nghệ: “Hạt nhân” của quá trình chuyển đổi

Ông Nguyễn Văn Tú - Tổng Giám đốc Công ty Dữ liệu và Big Data IPL cho rằng: Kinh tế số phải có nhân lực số. Nhân lực số ở đây là tất cả mọi người có mặt trong DN, không phải các chuyên gia hay kỹ thuật viên chuyên về công nghệ. Điều này đồng nghĩa tùy vào vị trí làm việc để đào tạo, nắm được những kỹ năng số cần thiết chứ không phải để giải quyết các vướng mắc về công nghệ.

Đó là các kỹ năng đơn giản như gửi – nhận thư điện tử, tìm kiếm thông tin, thực hiện giao dịch số, khai báo số… cao hơn là kiểm tra các thông số thu thập từ các IoT, điều chỉnh quy trình sản xuất, cao hơn nữa thực hiện các phân tích, dự báo, phát hiện quy luật… Nói chính xác là đào tạo, huấn luyện kỹ năng số để làm việc trong môi trường số.

Nhìn nhận nền kinh tế số trong bối cảnh của Việt Nam, ông Phạm Thế Trường - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam nhận định: Trong các khía cạnh của văn hóa đổi mới, con người và công nghệ phải được các DN ưu tiên hàng đầu. Bởi theo ông Trường, cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19 vừa qua cho thấy tính liên tục của hoạt động kinh doanh và khả năng đáp ứng điều kiện tương lai phụ thuộc vào việc con người đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật số hay chưa.

Chia sẻ thêm, ông Phạm Thế Trường cho biết: Dựa vào kinh nghiệm và các nghiên cứu mà Microsoft Việt Nam tiến hành cho thấy để thành công trong trạng thái bình thường mới và thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số, phát triển kinh tế số một cách mạnh mẽ, Việt Nam không chỉ cần có một nền tảng kỹ thuật số vững chắc mà con người có các kỹ năng và công cụ để làm việc cùng nhau và thúc đẩy đổi mới, đột phá. Có được điều này, các cơ sở giáo dục ĐH-CĐ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình đổi mới nhân lực, sự tương thích của lực lượng lao động với nền kinh tế số.

Con người được coi là mạch máu của các doanh nghiệp đổi mới. Lãnh đạo doanh nghiệp đang nhận ra mối quan hệ không thể tách rời giữa đầu tư vào lực lượng lao động và sở hữu nền tảng công nghệ, chiến lược vững chắc. - Ông Phạm Thế Trường 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.