Tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 9/6 dẫn lời một quan chức doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc giấu tên cho biết các công ty nhà nước đã được Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo về việc đình chỉ tham gia đấu thầu tại Việt Nam.
Ba nhà thầu Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam cũng nhận được thông báo. Một nhân viên tại bộ phận cấp phép của Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận thông tin trên nhưng không biết lệnh cấm kéo dài bao lâu.
Trước thông tin này, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Đông Nam Á Hứa Lợi Bình của Viện Chiến lược Quốc tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh đang cố gắng gây áp lực kinh tế đối với Việt Nam.
“Bất kỳ biện pháp tăng cường đầu tư nào của Trung Quốc vào Việt Nam đều không phù hợp với căng thẳng hiện nay. Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang sử dụng lá bài kinh tế nhưng hiệu quả ra sao thì còn phải chờ” - ông Hứa nói.
Trong khi đó, ông Trương Kiệt, chuyên gia về quan hệ đối ngoại tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng tác động của lệnh cấm đấu thầu ở Việt Nam là không lớn.
“Trung Quốc không có khả năng đe dọa sự phát triển kinh tế của Việt Nam vì đầu tư của chúng tôi ở đây quá nhỏ” - ông Trương nhận xét và nói thêm: “Ngay cả khi tiếp tục đấu thầu tại Việt Nam, doanh nghiệp Trung Quốc khó giành phần thắng trong điều kiện hiện nay”.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam từ năm 2004 nhưng chỉ đứng thứ 11 về đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam (năm 2012). Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc, có khoảng 113 doanh nghiệp nước này đang hoạt động ở Việt Nam với các lĩnh vực công nghệ, điện lực, hóa học…
Trong thông cáo ngày 8/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục đưa ra những thông tin vu khống về hoạt động trái phép của giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Thông cáo ngang ngược cho rằng giàn khoan hoạt động trong lãnh thổ Trung Quốc và cố tình bóp méo sự thật khi nói tính tới 17 giờ ngày 7-6, có 63 tàu thuyền Việt Nam hiện diện gần giàn khoan và đâm va tàu của họ 1.416 lần.
Ngoài căng thẳng gần Hoàng Sa, việc Trung Quốc lăm le xây đảo nhân tạo để lấn xuống quần đảo Trường Sa ở Nam biển Đông đang gây nhiều lo ngại.
Trước suy đoán đây là bước đi để lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông, tướng Herbert “Hawk” Carlisle - chỉ huy lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương - nêu rõ đó là “hành động hết sức khiêu khích” và có thể dẫn đến tính toán sai lầm.
“Sợ là số 1”
Trung Quốc hôm 9/6 xác nhận sẽ lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới Vành đai Thái Bình Dương 2014 (RIMPAC) do Mỹ tổ chức trong tháng này ở vùng biển gần đảo Guam.
Ngược với hành động phô trương khả năng quân sự, chuyên gia khoa học chính trị Hòa Khải của Trường ĐH Utah (Mỹ) nhận định thực ra Trung Quốc không muốn vượt Mỹ để trở thành siêu cường số một thế giới.
Chuyên gia này đưa ra 3 lý do cho thái độ này: sức mạnh thực chất của Trung Quốc bị bơm phồng thông qua con số tăng trưởng GDP, những tác động chính trị đằng sau ảo tưởng “Trung Quốc là số 1” và hơn cả là chủ nghĩa dân tộc cực đoan có thể gây hại cho Bắc Kinh.