Học sinh kiệt sức trong đại dịch

GD&TĐ - Tháng 11 vừa qua, Hàn Quốc đã tổ chức kỳ thi đại học CSAT khi bóng tối đại dịch bao trùm khắp đất nước. Trung Quốc, Brazil… cũng tổ chức kỳ thi trong bối cảnh tương tự.

Phụ huynh Hàn Quốc lo lắng khi con cái thi đại học giữa dịch.
Phụ huynh Hàn Quốc lo lắng khi con cái thi đại học giữa dịch.

Bên cạnh áp lực từ điểm số, học sinh tại các quốc gia này căng thẳng khi phải đối phó với dịch bệnh Covid-19.

Hàn Quốc

Năm 2020, kỳ thi CSAT đã bị lùi lại 2 tuần nhưng năm nay, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã cứng rắn tổ chức kỳ thi giữa sự bùng phát của dịch. Theo Bộ Giáo dục, giữa tình thế khó khăn, Hàn Quốc tự tin tổ chức CSAT an toàn nhờ đã có kinh nghiệm phòng, chống dịch trong trường học nói riêng và trong xã hội; đồng thời, giáo viên, nhân viên các trường học đã được tiêm chủng đầy đủ.

Ngày 18/11, sự im lặng bao trùm Hàn Quốc khi học sinh cuối cấp trung học bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học (CSAT) trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Nữ sinh Lee Yeo-jin bày tỏ: “Hai năm trở lại đây, kỳ thi càng trở nên khó khăn, tỷ lệ trúng tuyển càng hạn hẹp. Chúng cháu vô cùng áp lực, lo sợ trước độ khó của kỳ thi và khả năng bị nhiễm Covid-19 khi ngồi tập trung”.

Việc tổ chức kỳ thi giữa bối cảnh dịch bệnh đặt phụ huynh, học sinh vào thế bí. Về phía học sinh, các em phải liên tục thay đổi từ học trực tuyến sang trực tiếp tuỳ vào điều kiện dịch bệnh nên việc thích ứng với hoàn cảnh chưa cao. Hơn nữa, khi học trực tuyến, học sinh bị hạn chế khả năng tương tác với giáo viên, mất động lực phấn đấu, khó tập trung trong học tập.

Phụ huynh cũng có những quan điểm khác nhau về việc tổ chức kỳ thi CSAT trong bối cảnh dịch bệnh. Một số bày tỏ lo lắng, nghi ngại trước vấn đề lây nhiễm nCoV tại điểm thi khi học sinh, giáo viên, nhân viên cùng tập trung trong lớp học.

Trong khi số khác ủng hộ kỳ thi. Chị Lee Eu-gene, có con trai tham gia kỳ thi CSAT 2021, đánh giá kỳ thi năm nay được tổ chức trong điều kiện tốt hơn năm ngoái vì học sinh có nhiều cơ hội đến trường hơn, chính phủ cũng đã tìm ra nhiều biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, giáo viên, nhân viên các nhà trường đã tiêm vắc-xin.

“Thấy con trai tham gia kỳ thi quan trọng trong hoàn cảnh này khiến người làm mẹ như tôi tương đối yên lòng. Tôi hy vọng cháu có thể giành được kết quả tốt và trang bị kỹ càng cho tương lai của mình”, chị Eu-gene bày tỏ.

Trung Quốc

Học sinh Trung Quốc đo thân nhiệt trước khi vào điểm thi đại học.
Học sinh Trung Quốc đo thân nhiệt trước khi vào điểm thi đại học.

Kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia Trung Quốc (gaokao) 2021 được tổ chức vào hai ngày 7 - 8/6 khi tình hình dịch trong nước được kiểm soát tương đối ổn định. Tuy nhiên, đây là năm thứ 2 liên tiếp học sinh quốc gia này phải chịu đựng tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, đặc biệt sau “cú sốc” Vũ Hán vào đầu năm 2020. Việc học trực tuyến sau 2 năm được đông đảo thí sinh đánh giá là chưa hiệu quả.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt nhất trước kỳ thi năm nay là Trung Quốc triển khai chính sách giáo dục “kép” với hai nội dung chính là đóng cửa các trung tâm dạy thêm tư nhân và giảm nhẹ bài tập, thi cử cho học sinh phổ thông.

Được triển khai từ đầu năm 2021, chính sách này đã gây tác động nặng nề lên ngành giáo dục quốc gia, nhất là khi học sinh, phụ huynh nước này phụ thuộc lớn vào học thêm để giành thành tích cao.

Chị Zhao, phụ huynh có con thi đại học năm nay, cho rằng: Khoá của con trai tôi có thể là khoá cuối cùng được học thêm một cách hợp pháp, chính thức. Từ năm học 2021 - 2022, việc học thêm bị cấm có thể khiến học sinh, phụ huynh xoay xở tìm cách luyện thi “chui”, luyện thi bất hợp pháp.

“Khi nào kỳ thi gaokao còn diễn ra, các chính sách cải cách giáo dục sẽ không thể đạt hiệu quả như mong đợi. Bởi lẽ, mọi nỗ lực học thêm của học sinh đều vì mục tiêu giành điểm cao trong gaokao. Nếu chính phủ cấm học thêm, giảm bài tập về nhà, bằng cách này hay cách khác chúng tôi vẫn phải tìm cách để con cái trúng tuyển đại học hàng đầu cả nước”, chị Zhao chia sẻ.

Brazil

Kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia tại Brazil được tổ chức vào ngày 21/11 nhưng ghi nhận số thí sinh tham dự thấp nhất trong 15 năm trở lại đây. Ước tính chỉ hơn 3 triệu thí sinh đăng ký, giảm 44% so với năm 2020 và là số lượng thấp nhất kể từ năm 2006.

Một học sinh giấu tên chia sẻ: “Cháu đã dành cả năm chuẩn bị cho kỳ thi này nhưng khi nghĩ về gia đình, sức khoẻ của bản thân, cháu quyết định nghỉ thi. Tình hình dịch bệnh quá căng thẳng nên cháu không dám mạo hiểm”.

Việc đóng cửa trường học hàng loạt và kết quả học trực tuyến kém đã gây nên nhiều căng thẳng, áp lực cho học sinh Brazil. Không chỉ dừng tham gia các kỳ thi, nhiều học sinh đã bỏ học, chuyển sang làm lao động tự do để phụ giúp gia đình.

Trong tương lai, các chuyên gia dự đoán Brazil sẽ mất khối lượng lớn lao động tay nghề cao do học sinh bỏ học sớm hoặc không học lên đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ