Trung Quốc: Gánh nặng tài chính khi cho con du học Mỹ

GD&TĐ - Không ít phụ huynh Trung Quốc cho biết, họ cảm thấy vô cùng áp lực khi phải chi trả mọi chi phí cho con cái du học tại các trường ở Mỹ - nơi mức học phí cao gấp 15 lần so với các trường ĐH hàng đầu Trung Quốc.

Các SV Trung Quốc vẫn phải nhờ tới sự hỗ trợ tài chính từ gia đình
Các SV Trung Quốc vẫn phải nhờ tới sự hỗ trợ tài chính từ gia đình

Không chỉ riêng học phí

Giống như hầu hết sinh viên Trung Quốc tại Mỹ, Jerry Liu - SV năm cuối tại một trường trung học tư thục nội trú ở miền Đông Pennsylvania, phải đóng toàn bộ học phí ở mức 59.050 USD/năm. Cậu cũng tốn khoảng 3.600 USD/năm để bay từ New York về Bắc Kinh 3 lần vào các ngày lễ.

Tuy nhiên, học phí cũng như các chi phí liên quan khác của Liu chiếm gần 80% thu nhập của bố mẹ cậu. “Trước khi Liu quyết định du học, chúng tôi đã nói, học phí của con là tất cả những gì bố mẹ có thể cung cấp”, mẹ của Liu - bà Lian Qiu - một nhân viên văn phòng chia sẻ.

Theo báo cáo năm 2017 do Viện Giáo dục Quốc tế (LendEDU) thực hiện, SV châu Á là những người được cha mẹ hỗ trợ tài chính nhiều nhất để theo học ĐH. Tuy nhiên, trái với những lầm tưởng cho rằng, các gia đình Trung Quốc có con đi du học Mỹ đều giàu có, không ít phụ huynh bị choáng ngợp bởi chi phí quá cao.

Một SV Trung Quốc muốn học tại Mỹ bắt buộc phải thực hiện bài kiểm tra, bao gồm kiểm tra trình độ tiếng Anh TOEFL với chi phí khoảng 217 USD, hay các bài kiểm tra đầu vào như SAT, SSAT. “Tôi biết không ít người từng phải thi TOEFL tới 10 lần”, Hongyi Yin (18 tuổi) đến từ Bắc Kinh, là SV năm thứ nhất của Trường ĐH Case Western Reserve ở Cleveland, Ohio nói.

Chi phí kiểm tra SAT đã tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba đối với các SV Trung Quốc. Bởi vậy, mỗi năm, hơn 40.000 SV nước này đã bay đến Hồng Kông, Singapore hoặc Hawaii chỉ để thi SAT.

Tingran Wang (18 tuổi), từng tới Hồng Kông 3 lần vào năm ngoái để làm bài kiểm tra SAT và phải trở về nhà ngay hôm sau. “Tôi chỉ cố gắng tập trung vào việc của mình và không bị phân tâm bởi những tình huống có thể xảy ra khi phải làm bài thi cùng với nhiều SV như vậy”, cậu cho biết.

Một gánh nặng chi phí khác đối với các bậc phụ huynh Trung Quốc là luyện thi. Tại các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải, hàng loạt tòa nhà đều là trung tâm luyện thi - nơi SV dành hàng giờ để tham gia các lớp học.

Mức phí luyện thi cũng sẽ khác nhau dựa theo khả năng thành thạo ngôn ngữ và số điểm kiểm tra mà SV mong muốn. Tại Tập đoàn GD Quốc tế Sanli, một trung tâm luyện thi phổ biến ở Thượng Hải, các khóa học có giá dao động từ 1,454 - 43,590 USD.

Đối với phụ huynh Trung Quốc, quy trình nộp đơn vào trường ĐH Mỹ khá phức tạp và do đó, việc thuê một tư vấn riêng là điều cần thiết. Ông Nini Suet, Giám đốc điều hành Tập đoàn GD Quốc tế Shang cho biết, các bậc cha mẹ sẽ chi trả khoảng 40.000 USD/năm cho việc thuê tư vấn viên.

“Trong quá khứ, quan niệm chung tại Trung Quốc là chỉ những đứa trẻ hư mới đi du học Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay, ngày càng nhiều SV tài năng tại Trung Quốc muốn du học tới các tổ chức GD tốt ở Mỹ. Đối với phụ huynh, nếu con cái họ từ bỏ trường hàng đầu ở Trung Quốc để đến Mỹ nhưng không đỗ vào một trường tốt hơn ở quê nhà, họ sẽ cảm thấy như thể thời gian và tiền bạc của họ bị lãng phí”, ông Suet chia sẻ.

Gánh nặng tài chính đối với phụ huynh

Bà Linghui Zhang (40 tuổi) - Giám đốc điều hành của một công ty tài nguyên năng lượng ở Bắc Kinh, đã trả 174.360 USD cho một công ty tư vấn để hỗ trợ con trai bà trong việc nộp đơn vào trường trung học ở Mỹ. “Chuyên gia tư vấn nói rằng, con trai chúng tôi cần phải tham gia tất cả các lớp học và được đào tạo. Vì vậy, chúng tôi đã đồng ý chi trả”, bà Zhang cho biết.

Cũng theo vị phụ huynh này, con trai bà đã được đào tạo về kỹ năng phỏng vấn và đến thăm Seoul để viết bài. Cậu cũng được đi cùng một chuyên gia tư vấn khi tới thăm trường học ở Philadelphia, nhằm giúp gia đình có thể nhận được nhiều “thông tin nội bộ” hơn từ các nhân viên tuyển sinh.

Mặc dù có một công việc với vị thế cao, nhưng bà Zhang chia sẻ, bà luôn cảm thấy phải chịu một gánh nặng tài chính khi phải chi trả mọi chi phí cho 2 người con học tại Mỹ, trong đó mỗi người tốn khoảng 65.000 USD/năm.

“Tôi cảm thấy kiệt sức. Thật khó để có thể kiếm được nhiều tiền. Đôi khi bọn trẻ không hiểu được áp lực kinh tế mà tôi phải chịu vì chúng đang được sống trong một ngôi nhà đẹp. Nhưng ngôi nhà là một trong những tài sản của chúng tôi, còn bọn trẻ nghĩ chúng tôi dư dả để mua cho chúng những thứ xa xỉ”, bà mẹ 40 tuổi bày tỏ.

Ziheng Ma (18 tuổi), SV tại một trường ở San Diego (California) cho biết, ngoài học phí 20.000 USD/năm, bố mẹ cậu còn phải trả cho gia đình chủ nhà 1.400 USD/tháng phí nội trú. Tuy nhiên, chỗ ở của Ma không hề được bảo đảm nên cậu từng phải chuyển nhà 4 lần kể từ khi đến Mỹ. “Phải chuyển nhà thường xuyên là điều khá khó khăn. Nhưng tôi phải làm điều đó vì không còn lựa chọn nào khác”, Ma nói.

Mùa hè vừa qua, Ma đã tham gia vào một phòng thí nghiệm tại Trường ĐH Emory với mức phí 1.500 USD và một chương trình y - sinh học trong 2 tuần tại Trường ĐH Yale có giá 6.500 USD. 

“Tôi được khuyên rằng, những cơ hội này sẽ khiến cho nền tảng học vấn của tôi tốt hơn. Các chương trình tôi đang theo học có liên quan đến sinh học, giúp tôi chuẩn bị cho ngành học và thậm chí là sự nghiệp của tôi trong tương lai. Cha mẹ tôi không giàu có nhưng họ hiếm khi nói chuyện với tôi về tiền bạc. Họ sẽ chỉ lên tiếng nếu tôi dành quá nhiều tiền để mua thực phẩm ở nước ngoài. Nhưng nếu tôi nói rằng, tôi cần phải trả tiền cho gia sư hoặc đóng học phí cho một chương trình học, họ sẽ không nghĩ tới lần thứ 2”, Ziheng Ma chia sẻ.
Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ