Cơ duyên đưa cô về dạy lớp mầm non
Cô Vi Thùy Liễu, giáo viên Trường Mầm non 2 An Sơn (xã An Sơn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn), sinh ra trong gia đình truyền thống theo nghề giáo. Chính vì thế, cô luôn ước mơ sau này bản thân trở thành một cô giáo, tiếp nối nghề của bố mẹ.
Năm 2010 tốt nghiệp hệ trung cấp, ngành Sư phạm Văn - Địa, Trường Cao đẳng sư phạm Thái Nguyên, cô Liễu đi dạy hợp đồng tại một số trường bậc THCS ở trong huyện. Sau 5 năm đi dạy, mỗi lần đi qua các trường mầm non, thấy các em thiếu thốn, nhiều em khuôn mặt còn lấm lem đến trường, cô Liễu mong muốn được hỗ trợ, chăm sóc.
Từ những cơ duyên đó, cùng tình yêu mến trẻ, năm 2014 cô Liễu quyết định đi học chuyển đổi văn bằng tại Trường ĐH Thủ đô Hà Nội. Năm 2017, cô Liễu thi đỗ viên chức và được phân về Trường Mầm non 2 An Sơn giảng dạy.
Bảy năm qua gắn bó với học trò nhỏ vùng cao, cô Liễu luôn nỗ lực hết sức mình để chăm sóc, dạy bảo để phụ huynh yên tâm gửi con đến lớp.
Lớp học chủ yếu là người dân tộc thiểu số, do đó để tăng cường Tiếng Việt cho trẻ cô luôn tạo ra nhiều hoạt động, trò chơi để kích thích học trò giao tiếp, sử dụng Tiếng Việt nhiều hơn.
Lớp học xoá mù chữ do cô Liễu giảng dạy. |
Áp dụng hình thức dạy trực tuyến và trực tiếp cho lớp học xóa mù chữ
Trong quá trình giảng dạy, cô Liễu luôn sáng tạo để tăng cường Tiếng Việt cho học sinh, do đó khi nhà trường được phân công hỗ trợ giảng dạy công tác xoá mù chữ trên địa bàn xã, cô Liễu đã không ngại nhận nhiệm vụ.
Cô Liễu trải lòng: “Sinh ra và lớn lên ở đây, tôi hiểu hơn ai hết những khó khăn, vất vả của người dân khi không biết chữ. Khi biết tin được phân công giảng dạy lớp xóa mù chữ tôi rất háo hức.
Quê tôi giáp biên giới nên mọi người biết rõ Tiếng Việt để tránh bị lừa đảo hay không ký vào những giấy tờ bất hợp pháp. Một phần nữa, người dân biết chữ họ sẽ thay đổi trình độ học vấn, nâng cao nhận thức, hiểu biết để cải thiện cuộc sống”.
Lớp mù chữ cô Liễu dạy có 10 học viên, trong đó chủ yếu là dân tộc Tày và dân tộc Nùng. Cô Liễu tận dụng lợi thế là người dân tộc Tày để quan tâm sát sao các học viên của mình, dùng tiếng dân tộc để trao đổi lại kiến thức với học viên sau các buổi học.
Cô linh hoạt trong việc dạy học, bên cạnh đó còn dạy trực tuyến qua zalo vào tối thứ 3 và học trực tiếp vào buổi chiều thứ 6. Vì học viên chủ yếu là người lao động nên lịch học sẽ được thay đổi phù hợp đảm bảo sĩ số tham gia học tập đầy đủ.
“Tôi nghĩ qua việc kết hợp ứng dụng công nghệ vào giảng dạy không chỉ xóa mù chữ mà còn giúp người dân tiếp cận với công nghệ”, cô Liễu nói.
Cô Liễu được phân công giảng dạy môn Toán, quá trình dạy cô nỗ lực, tìm nhiều phương pháp khác nhau để sau khi khóa học kết thúc, học viên biết tính toán cơ bản và có kiến thức nền tảng tốt để dùng cho việc buôn bán, chi tiêu.
"Để lớp học đạt hiệu quả cao nhất, mình luôn xây dựng bài giảng sát với trình độ của học viên để họ biết ứng dụng kiến thức vào thực tiễn tạo động lực để học viên theo học đầy đủ”, cô Liễu chia sẻ.
Trải qua gần hết khóa học, hầu hết các học viên trong đã biết tính toán cơ bản, song song với đó học viên cũng chủ động và tích cực hơn trong việc học.
"Bởi họ nhận thấy được những lợi ích cơ bản của việc học chữ và tính toán, việc chi tiêu hợp lý, dễ dàng tiếp nhận được thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Nhìn thấy sự tiến bộ từng ngày của học viên, tôi rất vui. Tôi mong rằng sẽ mở rộng được mô hình dạy xóa mù để cải thiện cuộc sống người dân về lâu về dài”, cô Liễu bày tỏ.
Gắn bó cùng cô Vi Thùy Liễu gần 5 năm, cô Nông Út Mơ, Hiệu trưởng Trường Mầm non 2 An Sơn chia sẻ: “Cô Liễu là giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, trách nhiệm cao trong công việc, luôn chăm sóc, quan tâm tận tình tới học trò của mình.
Bên cạnh đó, khi được giao nhiệm vụ dạy lớp xóa mù chữ, cô dành nhiều tâm huyết cho học viên để có những bài giảng hiệu quả, chuẩn bị giáo án phù hợp với học viên trước mỗi giờ lên lớp. Ngoài ra, cô Liễu luôn động viên, dành những lời cổ vũ để mọi người cố gắng, cùng nhau học tập".