Trung Quốc đã chính thức công bố khả năng chiến đấu của tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-5B hiện đại hóa, có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 12.000 km.
Hệ thống nâng cấp này có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân đến lục địa Hoa Kỳ, tăng cường đáng kể tiềm lực răn đe chiến lược của Bắc Kinh.
Theo giải thích từ nhiều chuyên gia, tầm bắn của DF-5B cho phép nó bao phủ toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ. ICBM này có thể mang theo tới 10 đầu đạn đa mục tiêu độc lập (MIRV) hoặc 1 đầu đạn mạnh mẽ có sức công phá 1 megaton (tương đương 1 triệu tấn TNT).
Độ chính xác của tên lửa được đảm bảo nhờ hệ thống dẫn đường quán tính và kết hợp tham chiếu định vị vệ tinh. Tên lửa được đặt trong hầm phóng cố định và sử dụng nhiên liệu lỏng.
Theo đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc, DF-5B là một bước tiến vượt bậc về năng lực răn đe hạt nhân. Điểm khác biệt chính so với mẫu DF-5 trước đó là khả năng mang nhiều đầu đạn, mỗi đầu đạn có thể tấn công một mục tiêu độc lập.
Điều này làm tăng sức mạnh hủy diệt lên gấp nhiều lần, gây phức tạp đáng kể nhiệm vụ của các hệ thống phòng thủ tên lửa, đồng thời đảm bảo một cuộc tấn công trả đũa chắc chắn. Tên lửa sử dụng công nghệ hiện đại để đi vào khí quyển và duy trì khả năng kiểm soát ở giai đoạn cuối trong quỹ đạo.

Vấn đề đáng chú ý là DF-5B xuất hiện trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Giới chuyên gia an ninh tin rằng vũ khí này làm thay đổi đáng kể cán cân lực lượng chiến lược.
Lầu Năm Góc đã ngay lập tức đưa ra phản ứng trước ICBM thế hệ mới của Trung Quốc, gọi đây là "thách thức nghiêm trọng" đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đặc biệt quan ngại về khả năng DF-5B vượt qua các tuyến phòng thủ tên lửa hiện có, cũng như độ chính xác cao trong việc đánh trúng mục tiêu. Dự kiến việc trình diễn các khả năng mới của DF-5B sẽ là chủ đề thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh kiểm soát vũ khí sắp tới.