Kỹ thuật phần mềm: Ngành đang có sức hút lớn

GD&TĐ -Câu chuyện về chàng trai trẻ Nguyễn Hà Đông lập trình Game Flappy Bird làm “điên đảo” thế giới đã trở thành nguồn cảm hứng của rất nhiều bạn trẻ đam mê công nghệ thông tin – đặc biệt là những người quan tâm đến ngành Kỹ thuật phần mềm.

Sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm Trường ĐH Hoa Sen
Sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm Trường ĐH Hoa Sen

Vậy để trở thành một kỹ sư phần mềm, sinh viên sẽ trải qua chương trình đào tạo thế nào? 

Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật phần mềm?

Tuy là ngành học chỉ thật sự bùng nổ khoảng 4 năm trở lại đây, nhưng Kỹ thuật phần mềm đã và đang là ngành thu hút sự quan tâm đặc biệt của các bạn trẻ. Đặc biệt là những bạn trẻ có óc sáng tạo và đam mê CNTT.

Thực tế, không ít tấm gương khởi nghiệp với ngành kỹ thuật phần mềm đã thành công như Nguyễn Hà Đông trong thời gian qua có thể nhắc đến như: Nguyễn Hoàng Trung- Giám đốc điều hành ứng dụng LOZI - một start up Việt có thể gọi vốn “khủng” lên đến 1 triệu USD hay Lê Yên Thanh – sinh viên đến từ Khoa Công nghệ thông tin - Trường ĐH KHTN ĐHQG TPHCM được mệnh danh là chàng trai vàng của Tin học Việt khi bỏ lương 6.000 USD/tháng của Google về lập startup riêng cho mình.

Hiện chương trình đào tạo kỹ sư  ngành Kỹ thuật phần mềm tại các trường được xây dựng nhằm mục tiêu, cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về tổ chức và quản lý công nghệ phần mềm để sinh viên có khả năng xây dựng mô hình và áp dụng các nguyên tắc của công nghệ phần mềm vào thực tế, đáp ứng được các yêu cầu về nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của xã hội.

Theo TS Vũ Tường Thụy- Trưởng khoa Khoa học & Kỹ thuật, Trường ĐH Hoa Sen hiện làn sóng Tech Startups (các công ty công nghệ khởi nghiệp), khoa học dữ liệu (data science), dữ liệu lớn (big data), agri-tech (công nghê nông nghiệp) ..đang ngày một lên cao ở Việt Nam. Do đó cơ hội và tiềm năng cho ngành này đang rất lớn và dự báo phát triển mạnh.

“Khác với những lĩnh vực khác, các bạn ngành kỹ thuật, đặc biệt là ngành lập trình có rất nhiều cơ hội di chuyển và phát triển nghề nghiệp. Thậm chí, các bạn cũng có thể tạo ra cơ hội cho chính mình bằng cách tự khởi nghiệp, tự phát triển các sản phẩm ứng dụng và kêu gọi nguồn vốn đầu tư.  Tuy nhiên, khi theo đuổi nghề này đòi hỏi người học cần có khả năng phân tích, suy luận, tư duy logic tốt, yêu thích khoa học, thích các trò chơi trí tuệ,… và không ngừng khổ luyện, đổi mới liên tục. ”- TS Thụy cho biết.

Hiện có khá nhiều trường đào tạo ngành Kỹ sư phần mềm với nhiều bộ chương trình giảng dạy đa dạng được lĩnh hội từ các nước có nền công nghệ tiên tiến như Mỹ, Ấn Độ, Đức, Nhật Bản, Singapore… Trong đó có thể kể ra các chương trình ưu việt được thiết kế theo chuẩn của Hiệp hội Máy tính (Association for Computing Machinery-ACM) của Trường ĐH FPT, chuẩn đào tạo kỹ sư phần mềm của Accreditation Board for Engineering and Technology (ABET – Mỹ) của ĐH Hoa Sen.

Kỹ thuật phần mềm ngành đang có nhu cầu nhân lực rất lớn
 Kỹ thuật phần mềm ngành đang có nhu cầu nhân lực rất lớn

Chương trình đào tạo của Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (VINASA) hay chương trình Đào tạo của EC-Council, Học viện Mạng và Phần cứng Jetking (Ấn Độ) tại trường ĐH CNTT hoặc chương trình đào tạo độc quyền ngành Kỹ thuật phần mềm của Carnegie Mellon University (CMU) đang áp dụng tại Trường ĐH Văn Lang

Nói về nội dung chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật phần mềm tại trường, Th.s Bùi Minh Phụng- Khoa CNTT Trường ĐH Văn Lang cho biết: Chương trình giảng dạy trong 4 năm về cơ bản sẽ giúp sinh viên phát triển các kỹ năng chuyên môn như lập trình, phân tích, thiết kế, đảm bảo chất lượng và quản lý dự án phần mềm cũng như kỹ năng mềm: ngoại ngữ, làm việc nhóm, ...cần thiết để tham gia các dự án tạo ra các giải pháp phần mềm cho các vấn đề thực tiễn trong môi trường doanh nghiệp chuyên nghiệp hay khởi nghiệp.

Cụ thể, sinh viên sẽ được đào tạo những kiến thức về nền tảng Khoa học, Toán, Vật Lý và Điện- Điện tử. Kiến thức nền tảng về lập trình, tổng quan về lĩnh vực CNTT…Trên các kiến thức nền tảng ấy, các em sẽ được đào tạo khối kiến thức chuyên sâu như: khối kiến thức cấu trúc dữ liệu và giải thuật, cơ sở dữ liệu, mạng máy tính, ước lượng chi phí xây dựng phần mềm, lập trình mạng, quản trị,  kiểm soát và bảo trì mạng….

Vẫn còn khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn

Nhu cầu nhân lực tăng nhanh, đó không chỉ là triển vọng cho các kỹ sư phần mềm khi bước chân vào thị trường lao động, mà còn giúp họ nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong các Doanh nghiệp, công ty.

Điểm thuận lợi lớn nhất của ngành này chính là ở thị trường ứng dụng nền tảng CNTT ngày càng mở rộng. Ngoài nhu cầu xây dựng phầm mềm quản lý, bảo mật từ doanh nghiệp, sự bùng nổ các ứng dụng trên máy tính bảng, điện toán đám mây, phát triển ứng dụng WEB, mạng xã hội…đã khiến người có bằng kỹ sư phần mềm “hot” hơn lúc nào hết. Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Tuấn khoảng cách giữa đào tạo tại các trường ĐH-CĐ, kể cả trường trung cấp với thực tế nhu cầu sử dụng nhân lực ngành CNTT tại doanh nghiệp là quá xa.

“Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp chuyên ngành CNTT đa số sinh viên sau khi tốt nghiệp chưa giỏi kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ. Số sinh viên ra trường làm việc được ngay chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại phải đào tạo bổ sung. Đây là hạn chế lớn nhất nhân lực CNTT mà chúng ta cần phải khắc phục” - ông Tuấn nói.

Được biết, trong hơn 400 trường ĐH-CĐ ở Việt Nam thì có tới 2/3 trường có đào tạo chuyên ngành CNTT. Tuy nhiên, theo thống kê của Viện Chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT), có tới 72% sinh viên ngành CNTT ra trường không có kinh nghiệm thực hành; 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 80% lập trình viên phải đào tạo lại. Thực tế trên cho thấy, trình độ của các sinh viên CNTT ra trường còn hạn chế, chưa phù hợp với công việc mà doanh nghiệp yêu cầu.

Sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm đang kiểm tra các ứng dụng, phần mềm điều khiển ro bốt do mình lập trình
 Sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm đang kiểm tra các ứng dụng, phần mềm điều khiển ro bốt do mình lập trình

Th.s Nguyễn Hoàng Anh- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Ispace nhìn nhận  chất lượng đào tạo thuộc về các trường. Vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, các trường phải luôn cập nhật chương trình học và cung cấp kỹ năng tự học để sinh viên ra trường luôn sẵn sàng với những thay đổi đang diễn ra.

“ Thực tế, tại iSpace, chúng tôi luôn coi trọng thời gian thực hành, trải nghiệm của sinh viên. Đơn cử như nghề Lập trình ứng dụng di động được chúng tôi thiết kế với ít nhất 500 giờ trải nghiệm thực tế công việc dưới sự hướng dẫn của doanh nghiệp. Việc đó giúp sinh viên vừa rèn luyện chuyên môn, kỹ năng vừa tích lũy kinh nghiệm. Sinh viên phải chứng minh năng lực qua quá trình "học việc” này bằng sản phẩm thật có khả năng sử dụng được trong thực tế”- Th.s Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.

Trao đổi về “khoảng hở” trong đào tạo hiện nay, ông Phí Anh Tuấn – Phó chủ tịch Hội tin học TPHCM cho biết; Hiện nay các doanh nghiệp ngoài việc chú trọng kiến thức chuyên môn đối với ứng viên mới tốt nghiệp thì họ còn xem nặng các kỹ năng bổ trợ và thái độ làm việc. Trong khi đó, phần lớn các đơn vị đào tạo và sinh viên lại chỉ tập trung bồi dưỡng chuyên môn trên sách vở nên khi tiếp nhận công việc thực tế, các bạn không biết cách xử lý.  

“Thực tế hiện nay, không ít doanh nghiệp phải chấp nhận chọn lọc những cá nhân có tố chất và thái độ hợp tác trong quá trình tuyển dụng rồi bỏ ra một khoản chi phí lớn để đào tạo lại”- ông Tuấn nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ