Trung Quốc: Các trường đại học ưu tiên hỗ trợ sinh viên khuyết tật

GD&TĐ - Đại học Nghệ thuật An Huy, Trung Quốc, đã chào đón sinh viên khiếm thị đầu tiên vào năm học 2024 - 2025.

Thầy cô và bạn bè hỗ trợ Yu trong quá trình học tập tại trường.
Thầy cô và bạn bè hỗ trợ Yu trong quá trình học tập tại trường.

Nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho tân sinh viên “đặc biệt” này.

“Chào mừng đến với Đại học Nghệ thuật An Huy!” là câu nói mà sinh viên khiếm thị Yu Xiaonan nhớ nhất sau khi đạt được ước mơ học đại học vào tháng 9 vừa qua.

Yu sinh năm 2005 tại tỉnh An Huy, Trung Quốc. Từ nhỏ, nữ sinh mắc bệnh về mắt khiến thị lực suy giảm. Ngược lại, em có thính giác nhạy bén và trí nhớ tốt để theo đuổi lĩnh vực âm nhạc. Sau 2 lần tham dự kì thi đại học quốc gia, còn gọi là gaokao, Yu đã trúng tuyển chuyên ngành Biểu diễn âm nhạc tại Đại học Nghệ thuật An Huy.

Bức thư nhập học của Yu là một món quà vô cùng đặc biệt đến từ trường đại học. Thư viết bằng chữ nổi với số 0001, thể hiện Yu là sinh viên khuyết tật đầu tiên trúng tuyển vào trường. Sau khi nữ sinh xác nhận nhập học, nhà trường lập tức triển khai các biện pháp hỗ trợ nhằm xây dựng môi trường an toàn, phù hợp cho người khuyết tật.

Khi Yu nhập học, cô đã được hỗ trợ nhiệt tình bởi các bạn học, thầy cô giáo. Trong kí túc xá, em được xếp phòng nằm ở tầng 1, có biển báo chữ nổi để nữ sinh tìm đường đi. Những chi tiết nhỏ này khiến Yu bất ngờ và xúc động trước sự quan tâm, hỗ trợ của ban giám hiệu, thầy cô giáo và bạn bè.

Bên cạnh đó, do hoàn cảnh gia đình và tình trạng sức khoẻ, mẹ Yu đi học cùng con gái để hỗ trợ các hoạt động thường ngày trong khi bố kiếm tiền nuôi gia đình. Các khoản học phí, sinh hoạt phí cũng như thuốc thang của Yu khiến gia đình gặp nhiều áp lực nhưng bố mẹ nữ sinh đều hi vọng con có thể tốt nghiệp và tìm công việc phù hợp.

Hiểu cho hoàn cảnh gia đình của sinh viên, trường đại học đã sắp xếp một công việc trong trường cho mẹ của Yu, từ đó, giảm bớt gánh nặng tài chính.

Bên cạnh sự hỗ trợ sinh hoạt, nhà trường đang từng bước giúp Yu theo kịp bài học và hoà nhập với môi trường đại học. Cụ thể, nhà trường đã chuyển đổi các nội dung học trực quan về hình ảnh thành định dạng âm thanh và xúc giác. Các lớp học lý thuyết nhấn mạnh vào việc lắng nghe, giao tiếp trong khi các bài tập thực hành tập trung vào trải nghiệm cảm giác.

Ông Yin Guangfu, đại diện Đại học Nghệ thuật An Huy cho biết: “Chúng tôi đang sắp xếp để Yu học quân sự cùng bạn bè. Ngoài ra, chúng tôi cũng điều chỉnh chương trình giảng dạy để đáp ứng nhu cầu học tập đặc biệt của em”.

Những phương án hỗ trợ sinh viên khuyết tật của Đại học Nghệ thuật An Huy đã nhận được lời khen ngợi, ủng hộ từ cộng đồng. Các chuyên gia giáo dục đặc biệt đánh giá đây là tín hiệu đáng mừng của lĩnh vực giáo dục đại học khi các cơ sở giáo dục cởi mở và tìm cách hỗ trợ sinh viên khuyết tật. Nhờ đó, nhóm này sẽ được đối xử công bằng và trao quyền học tập đầy đủ.

“Chúng tôi cam kết xây dựng môi trường giáo dục tích cực, đầy đủ cho sinh viên Yu Xiaonan để em có thể phát triển toàn diện, trải nghiệm tối đa trong 4 năm học tại trường”, ông Yin Guangfu, đại diện Đại học Nghệ thuật An Huy, Trung Quốc, cho biết.

Theo China Daily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều phiên giao dịch được tổ chức giúp cho người lao động tìm việc làm.

Cách nào tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp?

GD&TĐ - Ngoài thay đổi chiến lược tuyển dụng, cần có hệ thống thông tin dữ liệu chuẩn, chính xác về ứng viên để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận...với lực lượng lao động