Thông tin được tờ Thời báo Hoàn cầu đăng tải. Theo đó, đây là loại tên lửa khó phát hiện và đánh chặn, và có thể vươn tới các mục tiêu bên kia bờ Thái Bình Dương.
Theo các chuyên gia Nga, Trung Quốc sẽ sớm thay thế Pháp trở thành cường quốc hạt nhân thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga, do năng lực tấn công hạt nhân của nước này ngày một tăng.
Đô đốc hải quân Mỹ Cecil D Haney từng bày tỏ lo ngại về các tên lửa Đông Phong 31B (DF-31B), vốn có tầm bắn 11.200km, do nó có thể thay đổi thái độ của Mỹ đối với năng lực hạt nhân của Trung Quốc.
Loại tên lửa vận hành bằng nhiên liệu rắn này có thể mang nhiều đầu đạn, và giúp Trung Quốc có được năng lực đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân, truyền thông Nga nhận định.
Trong cuộc thử nghiệm, tên lửa được phóng đi từ một xe chuyên dụng 4 cửa, 16 bánh trông giống các loại xe chở tên lửa của Nga. Một cựu quan chức Nga phụ trách nghiên cứu vũ khí hạt nhân cho biết, Trung Quốc đang tiệm cận bộ ba năng lực hạt nhân của Mỹ và Nga, gồm các máy bay ném bom chiến lược, tên lửa hạt nhân liên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Thông số chi tiết về DF-31B vẫn chưa được tiết lộ, nhưng vị chuyên gia Nga cho biết lợi thế lớn nhất của nó là thời gian triển khai phóng ngắn. Chỉ mất 5 phút tên lửa này có thể rời bệ phóng và đi vào quỹ đạo, khiến việc phát hiện của các vệ tinh do thám Mỹ trở nên khó khăn. Tên lửa cũng có khả năng tránh được bị đánh chặn do nó có quỹ đạo bay cong gấp khúc hình chữ S.
Đây là tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên của Trung Quốc có khả năng phóng từ bệ phóng di động. Sự kết hợp này có ý nghĩa quan trọng Trung Quốc, bởi tên lửa có thể được triển khai trên một vùng rộng lớn, khiến vị trí phóng khó bị phát hiện, Viktor Yesin, cựu tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược của Nga phân tích.
Bản báo cáo khẳng định Mỹ sẽ không thể phát hiện DF-31B dù có 21 vệ tinh do thám. Số lượng tên lửa đạn đạo di động Trung Quốc sở hữu có thể đạt 140 trong năm nay, trước khi vượt con số 240 của Pháp.