(GD&TĐ) – Đội ngũ lãnh đạo mới của Trung Quốc, dẫn đầu là ông Tập Cận Bình, đang đưa ra những biện pháp để đối phó với nạn tham nhũng đang gây nhức nhối xã hội nước này. Vừa qua, hãng tin Tân Hoa Xã đã đưa ra danh sách 8 việc không được làm.
Nhân viên an ninh canh gác bên trong Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh |
Theo quy định của Bộ Chính trị, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, trưng bầy hoa và những tấm thảm chùi chân phục vụ các đoàn đại biểu giờ đây đã bị cấm, việc những em bé cầm hoa vẫy chào đón khách cũng không được thực hiện.
Cán bộ nhà nước đi nước ngoài phải xem xét số lượng người đi cùng. Việc chặn đường hay làm gián đoạn giao thông để phục vụ một đoàn khách chính phủ cũng bị cấm. Những băng rôn đỏ được treo lên cổ súy cho các hoạt động của chính phủ như “nhiệt liệt chào mừng…” sẽ không được phép treo.
Trong số những hoạt động bị cấm, có những hoạt động mà nhiều người cho rằng khá lạ, đó là các quan chức không được viết thư pháp treo ở nơi công cộng mà không xin phép trước. Mặc dù đây là một loại hình nghệ thuật cổ xưa, nhưng một cán bộ địa phương có thể có được lợi thế bằng cách sở hữu chữ viết của một cán bộ cấp cao, giống như một nhà hàng có thể hưởng lợi nếu treo một bức ảnh có hình một người nổi tiếng đang ăn tại đây.
Không chỉ Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quân ủy trung ương – tổ chức giám sát Quân đội giải phóng nhân dân của Trung Quốc, cũng đưa ra 10 quy định của riêng mình, bao gồm cấm rượu. Ngày 24.12 vừa qua, giá cổ phiếu của một số loại rượu Trung Quốc trên sàn giao dịch chứng khoán đã giảm xuống, theo đó nhãn rượu Kweichow Moutai, một trong những háng rượu sang trọng nổi tiếng nhất, đã mất đi 12,5 tỉ nhân dân tệ, tức 5,5% giá trị. Kweichow là loại rượu đựng trong chai đỏ và trắng, có giá hàng trăm đô la.
Ngoài việc cấm rượu, Quân ủy Trung ương còn thận trọng đối với những bữa tiệc “sang trọng” dành cho các thành viên lực lượng vũ trang. Các quan chức tới Bắc Kinh làm việc, sẽ phải dùng các bữa ăn dạng búp phê, thay vào những bữa tiệc nhiều món. Đầu tháng này, truyền thông Trung Quốc đưa tin nhà lãnh đạo mới Tập Cận Bình đã tự mang đĩa của mình trong khi ăn tại một quán ăn ở thị trấn Shenzhen. “Một số người cho rằng hành động của ông là nỗ lực khuyến khích các quan chức loại bỏ quan liêu và sự hưởng thụ” – hãng tin Tân Hoa Xã nói.
Ngoài ra, nỗ lực của ông Tập Cận Bình chống lại sự xa hoa (và bất kỳ điều gì liên quan tới tham nhũng) đã cho ra một số sắc lệnh. Trong số 10 quy định của Quân ủy Trung ương, có một quy định không khuyến khích các bài diễn văn “sáo rỗng”. Ủy ban thành phố Bắc Kinh cũng cho rằng “các cơ quan báo chí cần được yêu cầu rút ngắn các bài viết về hoạt động của quan chức làm người đọc thấy chán do lời lẽ dài dòng và vô nghĩa”.
Một hãng truyền thông khác cũng lưu ý rằng quan chức phải loại bỏ sự phô trương và nêu cao tính hiệu quả. Một cuộc họp thông thường kéo dài hơn 1 giờ chỉ cần khoảng 20 phút.
Những nỗ lực của chính phủ nhằm tuyên chiến với sự dư thừa của quan chức diễn ra sau hoạt động kiểm tra Internet vài tháng. Sử dụng truyền thông xã hội để tấn công vào nhân viên nhà nước bị tình nghi là đang sống quá mức cho phép, nhiều người đã phát tán đi những bức ảnh quan chức Trung Quốc mặc quần áo hay phụ kiện đắt tiền. Những hoạt động truy hoan của cán bộ với phụ nữ cũng bị tung lên mạng. Một số quan chức đã bị đuổi việc sau những vụ việc trên.
Tuy nhiên liệu chiến dịch chống tham nhũng của nhà nước có thực sự thay đổi được con đường trơn trượt mà chế độ quan liêu hành chính đang đi ở Trung Quốc không? Khi người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình là ông Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền, ông cũng đã có hoạt động tương tự nhưng những hành động sai trái vẫn tăng lên trong thời gian ông nắm quyền. Những người ủng hộ ông Tập Cận Bình cho biết bộ máy của ông đã nhận ra hiện nay tình hình đã nghiêm trọng tới mức nào, thậm chí so với 10 năm trước. Khoảng cách giàu nghèo của Trung Quốc đang ngày một tăng và Internet đang khiến cho các quan chức khó giấu giếm những thói quen phô trương của mình.
Phương Hà (Theo Time)