Mỹ: Số lượng sinh viên Trung Quốc giảm mạnh

GD&TĐ - Sau nhiều năm chứng kiến sự bùng nổ về số lượng sinh viên đến từ Trung Quốc, các trường đại học tại Mỹ đang phải đưa ra nhiều biện pháp thu hút người học quốc tế, do sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng sinh viên Trung Quốc.

Hai SV Trung Quốc tại Trường ĐH Vermont (Mỹ).
Hai SV Trung Quốc tại Trường ĐH Vermont (Mỹ).

Lo ngại khi tới Mỹ

Theo thống kê từ một số trường ĐH ở Mỹ, số SV người Trung Quốc theo học tại các trường trong năm học mới đã giảm 1/5 hoặc thậm chí là hơn.

Nhằm cải thiện tình hình, một số cơ sở GD Mỹ đang đẩy mạnh tuyển sinh từ các quốc gia khác trên thế giới và đưa ra những biện pháp giữ chân người học Trung Quốc.

Các chuyên gia giáo dục nhận định, xung đột thương mại và mối lo ngại của Mỹ về rủi ro an ninh khi SV Trung Quốc tới học có thể là những yếu tố được tạo ra bởi xu hướng cạnh tranh quốc tế, những quy trình phức tạp về thị thực, cũng như sự phát triển của hệ thống GDĐH tại Trung Quốc.

Tại Trường ĐH Bentley (Massachusetts), số lượng SV Trung Quốc mới tốt nghiệp tiếp tục theo học các khoá sau đã giảm xuống còn 70 người, so với con số 110 SV vào năm học trước. Bởi vậy, nhà trường cho biết đang cân nhắc tới việc loại bỏ một số chương trình sau ĐH do bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự sụt giảm này.

Bên cạnh đó, không ít cơ sở GD khác cũng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể của SV Trung Quốc trong năm học mới: Theo thống kê, Trường ĐH Vermont giảm tới 23%; ĐH Nebraska - Lincoln giảm 20%.

Trung Quốc là quốc gia có nhiều SV sang Mỹ học tập hơn bất kỳ nước nào khác. Theo đó, 363.000 người học đến từ Trung Quốc chiếm tới 1/3 số lượng SV quốc tế tại Mỹ. Tuy nhiên, con số này đã chững lại trong những năm gần đây, phản ánh xu hướng trong SV quốc tế nói chung.

Chia sẻ với truyền thông, nhiều SV và phụ huynh Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về an ninh tại Mỹ, khi bạo lực và các vụ xả súng thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, việc nhập cư vào Mỹ ngày càng khó khăn hơn.

Tìm cách thu hút sinh viên

Một báo cáo được công bố vào tháng 5 do Hiệp hội các nhà GD quốc tế thực hiện cho thấy hai yếu tố hàng đầu lý giải nguyên nhân số lượng SV nước ngoài tại Mỹ sụt giảm: Sự thay đổi trong quá trình cấp thị thực và môi trường chính trị - xã hội ở Mỹ.

Mặt khác, SV đến từ Trung Quốc cũng phải chịu những áp lực nhất định khi chính phủ Mỹ hoài nghi rằng, những người học Trung Quốc có khả năng cao ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.

Do đó, những công dân Trung Quốc xin thị thực sang Mỹ để theo học các lĩnh vực như robot, hàng không và sản xuất công nghệ cao thường bị kiểm tra chặt chẽ.

Xiong Xiong, một SV theo học ngành kỹ thuật điện tại ĐH Giao thông Bắc Kinh cho biết, anh hy vọng sẽ được theo học bậc sau ĐH tại Mỹ. Tuy nhiên, SV này cũng bày tỏ lo ngại về quy trình cấp thị thực phức tạp. Do đó, nam SV chia sẻ có thể sẽ nộp đơn vào các trường học tại Anh.

“Chuyên ngành của tôi có một chút nhạy cảm. Tôi e rằng, thị thực của tôi sẽ bị ảnh hưởng bởi điều đó”, Xiong Xiong nói.

Ông Brad Farnsworth, Phó Chủ tịch Tuyển dụng toàn cầu tại Hội đồng GD Mỹ khẳng định, các cáo buộc gián điệp kinh tế đang gây ra nhiều tổn thất.

“Tôi lo lắng là các SV Trung Quốc sẽ không cảm thấy được chào đón ở Mỹ và sẽ gặp phải sự thù địch cũng như hoài nghi về lý do tại sao họ lại ở Mỹ”, ông nói thêm.

Theo thống kê, SV nước ngoài đóng góp tới 39 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ. Trong khi hầu hết SV nước ngoài đều có đủ tiềm lực tài chính để có thể theo học tại Mỹ thì trái lại, nhiều SV Mỹ lại dựa vào viện trợ tài chính của chính phủ.

Trước bối cảnh này, nhiều người đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự ảnh hưởng tiêu cực tới nền tài chính của Mỹ khi số lượng SV Trung Quốc ngày càng giảm, đặc biệt là ở các ngành kỹ thuật và kinh doanh tại ĐH Illinois – nơi từng thu hút hơn 5.000 SV Trung Quốc.

Tại một số tổ chức GD ở Mỹ, Trường ĐH Lehigh ở Pennsylvania đã thuê một nhà tuyển dụng nhằm thu hút được nhiều SV Ấn Độ hơn.

Bên cạnh đó, theo bà Cheryl Matherly, Phó Chủ tịch kiêm Phó Hiệu trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế, lãnh đạo nhà trường cũng đang chú trọng hơn trong việc thu hút du học sinh tại khu vực châu Phi.

Ngoài ra, số đơn ứng tuyển vào các trường ĐH Mỹ của SV Trung Quốc đã giảm 6% vào năm nay, tương ứng với khoảng 650/7.100 người học.

“Chúng tôi đang cố gắng vượt qua vấn đề này. Tôi nghĩ việc tuyển sinh cũng như cách SV quyết định về nơi họ theo học đều là những yếu tố thường xuyên thay đổi. Là một tổ chức GD, chúng ta cần phải đa dạng hóa”, bà Matherly nhận định.

Giống như nhiều trường ĐH ở Mỹ, Trường ĐH Lehigh đã cử nhân viên đến Bắc Kinh và Thượng Hải, nhằm tổ chức các buổi định hướng cho SV Trung Quốc cũng như các bậc phụ huynh. Đây cũng là một trong những biện pháp giúp thể hiện sự quan tâm của nhà trường trong việc thu hút SV Trung Quốc.

Liu Pengfei, nam SV Trung Quốc đang theo học chương trình sau ĐH tại ĐH Vermont cho biết, cha mẹ anh đã rất lo lắng về vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ. Tuy nhiên, Liu khẳng định, sau 2 năm theo học, những gì mà anh nhận được đều vô cùng hữu ích.

Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...