Làm theo vẫn bị tấn công
Thông điệp mà thủ lĩnh Taliban tại địa phương nhắn nhủ tới lãnh đạo ngành Giáo dục của tỉnh miền Tây Afghanistan này là giáo viên nam không được phép dạy dỗ nữ sinh. Giới chức địa phương đã phải làm theo lời Taliban.
Vậy nhưng, các trường học dành cho nữ sinh ở Farah vẫn không thoát khỏi sự trừng phạt của Taliban. Mới tháng trước, phiến quân Taliban có vũ trang trong liên tiếp hai đêm đã phóng hỏa, gây thiệt hại nặng nề cho hai ngôi trường dành cho nữ sinh ngay bên ngoài thành phố. Trước khi rút đi, quân Taliban còn để lại trên tường dòng chữ: Tiểu Vương quốc Hồi giáo muôn năm! – Đây chính là tên của phong trào Taliban. Vậy là các lớp học dành cho hơn 1.700 học sinh đã phải đóng cửa.
Theo ông Muhibullah Muhib, phát ngôn viên của lực lượng cảnh sát, mấy tháng trở lại đây, 4 trường nữ sinh trên địa bàn tỉnh đã bị tấn công. Ngoài tâm trạng lo lắng của giáo viên, học sinh và phụ huynh, các cuộc tấn công với quy mô ngày càng lan rộng làm nỗi khiếp đảm về những tháng ngày cai trị của Taliban đang hiện hữu trong khi các cuộc thương lượng giữa Mỹ và Taliban vẫn đang diễn ra. Trước khi chính quyền Taliban đã sụp đổ (năm 2001), việc giáo dục trẻ em nữ vẫn bị đặt ngoài vòng pháp luật, phụ nữ vẫn phải sống quanh quẩn trong ngôi nhà của mình.
Theo Bộ Giáo dục Afghanistan, hiện nay có hơn 3,6 triệu trẻ em gái được đến trường, hơn 100.000 nữ sinh đang theo bậc đại học. Tuy nhiên chỉ tính trong vài tháng trở lại đây ở nước này đã có hơn 400 trường nữ sinh - nam sinh bị đóng cửa vì “lý do an ninh”, bao gồm xung đột vũ trang hay những lời đe dọa tấn công từ Taliban.
Thật trớ trêu là, trận đánh bom nhằm vào các lớp học ở làng Naw Deh (tỉnh Farah) hồi tháng trước xảy ra đúng thời điểm các lãnh đạo Taliban, đến Qatar để hội đàm với Mỹ, cam kết thực thi quyền của phụ nữ theo luật Hồi giáo, trong đó có quyền được giáo dục.
Cô giáo Sosan Aubi, 38 tuổi, bị bỏng trong cuộc tấn công ở làng Naw Deh nói rằng, cô và đồng nghiệp từng rất lạc quan vào một tương lai hòa bình khi các cuộc hội đàm diễn ra ở Qatar. “Tuy nhiên, vụ đánh bom vừa rồi thực sự giết chết niềm hy vọng mong manh đó”, cô chia sẻ.
Nayab Khan, một người bán tạp hóa, có em và con gái từng học ở những ngôi trường bị Taliban phóng hỏa khẳng định không tin vào lời hứa của Taliban. “Họ nói sẽ làm mọi thứ tốt lên, song mắt tôi lại nhìn thấy họ thổi bay các trường học và cấm trẻ em gái tới trường”, ông Khan nói.
Zabihullah Mujahid, người phát ngôn của Taliban đã từ chối trách nhiệm liên quan đến các vụ tấn công kể trên và khẳng định sẽ điều tra và trừng phạt những người liên quan; đồng thời cam kết nếu mở cửa trở lại, Taliban sẽ không gây rắc rối gì cho những ngôi trường trên.
|
Taliban dần chiếm quyền kiểm soát
Dadullah Qani, một thành viên của Hội đồng tỉnh Farah nhận định rằng các vụ tấn công cho thấy chính phủ đang mất dần quyền kiểm soát khu vực này. “Tình hình an ninh ở đây xấu đi từng ngày, cả dân thường lẫn quan chức chính phủ đều không nhận được sự bảo vệ nào hết”, ông nói.
Các quan chức nhà nước trong tỉnh và những người già đều cho rằng, các cuộc tấn công phản ánh sự chia rẽ quan điểm giữa quân đội và Taliban về vấn đề giáo dục dành cho nữ sinh. Quân Taliban đang hoạt động theo kiểu “chính phủ giấu mặt” trong các khu vực họ kiểm soát hay tranh chấp, hằng ngày họ đánh thuế người dân, xây dựng các cơ sở của mình nhằm kiểm soát mọi biến động.
“Một số người đồng ý nên có trường cho nữ sinh, số khác lại phản đối”, ông Halimi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Farah than vãn. Một nhóm già làng nói rằng, họ đã đến gặp chính quyền tỉnh Farah để yêu cầu xây lại các ngôi trường nhưng chính quyền tỏ ra hoàn toàn bất lực. Thậm chí, họ được cấp trên khuyên nên hợp tác với các lãnh đạo Taliban.
Ông Halimi cho biết, khoảng 50 người trong làng định dựng tạm một số lều để lấy chỗ học cho các em. Người dân địa phương cho biết, tổ chức giáo dục Taliban đã liên hệ để bàn việc mở lại trường học, tuy nhiên Taliban vẫn đang chờ chỉ đạo từ cấp cao hơn.
Tại làng Naw Deh có ngôi trường mang tên Sher Ali Khan, ở đây các cửa sổ đều đã bị thổi bay, tường thì đã đổ sập sau các vụ tấn công. Phía trong là các bàn học bị cháy nham nhở, sách vở vương vãi khắp nơi. Mohammad Azimi, Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Farah cho biết, ông đã nhờ phụ huynh và học sinh dựng lại trường. Ngay lối vào cổng trường người ta thấy một tấm biển khắc cờ Mỹ và Afghanistan với dòng chữ bằng tiếng Afghanistan và Anh: “Công trình này là do nước Mỹ và nước Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan xây dựng năm 2005”. Các vết xóa trên tấm biển cho thấy ai đó đã cố gắng gạch bỏ cờ Mỹ đi.
Abdul Rahman, Hiệu trưởng Trường Sher Ali Khan kể rằng: Đêm 15/4 vừa rồi, có năm người đàn ông trang bị vũ khí, đeo mặt nạ bất ngờ nhảy vào trói người gác cổng rồi đổ xăng và phóng hỏa ngôi trường này.
“Tôi đã nuôi hy vọng về các cuộc đàm phán hòa bình có thể giúp cải thiện tình hình, nhưng đến nay trường học đã bị thổi bay, tôi không còn hy vọng gì nữa”, Abdul Hamid Haidari, 45 tuổi thủ thư của trường buồn rầu nói. Ông có 3 cô con gái học ở trường này. Lẽ ra năm nay, Roya 18 tuổi – con gái ông sẽ thi tốt nghiệp và em dự định theo nghề giáo viên nhưng điều này có thể không trở thành hiện thực vì ngôi trường của em đã bị phá hoại.
Roya và các em đã bật khóc khi biết ngôi trường bị tấn công. Ông Haidari đã quyết tâm cho 3 con gái, 4 con trai mình được học hành, chấp nhận hy sinh bản thân để chúng được đến trường bất chấp tình hình an ninh bất ổn ở đây.
“Hôm nay họ cho nổ tung các lớp học trong trường”, ông Qani - thành viên hội đồng giáo dục tỉnh lo ngại - “Ngày mai liệu họ có tấn công học sinh không?”.