Trường Đại học Cần Thơ khai giảng trực tuyến, đón 6.700 tân sinh viên

GD&TĐ - Sáng 16/10, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức khai giảng năm học 2021-2022 bằng hình thức trực tuyến.

Các đại biểu chào cờ tại lễ khai giảng.
Các đại biểu chào cờ tại lễ khai giảng.

Theo GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, trước tình hình cả nước nói chung và ngành giáo dục đào tạo nói riêng đang có những điều chỉnh, thay đổi để phù hợp trong điều kiện dịch Covid-19, Trường ĐH Cần Thơ tổ chức lễ khai giảng năm học mới với hình thức trực tuyến.

Thay mặt lãnh đạo nhà trường cùng toàn thể cán bộ viên chức và sinh viên, GS.TS Hà Thanh Toàn gửi lời chào mừng đến các đại biểu đang theo dõi, phụ huynh, các học viên, sinh viên cùng với trên 6.700 tân sinh viên.

GS.TS Hà Thanh Toàn cho biết, năm học qua, do tác động của đại dịch, nhiều hoạt động của nhà trường, nhiều dự án của thầy cô và kế hoạch học tập của sinh viên bị xáo trộn, trì hoãn. Tuy nhiên, với tinh thần sáng tạo, chủ động, linh hoạt, nhà trường đã nhanh chóng thay đổi phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy - học, vừa đảm bảo chất lượng giáo dục vừa phòng chống hiệu quả dịch Covid-19.

Hiện nay, trường có 1.821 viên chức, người lao động, trong đó có 15 Giáo sư, 140 Phó Giáo sư, 529 Tiến sĩ, 706 Thạc sĩ với năng lực chuyên môn và nghiệp vụ cao, đảm bảo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện trường đang tổ chức đào tạo 79 ngành bậc đại học, quy mô đào tạo đại học chính quy là 37.000 sinh viên; đại học hệ vừa làm vừa học là hơn 3.600 sinh viên; đại học đào tạo từ xa là 3.700 sinh viên.

Đối với bậc đào tạo sau đại học,trường đang đào tạo 50 chuyên ngành thạc sĩ và 19 chuyên ngành tiến sĩ với tổng số là 2.880 học viên và nghiên cứu sinh. Năm học vừa qua, trường đã cung cấp một nguồn lao động lớn có trình độ cao cho xã hội, với hơn 7.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ vừa mới tốt nghiệp.

Trường tiếp tục xây dựng kế hoạch và triển khai kiểm định nội bộ và kiểm định ngoài các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT và tiêu chuẩn AUN-QA. Hiện nay, trong số các chương trình đào tạo, có 2 chương trình tiên tiến, 8 chương trình chất lượng cao, 2 chương trình đạt chuẩn kiểm định chất lượng trong nước và 9 chương trình đạt chuẩn kiểm định chất lượng AUN-QA.

Trở thành trường đại học nghiên cứu là mục tiêu hướng tới và đây cũng là hoạt động nổi bật của nhà trường. Trong năm học vừa qua, nhà trường đã triển khai thực hiện 687 đề tài, dự án NCKH các cấp với tổng kinh phí gần 83 tỷ đồng. Trong đó có 56 đề tài cấp Bộ, 545 đề tài cấp cơ sở, 50 đề tài của địa phương và 36 đề tài thuộc Dự án ODA.

Trường cũng có 337 đề tài NCKH các cấp đã được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng trong thực tế; đã đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ 25 công trình. Trường đã ký kết được 20 hợp đồng nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp và địa phương với doanh thu đạt khoảng 7 tỷ đồng.

Năm học qua, trường có 1.502 bài báo được đăng trên tạp chí chuyên ngành và 163 bài báo được đăng tại các hội thảo, hội nghị, trong đó có có 713 bài báo thuộc danh mục ISI và Scopus.

Với những thành quả nêu trên, Bộ GD&ĐT công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cho 18 tập thể thuộc trường; tặng Cờ thi đua cho 2 tập thể có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ năm học; công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ cho 12 cá nhân. Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 2 tập thể và 2 cá nhân thuộc Trường đã có thành tích xuất sắc trong công tác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.