Trường đại học sống nhờ nhóm ngành ngoài sứ mệnh đào tạo: Lấy ngắn nuôi dài?

GD&TĐ - Thực trạng tuyển sinh lệch, xa rời mục tiêu và sứ mệnh trong đào tạo không mới trong vài năm trở lại đây ở một số trường.

Nhóm ngành đào tạo nhân lực (6 ngành) gắn với nhu cầu địa phương của Trường ĐH Đà Lạt chỉ có 43 thí sinh trúng tuyển.
Nhóm ngành đào tạo nhân lực (6 ngành) gắn với nhu cầu địa phương của Trường ĐH Đà Lạt chỉ có 43 thí sinh trúng tuyển.

Lý do các trường đưa ra là khó khăn trong tuyển sinh nhóm ngành truyền thống, nên mở thêm nhiều ngành có sức hút. Cách thức tuyển sinh “lấy ngắn nuôi dài”, lấy một ngành nuôi nhiều ngành đang đặt ra nhiều quan ngại.

Tuyển sinh và đào tạo xa rời sứ mệnh?

Ngay sau khi các trường ĐH, CĐ công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 kỳ tuyển sinh năm nay, ở không ít trường có sự chênh lệch rất lớn về chỉ tiêu giữa các nhóm ngành đào tạo. Đáng chú ý là, việc một số trường chỉ tiêu tuyển sinh tốt lại đến từ những ngành học không thuộc về thế mạnh và sứ mệnh đào tạo chính của mình.

Đơn cử, Trường ĐH Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) TPHCM với nhiệm vụ chính là đào tạo nhân lực ngành TN&MT cho khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung nhưng 2 năm gần đây ngành trường tuyển sinh mạnh nhất lại là Quản trị kinh doanh và Công nghệ thông tin (CNTT). Năm 2020, hai ngành này số thí sinh trúng tuyển lần lượt là 617 và 401. Năm 2021, số thí sinh trúng tuyển vào ngành Quản trị kinh doanh là 943, vào ngành CNTT là 445.

Trong khi đó, những ngành thuộc bản sắc của nhà trường như Công nghệ kỹ thuật môi trường, Quản lý tài nguyên khoáng sản, Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Kỹ thuật tài nguyên nước có rất ít thí sinh trúng tuyển, chỉ từ vài thí sinh đến dưới 40. Dù tổng chỉ tiêu của trường là hơn 1.800 trong năm 2021, trong đó phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT là 793 chỉ tiêu, nhưng quyết định công bố thí sinh trúng tuyển theo phương thức này lên tới 2.349 thí sinh.

Tương tự, tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, nhóm ngành đào tạo thuộc sứ mệnh của nhà trường ngày càng khó khăn trong tuyển sinh và không thể so sánh với những ngành thời thượng. Tổng chỉ tiêu của đơn vị trong năm 2021 là 1.150 chỉ tiêu nhưng nhóm ngành theo xu hướng như Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành và Truyền thông đa phương tiện, Quản trị kinh doanh, Luật - Luật kinh tế, CNTT chiếm đến 830 chỉ tiêu.

Trong khi đó, nhóm ngành đào tạo thuộc sứ mệnh của đơn vị như Xã hội học, Giới và phát triển, Công tác xã hội, Tâm lý học số chỉ tiêu là 240 nhưng trong danh sách công bố trúng tuyển đợt 1, phần lớn thí sinh tập trung ở nhóm ngành không phải thế mạnh của đơn vị, còn nhóm ngành trọng điểm thì chỉ tuyển được vài thí sinh.

Nhiều đại học địa phương đã và đang loay hoay với bài toán tuyển sinh để cân đối nguồn thu cũng diễn ra tình trạng tương tự. Tại Trường ĐH Đồng Nai, nếu tính theo số lượng thí sinh đã xác nhận nhập học, nhiều ngành có số lượng thí sinh trúng tuyển vượt nhiều so với chỉ tiêu.

Đơn cử, ngành Quản trị kinh doanh (chỉ tiêu 120) nhưng trường gọi trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT tới 943 thí sinh. Ngành CNTT có 55 chỉ tiêu nhưng trường cũng gọi trúng tuyển đến 445 thí sinh, ngành Quản lý đất đai có 125 chỉ tiêu nhưng trường tuyển đến 573 thí sinh.

Ở Trường ĐH Đà Lạt, ngành Ngôn ngữ Anh dù chỉ có 130 chỉ tiêu tuyển sinh nhưng trường công bố 342 thí sinh trúng tuyển. Ngành Đông phương học (125 chỉ tiêu) trường gọi tuyển 331 thí sinh. Đặc biệt, ngành Kế toán dù chỉ có 50 chỉ tiêu nhưng trường tuyển đến 548 thí sinh. Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (130 chỉ tiêu) trường ra quyết định gọi trúng tuyển 655 thí sinh.

Trong khi nhóm ngành đào tạo gắn với nhân lực địa phương như Khoa học môi trường (6 thí sinh), Công nghệ thực phẩm (5 thí sinh), Công nghệ sau thu hoạch (5 thí sinh), Nông học (16), Sinh học thông minh (3 thí sinh) chỉ có 43 thí sinh trúng tuyển…

Sứ mệnh là đào tạo nhân lực cho ngành này nhưng nhiều trường đã và đang tuyển sinh và sống nhờ các ngành khác.
Sứ mệnh là đào tạo nhân lực cho ngành này nhưng nhiều trường đã và đang tuyển sinh và sống nhờ các ngành khác.

Tỉ lệ ảo cao hay có lý do khác?

Nhìn nhận việc gọi số lượng lớn thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành Quản trị kinh doanh trong khi chỉ tiêu chỉ là 120, PGS.TS Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường ĐH TN&MT TPHCM - cho biết: Tỉ lệ ảo năm nay quá lớn nên sau 8 lần lọc ảo số thí sinh xác nhận nhập học và hoàn thành nhập học chỉ đạt 180/943 thí sinh được gọi.

Hiện tượng thí sinh ảo là điều không ai chối bỏ, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, tuy có ảo nhưng không đến nỗi ảo tới 100%, thậm chí tới 200 - 300%. Bởi thực tế những mùa tuyển sinh trước cho thấy tỉ lệ ảo chỉ ở mức kịch trần khoảng 70 - 80% (nghĩa là 100 em có thể chỉ có 20 em nhập học - PV).

“Chỉ tiêu chỉ có 100 - 150, gọi trúng tuyển gấp 7 - 8 lần mà bảo là trừ hao do ảo thì không ai có thể chấp nhận được. Đây chỉ có thể là cố tình tuyển nhiều để bù đắp cho những ngành gần, ngành không tuyển được thí sinh để đảm bảo mục tiêu bù đắp”, ông T.A.Q - một chuyên gia tuyển sinh nói.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo như giảng viên, cơ sở vật chất phòng học, thí nghiệm, thực hành, thư viện... Tuy vậy, trong thực tế tuyển sinh vài năm trở lại đây rất nhiều trường tuyển sinh vượt rất xa chỉ tiêu công bố dẫn đến nhiều quan ngại về chất lượng đào tạo.

Theo ông N.G.T - chuyên gia tuyển sinh một trường thuộc ĐHQG TPHCM, chuyện các trường tuyển sinh bằng hết nguồn tuyển, bất chấp chỉ tiêu quy định là thực tế có thật. Nhiều trường dù chỉ tiêu của 18 - 24 ngành học là 3.000 - 4.000 nhưng thực tế chỉ tuyển loanh quanh ở 5 - 7 ngành hot cũng có thể tuyển đủ số chỉ tiêu của mình.

“Việc tuyển sinh và đào tạo lệch vai ở nhiều trường là thực trạng tồn tại vài năm nay. Phương châm tuyển tốt 1 - 2 ngành, để nuôi và giữ 10 ngành là chuyện bình thường, nhất là với các trường ĐH ngoài công lập. Năm ngoái, khối ngành sức khỏe, y khoa thậm chí còn là ngành tuyển sinh chủ lực của không ít trường với con số trúng tuyển lên tới hàng trăm thí sinh mỗi ngành.

Việc các ngành đặc thù, ngành thuộc sứ mệnh đào tạo ở không ít trường tuyển không ra người học, buộc các đơn vị phải mở ngành mới, chuyển định hướng phát triển nhà trường theo hướng đa ngành, không gì khác là để bảo đảm việc duy trì đơn vị”, ông T chia sẻ.

Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, một trong các lỗi vi phạm mà người đứng đầu hội đồng tuyển sinh các trường và những người liên quan sẽ bị xử lý kỷ luật là xác định sai chỉ tiêu tuyển sinh so với quy định và tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Được biết, sau ngày 31/12, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở đào tạo tuyển sinh vượt quá số lượng đã xác định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ