Đại dịch Covid-19 được coi là "cơn cuồng phong" đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số được xem như là “phao cứu sinh”, giúp doanh nghiệp thích ứng và vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19.
Mới đây, Tổng cục Thống kê cho biết, đã có hơn 90.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường từ đầu năm đến nay. Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp bắt đầu áp dụng hình thức làm việc tại nhà, họp và giao việc đều chuyển đổi sang online. Trung tâm Tư vấn Giáo dục và Trị liệu Trẻ em ATC (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng là doanh nghiệp không nằm ngoài "vòng quay" này.
Ông Trần Văn Dương - Giám đốc điều hành hệ thống trung tâm ATC (Autism Treatment Center) chia sẻ, trung tâm kỹ năng và truyền thông phụ trách về mảng giáo dục kỹ năng sống và tổ chức các hội thảo chuyên đề cho phụ huynh, các trường từ mầm non đến trung học phổ thông và cao đẳng, đại học. Ở đó, chương trình được thiết kế là những buổi chia sẻ tại các trường trong giờ ngoại khóa học phần về kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho sinh viên… Ngoài ra, ATC cũng tổ chức chương trình tham vấn và trị liệu tâm lý cho trẻ rối loạn phát triển, trẻ vị thành niên và các gia đình có nhu cầu hỗ trợ tâm lý…
"Thông thường, tất cả các hoạt động trên đều diễn ra trực tiếp tại cơ sở của ATC hoặc tại các trường có nhu cầu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, hầu hết các hoạt động trên phải chuyển qua hình thức trực tuyến. Một số hoạt động tổ chức bên ngoài phải dừng lại hoàn toàn khi Thành phố Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn giãn cách cao điểm", ông Trần Văn Dương chia sẻ.
Theo ông Dương, để thích ứng với đại dịch, trước hết, trung tâm đã tổ chức các chuyên đề tập huấn nội bộ cho đội ngũ. Đồng thời, hỗ trợ và chuyển đổi hoạt động can thiệp cho trẻ từ cơ sở về các gia đình, thông qua những chương trình tập huấn trực tuyến cho phụ huynh.
"Cái khó nhất của hoạt động này chính là hỗ trợ tâm lý, cũng như chia sẻ các nguồn lực với các gia đình, bao gồm cả nguồn lực tài chính như: Giảm tối đa học phí, không thu phí với các trường hợp phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh", ông Trần Văn Dương chia sẻ.
Song song với những chương trình can thiệp ở trung tâm, phụ huynh cũng được hướng dẫn cụ thể những chương trình can thiệp cho trẻ tại nhà. Các hoạt động tham vấn tâm lý được các gia đình đồng thuận hẹn luân phiên theo giờ để đảm bảo giãn cách xã hội. Khi tình hình dịch được kiểm soát cùng với các hoạt động nội bộ ổn định, trung tâm nhận trẻ đến can thiệp theo giờ, ưu tiên tiếp cá nhân và đảm bảo nguyên tắc 5K cùng với việc tiêm vắc-xin đầy đủ, test nhanh định kỳ cho giáo viên và trẻ.
"Tất nhiên ATC đã trải qua rất nhiều những khó khăn cả bên trong nội bộ lẫn bên ngoài với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Truy nhiên, ATC nhận ra rằng, đại dịch cũng là dịp để mỗi người nhìn lại mình, tiếp tục rèn luyện các kỹ năng thích ứng với hoàn cảnh mới.
Đến hiện tại thì hầu hết đội ngũ của ATC đã thích ứng với cả hình thức làm việc trực tuyến bên cạnh hình thức quen thuộc trực tiếp trước đây. Đứng trước những lựa chọn không thể không thay đổi thì chỉ dám nhận xét rằng mọi người đã rất nỗ lực để vượt lên chính mình.
Bất kỳ sự thay đổi nào, một phương pháp thích ứng nào cũng đều có ưu và nhược điểm của nó. Có một sự thật là chúng ta không thể không thay đổi nếu chúng ta muốn tồn tại để có cơ hội phục hồi và phát triển sau này", Giám đốc ATC - ông Trần Văn Dương nhấn mạnh.