Trung Quốc nặng lời cảnh báo Hồng Kông

GD&TĐ - Thể hiện thái độ cứng rắn hơn với Hồng Kông khi cho rằng người biểu tình hành động y như “khủng bố”, Trung Quốc đã đưa ra lời cảnh báo nặng nề chưa từng có với phong trào phản đối ở vùng lãnh thổ này. Song kinh tế suy giảm sau các vụ bạo lực đỉnh điểm đêm 13/8 đang là nguy cơ lớn nhất với Hồng Kông.

Hàng nghìn người biểu tình ùa vào sân bay quốc tế tại Hồng Kông khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy. Ảnh: South China Morning Post
Hàng nghìn người biểu tình ùa vào sân bay quốc tế tại Hồng Kông khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy. Ảnh: South China Morning Post

Tấn công người đại lục

Nhà chức trách Trung Quốc hôm 14/8 đã có những tuyên bố cứng rắn chưa từng thấy liên quan đến bạo lực ở Hồng Kông những ngày vừa qua. Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã lên án những người biểu tình chống chính quyền ở Hồng Kông vì tấn công 2 người đàn ông từ đại lục. Vụ việc xảy ra tại Sân bay Quốc tế Hồng Kông đêm 13/8, đỉnh điểm bạo lực bất ngờ của làn sóng phản đối suốt gần một tuần qua tại sân bay khiến các chuyến bay bị đình trệ, hàng nghìn du khách bị trễ chuyến.

Hai người này bị những người biểu tình tạm giữ hàng giờ liền, bị đánh đập, do bị tình nghi là điệp viên từ đại lục. Sau đó, một trong hai người được xác nhận là phóng viên tờ Hoàn Cầu Thời báo của ĐCS Trung Quốc, còn người kia là một cư dân Thẩm Quyến đến Hồng Kông tiễn bạn. Hai người phải vào viện để điều trị các vết thương. Cảnh sát chống bạo động Hồng Kông đã bao vây sân bay để lập lại trật tự.

Sáng 14/8, giới chức sân bay đã ra lệnh cấm biểu tình ở hầu như tất cả các khu vực trong sân bay, trừ hai khu vực được chỉ định trước. Một số hãng hàng không cố gắng nối lại hoạt động bình thường ở đây, song trong ngày 14/8, chỉ đến 2 giờ 30, vẫn còn 63 chuyến bay đi và cũng từng đó chuyến bay đến Hồng Kông bị hủy bỏ. Nhiều người phản đối đã lên mạng xã hội xin lỗi vì hành xử của họ tại sân bay, thừa nhận rằng họ đã bị kích động và cam kết sẽ xem lại các hoạt động. Riêng hãng Cathay Pacific lớn nhất của Hồng Kông đã phải hủy 272 chuyến bay trong hai ngày đầu tuần, ảnh hưởng đến hơn 55.000 hành khách.

Trung Quốc tỏ thái độ

Những người biểu tình đã bị phía Trung Quốc lên án mạnh mẽ. Bà Xu Luying, người phát ngôn Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao, bày tỏ “sự phẫn nộ cực độ” và gọi vụ tấn công 2 người từ đại lục “gần như là hành động khủng bố”. “Những người phản đối cực đoan đã phá vỡ hoàn toàn ranh giới cuối cùng của luận pháp, đạo lý và nhân văn” - tuyên bố của bà Xu nói. “Hành vi của họ là sự coi thường tột cùng với luật pháp và họ đã làm lu mờ nghiêm trọng hình ảnh của Hồng Kông trên trường quốc tế”.

Văn phòng liên lạc Hồng Kông của Bắc Kinh còn nặng lời hơn khi cho rằng, hành động của những người phản đối “chẳng khác gì bạo lực do bọn khủng bố tiến hành”. Văn phòng này nói rằng họ đã tự lột “mặt nạ giả mạo” lúc tuyên bố là người biểu tình hòa bình trước du khách quốc tế, và nhiều du khách kể cả trẻ em đã không được lên máy bay.

Hội đồng Quốc tế các sân bay Châu Á - Thái Bình Dương, một hiệp hội thương mại, cũng bày tỏ “sự lên án mạnh mẽ” vì các chuyến bay bị đình trệ ở Hồng Kông, và thể hiện sự ủng hộ giới chức hàng không Hồng Kông.

“Ngành công nghiệp hàng không là một cộng đồng rất khăng khít và chúng tôi cùng nhau đoàn kết để đưa mọi người lại bên nhau, để đảm bảo an ninh an toàn cho các du khách bằng một mạng lưới các sân bay an toàn, bảo đảm”.

Chiều 14/8, nhà chức trách sân bay Hồng Kông đã chính thức thông báo lệnh của tòa án cấm “xúi giục, hỗ trợ” những hành động cản trở bất hợp pháp ở sân bay, hoặc cản trở các con đường, lối đi gần sân bay. Lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam nói rằng vùng lãnh thổ này đã rơi vào tình trạng “hoảng sợ và rối loạn”. Quả thật, đêm 13/8 đã trở thành một cú sốc với ngành du lịch và kinh tế Hồng Kông.

Đưa quân tới biên giới?

Trong khi đó, từ Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên Facebook rằng, thông tin tình báo cho biết chính phủ Trung Quốc đã đưa quân đến biên giới với Hồng Kông và ông kêu gọi giữ bình tĩnh.

Chưa rõ thông tin mà ông Trump đưa ra đề cập đến việc Trung Quốc thể hiện một thái độ cứng rắn hơn bằng đợt điều quân mới, hay đợt điều động mà báo chí Trung Quốc đã đưa tin trước đó.

Quân đội Trung Quốc có một đơn vị đồn trú ở Hồng Kông nhưng họ vẫn ở nguyên vị trí từ khi cuộc phản đối bắt đầu tháng Tư vừa qua. Tuy nhiên, hôm 12/8 đơn vị này đã công bố một băng video cho thấy họ tập trận chống bạo động ở Thẩm Quyến, nơi chỉ cách Hồng Kông chưa đầy 30km, với nhiều xe bọc thép đang di chuyển. Chỉ huy đơn vị đồn trú này nói rằng bạo lực là “hoàn toàn không thể chấp nhận”.

Ông cũng bác bỏ thông tin nói rằng Mỹ liên quan tới cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Một dòng tweet cũng ngày 13/8, ông viết: “Nhiều người đổ lỗi cho tôi và nước Mỹ về các vấn đề đang diễn ra ở Hồng Kông. Tôi không thể tưởng tượng tại sao”.

Trong khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Hồng Kông ngày càng trở nên sâu sắc, hôm 13/8, Trung Quốc cũng đã từ chối đề nghị 2 tàu Hải quân Mỹ thăm cảng Hồng Kông trong những tuần tới.

Các nhà phân tích nói rằng, Trung Quốc có thể có những phát biểu rất cứng rắn về Hồng Kông, song họ không cần phải mạnh tay hơn với vùng lãnh thổ này. Kinh tế Hồng Kông đã đình trệ, vị thế là một trung tâm tài chính quốc tế bị lung lay, du lịch giảm sút, các nhà đầu tư chắc chắn sẽ rút lui khỏi Hồng Kông như một làn sóng lớn và đó mới là mối đe dọa lớn nhất với vùng lãnh thổ này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...