Tham dự buổi lễ còn có đông đảo cán bộ, cựu sinh viên từng công tác và học tập tại trường. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cùng dự.
Ôn lại chặng đường 60 năm qua, GS.TS Đinh Văn Sơn – Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, đối với một trường đại học ở các quốc gia phát triển trên thế giới không phải là dài, nhưng với một trường đại học ở Việt Nam thì khoảng thời gian đó là đủ dài và rất đáng tự hào.
Từ những bước đi ban đầu mở đường chuyển lên làm nhiệm vụ đào tạo đại học của Trường Thương nghiệp Trung ương (1960 – 1979), cho đến những năm tháng gắn liền với tên gọi Trường Đại học Thương nghiệp (1979 – 1994) với định hướng mới là đạo tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho ngành thương nghiệp và từ năm 1994 là Trường Đại học Thương mại.
Suốt chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Thương mại hiện nay đã trở thành một trường đại học đạt chuẩn quốc gia, tiến tới tầm khu vực; một trường đại học có uy tín cao đối với xã hội và cộng đồng quốc tế trong đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong khối ngành Kinh tế và quản trị kinh doanh với quy mô gần 700 cán bộ, giảng viên và hơn 20.000 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Hàng chục vạn sinh viên tốt nghiệp của Trường đã trở thành những cán bộ quản lý Nhà nước, quản trị doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương, đóng góp quan trọng cho qua trình xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước.
Tiếp nối những trang sử vẻ vang của một ngôi trường giàu truyền thống, trong giai đoạn 5 năm gần đây (2016 - 2020), đặc biệt từ khi được giao thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chất lượng đào tạo liên tục được nâng cao theo yêu cầu của thực tiễn xã hội và đáp ứng chuẩn đầu ra các ngành và chuyên ngành đào tạo.
Trường ĐHTM đã khẳng định được vị thế khoa học – công nghệ cả ở trong nước và trên trường quốc tế thông qua kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ các giảng viên, các nhà khoa học cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học.
GS.TS Đinh Văn Sơn đặc biệt nhấn mạnh 10 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó có những nhiệm vụ quan trọng: Tiếp tục đổi mới mô hình quản trị đại học, hoàn thiện chính sách và cơ chế tổ chức, quản lý Trường theo hướng chuyên nghiệp; Đa dạng hóa các ngành, chuyên ngành đào tạo theo hướng từng bước phủ đầy các ngành, chuyên ngành thuộc khối ngành kinh tế, quản lý và phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; Hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng GDĐH của Trường; Nâng cao năng lực nghiên cứu của đội ngũ giảng viên; Tập trung phát triển một số lĩnh vực nghiên cứu chiến lược, được công nhận ở tầm quốc gia; Gắn kết hoạt động NCKH với nâng cao chất lượng đào tạo...
Phát biểu chúc mừng nhà trường, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT ghi nhận những nỗ lực của tập thể Trường ĐH Thương mại luôn sát cánh bên nhau, vượt qua khó khăn, từng bước phát triển vững chắc, đưa Trường trở thành trường đại học có uy tín trong nước và quốc tế về đào tạo và NCKH trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và dịch vụ. Trường luôn là một tập thể tiêu biểu cho sự phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn để vươn lên đạt nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đi đầu trong đổi mới quản lý GDĐH, đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, NCKH, nâng cao chất lượng đào tạo, đóng góp cho sự nghiệp phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế của đất nước.
Để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, Thứ trưởng mong muốn trường thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Đẩy mạnh tự chủ đại học, tiếp tục đưa Luật số 34, Nghị định 99 của Chính phủ vào thực tế hoạt động của nhà trường; Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GD, coi đây là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng đào tạo; Phát triển các ngành đào tạo mới, xác định rõ những ngành đào tạo có thế mạnh để tập trung đầu tư; Tăng cường công tác đảm bảo chất lượng; Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tự đánh giá và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo quy định, từng bước tiếp cận tiêu chuẩn kiểm định chất lượng khu vực và quốc tế.