Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc từ lâu đã đi trước Nga và Mỹ trong việc phát triển và chế tạo tên lửa đạn đạo tầm trung, cũng như trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân. Lý do cho sự vượt trội này là vì họ không bị giới hạn bởi bất kì thỏa thuận hạt nhân nào.
Vào năm 1987, Mỹ và Liên Xô (Nga) đã ký Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (Hiệp ước INF), sau đó họ đã phá hủy tất cả các tên lửa tầm trung và tầm ngắn trên đất liền. Do những điều kiện của thỏa thuận đã được kí kết, việc phát triển các tên lửa tầm trung trên biển và trên không của Mỹ và Nga cũng đã bị "đóng băng".
Trong khi đó, Trung Quốc không tham gia bất kỳ thỏa thuận nào và có thể tự do phát triển các loại vũ khí tên lửa, nhờ đó, sau một thời gian dài, họ đã có được một lượng lớn các tên lửa đạn đạo thuộc nhiều lớp khác nhau. Các hệ thống tên lửa tầm trung mới nhất của Trung Quốc là Dongfeng-16, Dongfeng-21 và Dongfeng-26.
Trung Quốc cho rằng, Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF một phần là do Washington cần phải đáp trả sự phát triển tên lửa đạn đạo của Trung Quốc. Đồng thời, trong khi Mỹ mới bắt đầu thử nghiệm lắp đặt tên lửa mặt đất tầm trung thì Trung Quốc đã sở hữu các loại tên lửa này, có khả năng tiêu diệt các nhóm tàu sân bay của Hải quân Mỹ, thậm chí là cả các căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam.