Trung Quốc: Cảnh báo sinh viên không nên đến Mỹ du học

GD&TĐ - Mới đây, chính phủ Trung Quốc đã cảnh báo sinh viên về những rủi ro khi học tập tại Mỹ, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai nước ngày càng trở nên căng thẳng; đồng thời, nhấn mạnh rằng khả năng cao thị thực của công dân Trung Quốc sẽ bị từ chối hoặc không được gia hạn.

Các trường ĐH Mỹ khẳng định sẽ mang đến môi trường công bằng, cởi mở cho các sinh viên Trung Quốc
Các trường ĐH Mỹ khẳng định sẽ mang đến môi trường công bằng, cởi mở cho các sinh viên Trung Quốc

Phân biệt đối xử

Thông tin từ Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết, một số sinh viên nước này mong muốn du học tại Mỹ đã gặp phải nhiều vấn đề, khi thị thực của họ không được gia hạn hoặc bị từ chối.

“Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ trong việc hoàn thành bằng cấp một cách suôn sẻ”, Bộ Giáo dục khẳng định.

Bộ này cũng nhấn mạnh rằng, sinh viên và các học giả Trung Quốc cần cân nhắc kỹ lưỡng về những rủi ro khi đi du học tại Mỹ, nâng cao nhận thức và có sự chuẩn bị tương ứng.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Bộ, bà Tư Mai cho rằng, bất chấp những căng thẳng thương mại, “tình hình chung” của du học sinh Trung Quốc tại Mỹ vẫn ổn định; đồng thời, khẳng định các cơ sở giáo dục đại học Mỹ vẫn chào đón sinh viên Trung Quốc.

Theo ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập của tờ Hoàn cầu Thời báo (Trung Quốc), sự phân biệt đối xử gần đây mà các sinh viên nước này phải đối mặt có liên quan đến tranh chấp thương mại song phương.

Thông qua bài đăng trên Twitter, ông Hồ nhấn mạnh: “Đây là lời cảnh báo trước hàng loạt biện pháp phân biệt đối xử gần đây mà Mỹ áp dụng đối với sinh viên Trung Quốc và cũng có thể được coi là một phản ứng đối với cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng”.

Tuyên bố của vị Tổng biên tập đã nhanh chóng trở thành đề tài nóng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Một số người đã bày tỏ lo ngại về việc đến Mỹ, thậm chí nhiều công dân Trung Quốc cho biết sẽ chọn những quốc gia khác làm điểm đến.

Năm ngoái, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã kêu gọi công dân nước này cẩn trọng về vấn đề an ninh khi tới Mỹ, khi các vụ xả súng thường xuyên diễn ra ở nơi công cộng, hay thậm chí là có khả năng bị nhân viên hải quan bắt giữ.

Tháng trước, Mỹ đã đưa ra dự luật, yêu cầu chính phủ lập danh sách các tổ chức khoa học và kỹ thuật liên kết với quân đội Trung Quốc, nhằm nghiêm cấm bất kỳ người nào đang làm việc hoặc được lực lượng này bảo trợ tới Mỹ.

Dự luật được đưa ra khi một số quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại về khả năng trộm cắp tài sản trí tuệ hoặc thậm chí là gián điệp của công dân Trung Quốc tại các trường đại học Mỹ cũng như các tổ chức khác.

Mặt khác, nhiều quan chức Mỹ và các trường đại học lại cho rằng, chính phủ đang có phản ứng thái quá; đồng thời, cho biết tầm quan trọng của các học giả và sinh viên Trung Quốc tại các tổ chức của Mỹ trong khi nhận thức được rủi ro an ninh.

Tầm quan trọng lớn

Theo thống kê từ Viện Giáo dục Quốc tế, có tới hơn 360.000 sinh viên Trung Quốc theo học tại Mỹ trong năm học 2017 - 2018, nhiều hơn 3 lần so với con số của 9 năm trước. Nhiều nhà sư phạm cho rằng, các du học sinh Trung Quốc không chỉ mang đến số học phí “khủng” cho trường đại học Mỹ, mà còn khiến những cơ sở giáo dục này có sự đa dạng về sắc tộc.

Tuy nhiên, lượng lớn du học sinh này đã khiến chính quyền Tổng thống Trump và các nhà lập pháp nâng cao cảnh giác và có sự giám sát chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Bởi lẽ, các quan chức Mỹ đã đặt ra câu hỏi rằng, liệu Học viện Khổng Tử - tổ chức quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, có phải là mối đe dọa gián điệp hay không?

Trước những thông tin cho rằng, Mỹ đang gây khó dễ cho sinh viên Trung Quốc, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên đã bác bỏ “các cáo buộc vô căn cứ khi cho rằng Mỹ từ chối visa Trung Quốc”.

Vị quan chức này nhấn mạnh, Mỹ luôn hoan nghênh các sinh viên và học giả Trung Quốc có những hoạt động học thuật hợp pháp tại nước này.

Về phía các trường đại học Mỹ, không ít lãnh đạo nhà trường đã thể hiện sự thất vọng, khi những xích mích giữa hai nước lại gây ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh.

“Hiệu trưởng của các trường đại học và cao đẳng đều muốn có một khuôn viên quốc tế đa dạng, vì sinh viên của chúng ta sẽ tồn tại trong một thế giới toàn cầu hóa”, ông Terry W. Hartle, Phó Chủ tịch của Hội đồng Giáo dục Mỹ cho biết.

Cũng theo ông Hartle, vì nhiều lý do, ngày càng có nhiều mối lo ngại hơn khi sinh viên quốc tế đăng ký vào các trường cao đẳng và đại học Mỹ so với những năm trước.

“Lãnh đạo tại các cơ sở giáo dục đã bày tỏ lo sợ trước việc sinh viên quốc tế có thể trở thành những con tốt trong cuộc chiến thương mại”, vị Phó Chủ tịch nói thêm.

Ông John F. Latted, Trưởng khoa tuyển sinh tại Đại học Emory khẳng định: “Sự có mặt của những sinh viên xuất sắc Trung Quốc cũng như các du học sinh khác, đã cho chúng tôi cơ hội để mang lại cho các em một môi trường giáo dục tuyệt vời nhất. Chúng tôi đã tuyển những sinh viên hàng đầu ở Trung Quốc từ năm 1990 và có được sự tin tưởng lẫn nhau mà nhà trường đã dày công gây dựng trong nhiều năm qua”.

Việc hạn chế tuyển sinh viên Trung Quốc đã và đang mang lại những tác động tiêu cực tới các cơ sở giáo dục Mỹ. Trong khi nhiều ngôi trường danh giá lo sợ sẽ mất đi nhiều tài năng từ Trung Quốc, không ít trường đại học lại bày tỏ lo ngại về nguồn tài chính.

Theo ông Jamiere N. Abney, Trợ lý tuyển sinh của Trường Đại học Colgate, có khoảng 1/3 số sinh viên quốc tế ở mỗi lớp đến từ Trung Quốc. Ông Abney cho rằng, các nhà lãnh đạo đại học đều nhận thức rõ về đòn giáng mạnh vào tài chính mà một số trường sẽ phải đối mặt nếu không còn các sinh viên Trung Quốc theo học.

Đối với Đại học California - Berkeley, phát ngôn viên Dan Mogulof khẳng định, nhà trường luôn coi trọng sự đa dạng sắc tộc, văn hóa; đồng thời, khẳng định việc có một lượng lớn sinh viên quốc tế theo học là điều cần thiết của tổ chức giáo dục.

“Vì vậy, chúng tôi bảo đảm rằng, mọi sinh viên trong khuôn viên này, bất kể họ xuất xứ từ đâu, sẽ đều cảm thấy an toàn, được tôn trọng và chào đón”, ông Mogulof nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.